Một trường hợp bị tai nạn trên cầu Calmettre, quận 1, TP.HCM. Sau khi nhận cuộc gọi từ thông báo của người dân có người bị nạn, nhân viên y tế đã đến hiện trường sơ cứu nạn nhân rồi chuyển đi bệnh viện cấp cứu - Ảnh: T.T.D.
Vậy cần làm gì để lòng tốt lan tỏa, để những "Lục Vân Tiên" thời nay không bị làm khó?
"Lòng tốt" bị… hành hung
Anh Phạm Xuân An (ngụ Bình Dương) kể lại câu chuyện mình làm ơn mà mắc oán. Hôm đó, anh An đi sinh nhật một người bạn tại khu dân cư Thanh Nghĩa, Thủ Dầu Một. Đến khoảng 23h, anh và người bạn đi trên đường Ngô Gia Tự thì phát hiện hai người phụ nữ bị tai nạn giao thông. Một người nằm bất tỉnh, người còn lại bị thương khá nặng. Anh An và bạn vội vã đưa hai người phụ nữ vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cấp cứu.
Sau khi đóng tiền tạm ứng viện phí cho hai phụ nữ, anh An ngồi chờ người nhà họ đến để giao lại việc chăm sóc. Và khoảng 1 tiếng sau, một thanh niên xăm trổ - là bạn trai của một trong hai cô gái bị nạn - đến bệnh viện. Khi gặp anh An, thanh niên này đã xông đến hành hung anh An vì tưởng anh là người gây ra tai nạn. Việc hành hung chỉ dừng lại khi lực lượng bảo vệ của bệnh viện can ngăn.
Ngoài việc bị người nhà nạn nhân hiểu lầm, hành hung, không ít người dân còn bị làm phiền bởi các thủ tục khai báo sau khi cứu người. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trương Lâm Danh - trưởng Ban pháp chế HĐND TP.HCM - bộc bạch chính ông từng bị bệnh viện làm khó khi đưa người gặp nạn trên đường vào bệnh viện cấp cứu. Ông cho hay có thể phía bệnh viện nghĩ ông có liên quan đến tai nạn của người bị nạn nên lưu lại, lục vấn.
Tạo điều kiện để cái tốt lan tỏa
Ông Trương Lâm Danh cho rằng việc cứu người là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân. "Tuy nhiên, thực tế nhiều người dân cũng muốn giúp người nhưng ngại gặp rắc rối từ bệnh viện, rồi thủ tục khai báo với cơ quan công an. Vì vậy, theo tôi, các bệnh viện nên tạo điều kiện để người cứu nạn thuận lợi trong việc đưa nạn nhân đi cấp cứu" - ông Danh nói và cho rằng bệnh viện nên nhanh chóng ghi nhận hồ sơ, chụp lại CMND của người cứu nạn rồi để họ đi.
Còn đối với cơ quan công an, theo ông Danh, khi người cứu nạn ra trình báo thì phải nhanh chóng tiếp nhận, xác minh, giúp đỡ, tránh gây rắc rối cho họ về thủ tục. "Bên cạnh đó, để lan tỏa nghĩa cử cứu người, nhân đạo… trong xã hội, tôi nghĩ cơ quan chức năng nên có hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp với những người có hành động đẹp ấy" - ông Danh nói.
Cùng chia sẻ về vấn đề trên, đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn - trưởng Công an quận Tân Phú, TP.HCM - cho rằng việc tiếp nhận thông tin trình báo từ người cứu nạn là rất cần thiết cho cơ quan công an điều tra nguyên nhân tai nạn và các vấn đề liên quan. Bởi họ là những người biết việc. Cơ quan công an phải tiếp nhận thông tin từ họ để nắm rõ về thời gian, địa điểm, nhận dạng đối tượng gây tai nạn.
Theo ông Tuấn, khi làm việc với người cứu nạn thì phải xác định họ là người đã có hành động đẹp, đáng biểu dương và còn đang giúp cơ quan công an trong quá trình điều tra. Do đó tinh thần chung là cơ quan công an cần tạo điều kiện thuận lợi để họ giúp đỡ lực lượng.
Tuy nhiên, đại tá Nguyễn Hoàng Tuấn thừa nhận hiện ở đâu đó vẫn có những cán bộ chưa khéo léo, xử sự chưa phù hợp với người cứu nạn.
"Để tránh gây rắc rối cho công việc, cuộc sống của người cứu nạn thì cơ quan công an cần bố trí thời gian để trình báo, lấy lời khai phù hợp. Ví dụ, cán bộ công an chủ động đi gặp người cứu nạn, lấy lời khai vào thời gian linh hoạt mà người cứu nạn sắp xếp được…" - ông Tuấn chia sẻ thêm.
* Anh Nguyễn Tiến Dũng - Tài xế taxi, ngụ quận 7, TP.HCM:
Cần biểu dương kịp thời người tốt
Tôi làm nghề tài xế nhiều năm và chứng kiến nhiều vụ tai nạn trên đường và cũng tham gia cứu người khi có điều kiện. Để phát huy tinh thần nhân đạo, nghĩa cử cứu người thì cơ quan công an, bệnh viện cần tạo điều kiện thuận lợi cho người cứu nạn.
Đồng thời, nên có hình thức biểu dương những "Lục Vân Tiên" phù hợp. Tôi thường thấy những gương được chính quyền, đoàn thể biểu dương, khen thưởng như cứu vớt người ở sông, cứu nạn trong đám cháy, sự cố nổ, sập… khi có báo chí phản ánh và biểu dương. Trong khi đó những người tốt giúp người gặp nạn trên đường đi cấp cứu thì rất hay bị vướng rắc rối và không thấy được biểu dương gì.
* Anh Khánh Hưng -TP.HCM:
Người dân "làm ngơ" vì thiếu kỹ năng
Điều người dân thiếu nhất khi đứng trước những nạn nhân bị tai nạn giao thông là kỹ năng giúp người bị nạn. Vì thế khi rơi vào tình huống đó họ bối rối, sợ hãi, lo lắng và rồi chọn cách "làm ngơ".
Theo tôi, có ba việc cần làm để hạn chế những chuyện "làm ngơ" như thế này. Thứ nhất, cần có đường dây nóng ứng cứu kịp thời. Thứ hai, cần tuyên truyền kỹ năng cứu người bị nạn. Và cuối cùng, hãy cùng nhau xây dựng niềm tin. Tôi luôn tin vào lòng tốt của người dân và tôi nghĩ rằng chỉ cần lòng tốt đó được gợi mở và tin tưởng, nhiều người sẽ sẵn sàng cứu giúp những nạn nhân trên đường.
Thăm dò ý kiến
Đi đường thấy người gặp nạn, bạn sẽ:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận