Sáng 12-6, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì buổi giám sát của HĐND với UBND TP về việc thực hiện chương trình cải cách hành chính về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và cải cách chế độ công vụ giai đoạn 2022-2025.
Còn có tình trạng chưa nghiêm kỷ cương hành chính, công vụ
Tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Võ Ngọc Quốc Thuận cho biết công tác cải cách hành chính của TP.HCM đã đạt những kết quả nổi bật, năm 2022, 2023 kết quả chỉ số cải cách hành chính có cải thiện về thứ hạng so với các năm trước.
Việc giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong công tác lãnh đạo, điều hành, thực thi công vụ giúp đội ngũ thực hiện đúng và tốt hơn chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nhưng vẫn còn tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện chưa nghiêm các quy định, quy chế, kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực thi công vụ.
Năm 2022 có 11 cán bộ, 92 công chức và 85 viên chức bị xử lý kỷ luật; năm 2023 có 8 cán bộ, 84 công chức và 145 viên chức bị xử lý kỷ luật. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay có 9 lượt chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền đánh giá của chủ tịch UBND TP bị hạ mức đánh giá, xếp loại chất lượng hằng quý từ mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuống hoàn thành tốt nhiệm vụ do chậm thực hiện xử lý phản hồi thông tin trên cổng 1022.
Sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập không thể như phép toán
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận TP.HCM đã đi một bước rất dài về tổ chức bộ máy chính quyền đô thị. TP đang có rất nhiều không gian mở để hoàn thiện tổ chức chính quyền.
Tuy nhiên, về việc tinh giản biên chế và sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công theo nghị quyết của trung ương vẫn còn nhiều hạn chế bởi mâu thuẫn giữa thực tiễn và yêu cầu sắp xếp.
TP có rất nhiều bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu… để thực hiện các nhiệm vụ, nên yêu cầu là cứ phải giảm 10% đơn vị sự nghiệp, 10% biên chế so với năm 2021 rất khó khăn.
Theo ông Hoan, tính hiệu quả trong sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập là làm sao giảm chi ngân sách nhưng mà vẫn phục vụ tốt cho người dân. TP từng kiến nghị với trung ương xem xét được thực hiện mục tiêu kép, có nghĩa TP vẫn sẽ cố gắng giảm đầu mối những đơn vị nhỏ lẻ, nhưng đồng thời phải tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Lấy ví dụ về mô hình hoạt động của chợ truyền thống, theo quy định phải là công ty chợ, không có ban quản lý chợ nhưng không có ban quản lý chợ nào ra mô hình công ty bởi chợ không của riêng ai. Xu hướng công ty chợ lấy lợi ích của công ty, của người làm chủ để áp đặt cho tiểu thương thì cực kỳ khó. Chính vì vậy, đối với các loại hình này, cứ để hoạt động theo mô hình ban quản lý chợ nhưng tự chủ tài chính.
Về việc quản lý, sử dụng tài sản công vào các mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh liên kết, phó chủ tịch UBND TP cho biết TP sẽ vận dụng nghị quyết 98 để xem xét thực hiện phân cấp ủy quyền theo quy định.
Quan trọng nhất không chỉ việc phân tầng ủy quyền, mà là việc tổ chức quản lý, sử dụng nguồn thu; tính công khai, minh bạch và những nguyên tắc trong đấu thầu, đấu giá. Việc này Sở Tài chính đang tham mưu UBND TP thực hiện.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhìn nhận công tác cải cách hành chính của TP đã có nhiều tiến bộ với sự nỗ lực rất lớn. Trong tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập theo nghị quyết 19 của trung ương, bà Lệ đề nghị làm sao tổ chức để các đơn vị hoạt động đạt hiệu quả và đảm bảo chỉ tiêu chung của TP.
Lãnh đạo HĐND TP lưu ý UBND TP quan tâm, tháo gỡ quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành, quận huyện; quan tâm đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo và giải thưởng sáng tạo về cải cách hành chính ở cấp TP…
Theo UBND TP.HCM, những chuyển biến rõ rệt trong cải cách công vụ đã góp phần xây dựng cho TP nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận