Tốt nghiệp hai trường, bằng bác sĩ đa khoa của Phúc xếp loại khá còn bằng quản trị kinh doanh loại giỏi.
Chậm lại để biết bản thân muốn gì
Hết lớp 9, Nguyễn Hoàng Phúc từ Nha Trang (Khánh Hòa) vào TP.HCM học chuyên lý Trường phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Kỳ thi đại học năm 2014, Phúc không trúng tuyển vào Trường ĐH Y Dược TP.HCM. Bạn dành một năm "gap year", ôn thi lại và đậu ngành y khoa năm 2015.
Đến năm thứ hai, sinh viên này cảm thấy chán vì suốt ngày phải "cắm mặt" vào sách vở, học thuộc lòng hàng trăm trang tài liệu cho mỗi bài thi. Bạn quyết định bảo lưu kết quả, một lần nữa "gap year" đi đây đi đó, đăng ký làm thêm để xem mình thật sự muốn gì.
Bạn cũng dành thời gian gặp thầy cô, các "tiền bối" để nghiêm túc cân nhắc con đường sự nghiệp.
Cuối cùng, chàng trai này nhận thấy bên cạnh chuyên môn của một bác sĩ sẽ cần thêm các kiến thức về kinh tế, quản trị. Kết hợp hai mảng này có thể mở ra nhiều cơ hội như đảm nhiệm vị trí quản lý trong các cơ sở y tế hoặc tự xây dựng các dự án riêng. Với suy nghĩ đó, năm 2019, Phúc trở lại trường y sau thời gian "gap year" và ôn thi tốt nghiệp THPT để vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Năm đó, thí sinh này là thủ khoa đầu vào của chuyên ngành quản trị bệnh viện, thuộc ngành quản trị kinh doanh với số điểm 28,5 khối A1 (toán, lý, tiếng Anh)
Nỗ lực hoàn thành chương trình học
"Khi chia sẻ kế hoạch học thêm một trường đại học, nhiều bạn khuyên mình nghĩ lại vì không thể nào học nổi. Chỉ y khoa thôi là đã rất nặng, huống chi thêm các kiến thức kinh tế hoàn toàn mới. Ngoài ra, sắp xếp lịch học, lịch thi giữa hai trường cũng không đơn giản" - tân cử nhân của hai trường nhớ lại.
Những học kỳ đầu, sinh viên này đăng ký những học phần có lịch không trùng nhau giữa hai trường. Thời khóa biểu của bạn gần như kín cả tuần.
Chuyện sáng ở trường này, chiều ở trường kia là bình thường. Đỡ một điều, các học phần đại cương được chuyển điểm mà không cần học lại.
Giai đoạn 2020 - 2021 khi dịch COVID-19 buộc các lớp chuyển sang online, Phúc có lợi thế "tăng tốc". Học trực tuyến, bạn tiết kiệm thời gian đi lại giữa các cơ sở. Thậm chí, bạn có thể đăng ký những học phần trùng giờ của hai trường.
Khi học, bạn mở cùng lúc hai máy tính, một cho trường y, một cho trường kinh tế. Các bài học đều ghi lại để đến tối xem lại những chỗ thiếu sót.
Cực nhất là thi cử, một tuần vài môn là thường. Điển hình, cuối tháng 4-2021, Phúc phải thi kết thúc ba môn trong vòng bốn ngày. Hôm chủ nhật, Phúc thi môn quản trị tài chính bệnh viện ở ĐH Kinh tế TP.HCM, đến thứ tư thì thi môn lý thuyết nội ở Trường ĐH Y Dược TP.HCM. "Trong tuần đó, mỗi ngày mình chỉ ngủ hai tiếng để ôn bài, đầu xoay như chong chóng giữa bài vở hai trường", Phúc kể.
Cũng có lúc lịch thi trùng nhau. Năm 2021, hai môn tư duy phân tích của kinh tế và thực hành OSCE sản diễn ra trong cùng buổi sáng.
Phúc quyết định bỏ thi OSCE sản vì lúc đó Trường ĐH Y Dược TP.HCM còn cho phép sinh viên rớt môn trong năm được quyền thi lại trong hè. Phúc tự nhận mình khá may mắn vì hiện nay trường đã thay đổi quy định này.
Chuyện đi thực tập cũng gian truân. Từ tháng 8 đến tháng 10-2022, Phúc bước vào học kỳ doanh nghiệp của chuyên ngành quản trị bệnh viện tại Bệnh viện An Bình.
Nhưng cũng trong thời gian này, Phúc đang thực hành lâm sàng tại Bệnh viện Hùng Vương học phần phụ khoa. Vậy là Phúc phải phân chia thời gian trong ngày để đi lại và hoàn thành các nhiệm vụ được giảng viên giao tại các bệnh viện.
Hiện tại, Phúc đang chờ đợt thực hành 18 tháng lấy chứng chỉ hành nghề sản phụ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Một trong những lý do lớn nhất để bạn theo hướng sản khoa là để tiếp nối truyền thống gia đình khi mẹ bạn cũng là một bác sĩ sản.
Niềm hăng say học tập
Từng có thời gian giảng dạy Hoàng Phúc, ThS Phan Ngọc Anh - giảng viên khoa quản trị, ĐH Kinh tế TP.HCM - chia sẻ điều đáng ghi nhận nhất ở sinh viên này là nỗ lực cá nhân cực lớn để hoàn thành chương trình học ở cả hai trường đại học.
Trong quá trình học, Phúc luôn là sinh viên ham học hỏi. Bạn thường xuyên đặt ra những thắc mắc để được giảng viên trao đổi về những vấn đề giữa lý thuyết và thực tiễn. Bạn luôn mong muốn có được hai góc nhìn y khoa và quản lý.
Trong khi đó, BS.CK2 Bùi Cao Mỹ Ái - giảng viên phân môn tim mạch, Trường ĐH Y Dược TP.HCM - đã có thời gian làm việc với nhóm của Phúc trong dự án khảo sát kiến thức thái độ và thực hành của sinh viên y khoa với dịch COVID-19.
Nhóm có chín bạn, mỗi bạn chia nhau làm một phần. Dự án hoàn thành tốt và được đánh giá cao dù làm đề tài trong dịch khiến các bạn khá vất vả. "Phúc cũng như các bạn đều có sự năng động và chịu khó tiếp thu học hỏi, hăng say trong học tập", cô Ái nói.
Được và mất
Theo Nguyễn Hoàng Phúc, việc học hai trường đã bổ sung cho bạn nhiều hiểu biết hơn. Trường y cho bạn chuyên môn sâu về kỹ thuật y khoa; còn trường kinh tế cung cấp kiến thức vĩ mô về quản lý, quản trị cũng như các quy trình đảm bảo chất lượng trong bệnh viện. Bạn còn được học về tài chính, bảo hiểm, đấu thầu...
"Điều này giúp mình nhìn vấn đề đa chiều. Chẳng hạn trong một ca mổ, kiến thức y khoa cho mình biết kỹ thuật chuẩn chỉnh nhất.
Còn kiến thức kinh tế giúp mình nhìn ca mổ dưới góc độ quy trình đảm bảo chất lượng, tài chính, máy móc, trang thiết bị", Phúc nói. Ngược lại, Phúc cho rằng mình đã đánh đổi rất nhiều thời gian những năm qua. Vì học hai trường, bạn không còn thời gian tham gia các hoạt động khác ngoài việc học. Phúc xác định từ đầu sẽ có sự thiếu sót này và chấp nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận