Cây đàn piano đặt ở hành lang lối vào nhà ga trung tâm Strasbourg dành cho bất cứ ai muốn chơi - Ảnh: D.T.T. |
Hành trình khám phá Strasbourg bắt đầu từ nhà ga trung tâm.
Điều làm chúng tôi lưu luyến nhớ về nhà ga này chính là một cây đàn piano đặt ngay hành lang, nghĩa là nơi công cộng, là không của riêng ai và mời nhau bằng một dòng chữ “À vous de jouer!”: Mời bạn chơi đàn!
Và một cô gái trẻ, balô túi xách dưới chân, đã ngồi vào và tấu lên một khúc nhạc trữ tình, trong lúc có thể cô đang chờ đợi một chuyến đi, chuẩn bị đón một người thân hoặc sắp chia tay với một ai đó.
Tiếng nhạc thong thả bay lên từng phím, từng phím một... gọi ra một thứ nghệ thuật không vì cơm áo, không tìm danh tiếng, đơn giản chỉ là để được thể hiện, được sẻ chia!
Từ bên trong đi ra, nhà ga Strasbourg Centrale chỉ là... một nhà ga! Nhưng bước ra ngoài quảng trường nhìn lại, bạn sẽ phát hiện một công trình kiến trúc đáng “ngạc nhiên chưa”.
Năm 2007, kiến trúc sư Dutilleuil đã tạo ra một vỏ bọc bằng kính bảy lớp trong và cong, bao quanh và trùm lên công trình nhà ga cũ vốn là một di sản kiến trúc cổ đã được xếp hạng.
Buổi sáng, dưới ánh nắng mặt trời trên cao, nhà ga mang hình ảnh mới của một kiến trúc đương đại.
Nhưng khi về đêm, cùng với sự bừng lên của nghệ thuật chiếu sáng từ bên trong, đây lại là hình ảnh cũ của một kiến trúc cổ xưa. Hai khuôn mặt cho một công trình trong cùng một ngày, đổi thay theo chiều của ánh sáng và thời gian, thật là ngoạn mục!
Năm 2014, khi CNN công bố bảng xếp hạng 11 nhà ga độc đáo nhất thế giới do Emporis bình chọn, ga Strasbourg được xếp hạng thứ 7: “Một tảng kính vĩ đại, ôm ấp một công trình kiến trúc cổ từ những năm 1880, khiến nhà ga trông như một viên ngọc rực rỡ nhìn từ bên ngoài”.
Như đã hẹn trước cùng nhau, Thảo Nguyên sẽ đi thẳng từ nơi ở đến Strasbourg để “hội quân”. Nhưng cuộc sống luôn đầy những bất ngờ, bạn phải qua đến năm chặng vừa xe buýt vừa tàu lửa do một sự cố không rõ lý do của ngành giao thông nước Đức.
Vì vậy, cô gái trẻ đang theo học chương trình cao học về kinh tế ứng dụng thuộc Đại học Wuppertal, thành phố Wuppertal, bang Nordrhein Wesfalen (thủ phủ là Düsseldorf) này đã bước xuống sân ga với bao nhiêu là cảm xúc, vừa giận dỗi vừa trách móc, vừa vui mừng: “Em phải đi biết bao nhiêu là chặng mới đến được đấy!”.
Và cuối cùng, đám “lục lâm” sáu người chúng tôi cũng đã có thể... “cùng hành quân đi giữa mùa thu”!
Trạm xe điện “Ancienne Synagogue - Les Halles” nằm ngay bờ kênh mang tên thánh Jean, đưa chúng tôi đi cùng dòng sông Ill. Mùa thu đã ngắt vô số lá vàng ném xuống hè phố, rải lên bậc thang, bãi cỏ và những chiếc ghế gỗ lặng lẽ bên bờ kênh, nhưng vẫn chưa đủ sức nhuộm hết những tán cây dẻ dai vừa xanh vừa chớm ửng hồng, đứng thành hàng hai bên một dòng sông đang chảy chậm như vẫn còn nặng lòng với năm tháng.
Chỉ có những cụm liễu vẫn xanh màu liễu nhưng không giấu được cảm xúc, cứ buông những “dòng nước mắt” đổ xuống, đổ mãi vào dòng chảy của mùa thu đang đầy dần lên!
Xe bán hạt dẻ nóng trên phố - Ảnh: D.T.T. |
Qua một cây cầu không kịp biết tên, một nhà thờ mang tên thánh Pierre - le - Vieux, một bờ kênh có tên Turckheim, và một cây phong cổ thụ có những nhánh cây sần sùi như ngón tay ngón chân người bị bệnh gout, chúng tôi bước vào một khu vực nổi tiếng của Strasbourg: Petite France (Tiểu Pháp quốc).
Vào thế kỷ XII Strasbourg mở rộng dần về phía nam. Khác xa với giới quý tộc tập trung gần nhà thờ Đức Bà, những người thợ nghèo khó đã xây dựng khu này thành những con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo và những ngôi nhà gỗ xinh xắn chạy theo bốn nhánh sông.
Các nhánh sông về sau trở thành kênh từ dòng sông Ill chảy qua thành phố. Nhờ bốn dòng kênh này mà các ngành nghề thủ công được phát triển, trong đó nổi bật nhất là nghề thuộc da, xay xát và đánh cá.
Tên gọi “Petite France”được dùng cho khu phố này từ đầu thế kỷ 16, bắt nguồn từ một bệnh viện được xây dựng từ cuối thế kỷ 15, dành cho đám binh sĩ dưới trướng nhà vua François đệ nhất, bị mắc bệnh - có tài liệu nói là đậu mùa, có sách nói là giang mai, tóm lại đều là những thứ bệnh “lây nhiễm và ghê tởm”.
Căn bệnh “đáng xấu hổ” được gọi tên là “căn bệnh Pháp” (Franzosenkrankheit, trong tiếng Đức), còn tiếng Pháp gọi là “căn bệnh Naples”. Và “Petite France”, từ một tên gọi có tính miệt thị, giờ đây lại trở nên đáng yêu hơn bao giờ hết ở xứ sở này!
Là khu sinh sống của thợ thuộc da, thợ xay xát và ngư dân nên có khá nhiều con phố còn mang đậm dấu ấn của cư dân xưa như phố Cối Xay (rue des Moulins), phố Rãnh Thợ Thuộc Da (rue du Fossé-des-tanneurs)...
Nhà hàng La Maison des Tanneurs (Nhà thợ thuộc da) là ngôi nhà được chụp ảnh nhiều nhất ở khu Petite France này: được xây dựng năm 1572 để làm xưởng thuộc da, chuyển sang làm nhà hàng từ năm 1949. Nhân dịp 400 tuổi, ngôi nhà này đã được trùng tu vào năm 1972.
Hoàng Nhi cho biết: Petite France thu hút khách du lịch nhờ những căn nhà gỗ chính hiệu Alsace, những con phố lát đá và những con kênh nhỏ uốn quanh.
Gần như cả khu phố chỉ dành cho người đi bộ. Hình ảnh những căn nhà gỗ đủ màu sắc, rực rỡ hoa, soi bóng xuống dòng kênh đã trở thành biểu tượng của di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1988 này.
Tour “vòng quanh nước Pháp nhỏ bé” của chúng tôi, từ cây cầu thánh Martin qua rue des Moulin, quai de Moulin (bến Cối Xay Gió) đến cây cầu quay tên Faisan (Chim trĩ), phố Bain aux Plantes (Nhà Tắm Thảo Dược), rồi dừng lại rất lâu để nhìn ngắm Maison des Tanneurs, rồi mua sắm ở một tiệm bán hàng lưu niệm với rất nhiều hình ảnh những chú cò Alsace.
Nhiều con phố nhỏ đổ về quảng trường Benjamin Zix (họa sĩ và nhà điêu khắc sinh trưởng ở rue des Moulin gần đấy) nhỏ xinh với nhiều du khách đang ăn uống, cười nói và tận hưởng một không gian cà phê ngoài trời dưới những tàn cây xanh.
Từ khu Petite France, men theo con kênh nhỏ xanh rì những cây cổ thụ, du khách đến với ponts Couverts (Cầu có mái che) gồm ba cây cầu lát đá nối tiếp nhau bắc qua sông Ill. Khi được xây dựng vào thế kỷ 13, ba cây cầu này bằng gỗ có mái che cũng bằng gỗ và làm nên tên gọi của chúng.
Tuy những mái che này đã không còn tồn tại từ thế kỷ 18 nhưng chúng vẫn được giữ lại tên gọi lịch sử. Ponts Couverts ra đời do nhu cầu mở rộng thành phố của Cộng hòa Strasbourg, đồng thời là một điểm phòng thủ quan trọng nhờ bốn tháp canh (nay chỉ còn lại ba) được xây dựng vào thế kỷ XIV.
Khi chúng tôi đứng trên mái đập Vauban, tòa tháp duy nhất của nhà thờ Đức Bà Strasbourg hiện lên uy nghi.
Gọi là duy nhất, bởi theo lẽ thường, phải có hai tòa tháp song song, nhưng nhà thờ này chỉ có một tòa bên trái. Còn vì sao người ta không xây cho đủ đôi đủ cặp thú thật không rõ lý do. Có sách nói rằng do chịu ảnh hưởng nặng của kiến trúc Đức thời bây giờ nên chỉ có một tòa tháp.
Còn dân gian truyền miệng rằng lúc xây dựng ban đầu, tòa móng của tháp bên này bị sụp lở, cho là có điềm không lành nên người ta đã quyết định không xây tháp nữa.
Cũng có khi chính sự “so le” này đã làm nên sự khác biệt, làm nên sự nổi tiếng cho ngôi giáo đường từng được xem là cao nhất thế giới tính đến năm 1874. Và Victor Hugo đã mô tả nhà thờ này như là “một công trình thần kỳ, khổng lồ và tinh tế”.
__________
Kỳ tới: Tiếng chuông 30 phút một
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận