Thực trạng cũng như đề xuất giải pháp cho các vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân được nhiều ý kiến phân tích, đề xuất tại hội nghị sơ kết chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020, sáng 10-3.
Đầu tư nhà ở xã hội: Vướng đủ đường
Theo ông Huỳnh Thanh Khiết - phó giám đốc Sở Xây dựng TP, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích 1,23 triệu m2 sàn, đạt 69,2% so với chỉ tiêu đề ra.
Về nguồn vốn đầu tư xây dựng, giai đoạn này chỉ có hơn 2 dự án sử dụng vốn ngân sách, với tổng số 620 căn hộ (chiếm 4,15%). Còn các doanh nghiệp đầu tư hơn 16 dự án, với tổng số 13.870 căn hộ (chiếm 95,8%). Như vậy, tỉ trọng vốn nhà nước dành cho việc phát triển nhà ở xã hội giai đoạn trên rất thấp.
Đại diện Ban quản lý khu chế xuất - khu công nghiệp TP thông tin thời gian qua chỉ có 16 nhà lưu trú đưa vào sử dụng, giải quyết chỗ ở cho 21.000 người lao động (chiếm 15% lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp).
Bên cạnh đó, rất nhiều đối tượng nhà ở xã hội đang khó tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay chỉ 310 khách hàng được vay, với tổng số vốn gần 150 tỉ đồng. Trong khi số lượng đủ điều kiện vay lên đến khoảng 20.000 người, phần lớn phải vay từ các nguồn khác theo giá thương mại.
"TP chỉ xét duyệt được cho 509 đối tượng đủ điều kiện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng vốn ngân sách, còn lại khoảng 17.632 đối tượng chưa được hưởng chính sách về nhà ở.
Qua giai đoạn trên, lượng nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu đề ra. Rất khó khăn khi triển khai các dự án nhà ở xã hội ở TP bởi các vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý, cơ chế hỗ trợ ưu đãi…", ông Khiết nhận định.
Một vướng mắc lớn được ông Khiết chỉ ra đó là pháp lý đất đối với nhà ở xã hội. Theo quy định, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Dù vậy, vẫn phải thẩm định giá đất (để rõ giá trị đất đó là bao nhiêu và được miễn), trong khi công tác thẩm định giá kéo dài nhiều năm. Hiện TP có 40 vị trí làm dự án nhà ở xã hội đang bị vướng.
"TP đang kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về xử lý vi phạm trường hợp không trình thẩm định giá nhà ở xã hội của chủ đầu tư. Cùng với đó kiến nghị Chính phủ cho phép chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất được vay vốn tín dụng ưu đãi…", ông Khiết thông tin.
Góp thêm một phương án giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân tại hội nghị, ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho rằng cần có cơ chế sử dụng được nguồn tài chính của công đoàn để hỗ trợ cho nhà đầu tư dự án nhà ở cho công nhân. Bởi lẽ Liên đoàn Lao động TP muốn sử dụng nguồn vốn của đơn vị để tham gia làm chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng hiện không có quy định cho phép việc này.
Kiến nghị tháo gỡ cải tạo chung cư cũ
Về việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP, từ năm 2016 đến nay đã thực hiện cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới 213/237 chung cư, đạt 89,8% so với chỉ tiêu đề ra. Hoàn tất kiểm định chất lượng 474 chung cư cũ, kết quả có 15 chung cư cấp D (7 hư hỏng nặng, 8 nguy hiểm); 115 chung cư cấp C; 332 chung cư cấp B.
Ông Võ Thanh Dũng - phó chủ tịch UBND quận 4 - cho biết trên địa bàn quận có 32 chung cư cũ, trong đó có 5 chung cư cấp D đang có nguy cơ sụp đổ cao.
Dù TP đã có nhiều chủ trương yêu cầu xây dựng lại mới với các chung cư cũ nhưng thực tế đến nay các chung cư vẫn chưa di dời được bởi vướng hàng loạt vấn đề.
Ông Dũng cho biết quận đang làm đề án chung cho việc xây dựng lại toàn bộ chung cư cũ trước năm 1975. Ông Dũng đề xuất việc xây dựng lại chung cư nên thực hiện trên tinh thần xây gom. Nghĩa là với những chung cư đủ điều kiện về quy hoạch thì cho nâng số tầng và quy mô, với những chung cư không phù hợp thì cho đấu giá, đấu thầu chuyển đổi công năng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận