Phụ nữ đều mong muốn có một diện mạo xinh đẹp - Ảnh: NVCC
Tốt gỗ, tốt cả nước sơn vẫn hơn
"Người ta hay đề cao vẻ đẹp tâm hồn "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", nhưng mình thấy "Tốt gỗ, tốt cả nước sơn" thì vẫn tốt hơn", Huỳnh Mạnh Phương (sinh viên trường ĐH học Kinh tế - Luật TP.HCM) chia sẻ.
Theo Phương, để nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của một người cần có thời gian. Nhưng ngoại hình ưa là điểm cộng, chất xúc tác để rút ngắn khoảng thời đó.
"Người ta thường hay có những nhận xét, kết luận như "cô ấy vừa xinh và tâm tính còn cởi mở, tốt đẹp" hay "cô bé đó xinh thôi, chứ tính tình chán lắm"... Chính vì vậy, theo mình, ngoại hình, nhan sắc tất nhiên quan trọng", Phương nói thêm.
"Đừng nghe những câu như "sống vui là được, quan trọng gì vẻ bề ngoài" hay "tốt gỗ hơn tốt nước sơn" rồi dùng làm quy chuẩn chung cho tất cả. Mỗi người có hoàn cảnh riêng, người khác không thể nào hiểu được họ đã phải trải qua những gì, đã phải suy nghĩ thế nào trước khi quyết định phẫu thuật, Trần Huyền (26 tuổi, nhân viên truyền thông) chia sẻ quan điểm.
Huyền cho rằng ngoại hình không những quan trọng, mà rất quan trọng. "Tại sao người ta phải sử dụng app trên điện thoại khi chụp hình, phải chỉnh sửa hình rồi mới đăng lên Facebook, hay phải bỏ tiền ra để mua mỹ phẩm đắt tiền chăm sóc da, chống lại lão hoá? Tất cả là vì muốn ngoại hình của mình đẹp hơn. Tôi nghĩ ngoại hình, nhan sắc sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, tình yêu", Huyền nói thêm.
Đặng Hoàng Song Phương - sinh viên trường ĐH Sài Gòn (TP.HCM) - cũng cho rằng ngoại hình là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với nữ giới. Để thành công, nhan sắc là một vé ưu tiên và với tình yêu, hay cuộc sống nói chung cũng vậy.
"Tôi có trải nghiệm rất thực tế về vấn đề này. Thời học phổ thông và năm nhất đại học, tôi bị thừa cân, nặng 65kg. Mặc dù có khả năng, nhưng thừa cân khiến tôi không tự tin, hầu như không quen ai. Sau đó, tôi quyết tâm giảm 10kg. Tôi nhận ra rõ rệt những cơ hội đặc biệt dành cho mình mà nếu không có ngoại hình thì không thể có được", Phương nói.
Phương chia sẻ nếu được phẫu thuật thẩm mỹ, cô muốn sửa mũi, bơm mông, tạo hình cơ thể. "Nhưng tôi không cần phải quá đầu tư vào mỹ phẩm, hay can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ quá nhiều mà chỉ lựa chọn sao cho phù hợp với bản thân", cô nói.
Chỉ phẫu thuật nếu an toàn"Tôi thấy mình chưa đẹp. Nếu được thay đổi một điểm trên cơ thể thì sẽ là mũi, vì mũi tôi thấp và to", Nguyễn Thị Diệu Hằng - sinh viên năm 2 ĐH Công nghệ TP.HCM - chia sẻ.
Theo cô, phẫu thuật thẩm mỹ là cứu tinh cho phái đẹp nói riêng và mọi người yêu cái đẹp, khiến mọi người tự tin hơn.
"Phẫu thuật thẩm mỹ mang lại niềm vui, giúp mọi người hạnh phúc hơn khi họ thay đổi diện mạo. Nhiều người còn thay đổi số phận sau khi chỉnh sửa. Họ từng bị hô, gương mặt bất thường, từng chịu sự miệt thị của mọi người xung quanh, nhưng sau khi phẫu thuật, họ đã có thể tự tin hơn và gần như thay đổi cuộc đời", Diệu Hằng nói.
Cô cho biết mình cũng muốn làm phẫu thuật thẩm mỹ, và sẽ làm nếu có điều kiện kinh tế. "Ngoại hình chiếm 70% ấn tượng đầu tiên khi gặp gỡ", cô đánh giá.
Bạn bè Trần Huyền cũng có người than thở lông mày cụt ngủn, đứa than mập quá. Tuy nhiên, cô nhận thấy bạn bè chưa ai tới mức ám ảnh vì nhan sắc. Cô nói: "Quan trọng nhất là đừng "kì thị" người chưa đẹp, đừng xoáy vào cái điểm tự ti của họ. Ai mà chẳng có khuyết điểm. Người có lông mày cụt có thể vẽ thêm, có thể đi phun xăm thẩm mỹ. Người mập có thể đi tập thể dục, ăn kiêng, đi hút mỡ. Không phải là không có cách, chỉ là lựa chọn cách nào thôi", Huyền nói thêm.
Bạn nghĩ sao về quan điểm phẫu thuật thẩm mỹ đem lại cơ hội nghề nghiệp, tình yêu và cả sự tự tin trong cuộc sống? Mời bạn gửi bài viết về hòm thư [email protected], vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để toà soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận