Trên màn ảnh, những bà mẹ là hình mẫu của sự hy sinh và tình yêu thương con không điều kiện. Họ không chỉ là những người quán xuyến gia đình mà còn là nguồn động viên, sức mạnh cho các con.
Tuy nhiên, phim Việt cũng phản ánh hình tượng người mẹ với sự thiên vị, so sánh, lợi dụng con cái. Cùng xem danh sách những bà mẹ khiến người xem phẫn nộ ngay dưới đây.
1. Bà Nga (Kiều Trinh) - Ước mình cùng bay
Mẹ Hoan đến quậy banh tiệm của Chà My vì đống vàng giả | Ước Mình Cùng Bay
Trong Ước mình cùng bay, nhân vật bà Nga do diễn viên Kiều Trinh thủ vai đóng vai trò chủ chốt cho toàn bộ diễn biến mạch phim.
Bà Nga được mô tả là một người phụ nữ có tính quái gở, “trọng nam khinh nữ”, thương con trai - Hoan (Võ Điền Gia Huy) đến mức mù quáng. Sự phức tạp của tính cách này tạo ra sự hấp dẫn và tạo những tình huống đặc biệt cho phim.
Bà Nga thường xuyên phải đối mặt với những mâu thuẫn, xung đột với gia đình và láng giềng. Bà sống luẩn quẩn trong cái nghèo ở xóm ngụ cư, gần như không có tiếng nói trong gia đình. Với tính phong kiến mạnh mẽ, bà Nga cho rằng Hoan là người tiếp tục dòng dõi, mang lại sự nghiệp và danh vọng cho gia đình.
Trong khi Ngân (á hậu Thùy Dung) và Nhi (Trịnh Thảo) lấy chồng thì cũng là “con nhà người ta”. Khán giả không khỏi bức xúc khi bà chấp thuận gả con gái đầu cho đại gia lớn tuổi, giả bệnh để vòi tiền con thứ.
Kiều Trinh tâm sự: “Khi đọc kịch bản, mình ghét người mẹ này lắm. Càng đọc, mình càng hiểu vì sao bà ta cư xử như vậy. Đến cuối, Trinh tin tất cả các khán giả, chị em phụ nữ sẽ đồng cảm như Trinh, mọi người sẽ hiểu hành động của bà Nga.
Thật ra, xã hội mình có rất nhiều câu chuyện tương tự. Mong tất cả chị em phụ nữ chúng ta khi nhìn lại mình sau những bộ phim Việt sẽ có những bài học cuộc sống để chúng ta thay đổi, học được những điều tốt nhất cho bản thân mình, cho con mình”.
2. Bà Dung (Ngọc Lan) - Nữ chủ
Nữ Chủ I Tập 17: Còn gì đau bằng việc phát hiện mình chỉ là một trong những "quân cờ" của mẹ!
Tham gia Nữ chủ, Ngọc Lan hóa thân vào vai bà Dung, vợ lớn của ông trùm thế giới ngầm Cao Thiên (Huỳnh Đông thủ diễn). Bà Dung được mô tả là một phụ nữ kiên định, luôn giữ vững tinh thần và không bao giờ từ bỏ.
Để đạt được mục tiêu và tham vọng, bà Dung thẳng tay trừ khử mọi vật cản, thậm chí hãm hại gia đình con ruột. Ấy vậy, ẩn sâu bên trong con người thật của bà Dung là người mẹ yêu thương con cái hết mực, sẵn sàng đi tù thay cho con trai - Quân thái tử (Jun Phạm thủ vai).
Hóa thân ‘bà cả” quyền lực, Ngọc Lan thể hiện tốt thần thái nhân vật. Nữ diễn viên nhập vai bà Dung xuất sắc đến mức bật khóc vì ngỡ đánh con trai ruột.
Cô tâm sự: “Đau lòng nhất của bà Dung là cảnh đánh Đông Quân. Hai chị em quay rất nặng nề về tâm lý, tát rất nhiều. Trong kịch bản, mỗi câu là một cái tát. Đối với bà Dung, đây là cảnh đau lòng nhất, bởi vì mình vừa tức, vừa phải đánh con mình đứt ruột đẻ ra.
Vì bản thân Lan có con rồi nên những tâm lý đó Lan dễ hấp thụ. Đó là lý do tại sao Jun nói ‘quay xong là chị Lan khóc nhiều’ là như vậy đó. Bữa đó quay xong với Jun Phạm tôi khóc hoài, không nín được. Đối với Lan, đó là cảnh hay nhất trong phim, của nhân vật bà Dung” - Ngọc Lan nói thêm.
Vai diễn người mẹ hiếm hoi khiến NSND Hồng Vân, NSƯT Mỹ Uyên ghét chính mình trong phim
3. Bà Mai (NSND Hồng Vân) - Gạo nếp gạo tẻ
Chạnh lòng cảnh con gái quát tháo mẹ chỉ vì trông cháu không tốt | Gạo Nếp Gạo Tẻ
Thủ vai người mẹ thiên vị giữa các con, lại hay chì chiết khinh miệt rể nghèo trong Gạo nếp gạo tẻ, NSND Hồng Vân thuyết phục khán giả bởi lối diễn linh hoạt, giàu nội tâm. Nhân vật bà Mai nhiều lần khiến khán giả tức giận vì những hành động quá quắt, vô lý.
Tuy nhiên, suy cho cùng, bà Mai vẫn là một người mẹ thương con vô điều kiện, bênh vực Hân “hoa hậu” (Thúy Ngân) bất chấp và mù quáng tới mức chính bà cũng bị tổn thương bởi cô con gái này.
Khán giả ghét bà Mai nhưng cũng rất thông cảm cho trường hợp của bà. NSND Hồng Vân chia sẻ: “Không có gì bào chữa cho nhân vật này. Khi xem phim tôi chửi từ đầu đến cuối. Nhân vật bà Mai khiến tôi bực mình. Bà này ngu muội, mù quáng đến mức ngu xuẩn.
Vì sao làm mẹ mà bà không cảm nhận được đứa nào mới là đứa thương mình và mình phải nên thương đứa nào. Nhân vật bà Mai tôi thương ở chỗ bà chưa bao giờ biết đến nhu cầu của bản thân. Đó là đặc điểm của người phụ nữ Việt Nam”.
4. Bà Ích (NSƯT Mỹ Duyên) - Cây táo nở hoa
Bà Ích (NSƯT Mỹ Duyên) được xem là nhân vật gây tranh cãi nhất bộ phim Cây táo nở hoa. Bà Ích là “cái gai” trong mắt khán giả vì là người mẹ vô trách nhiệm, chỉ bòn rút tiền của con, gây chia rẽ tình cảm anh em của các con.
Những hành động của bà khiến dân tình không thể chấp nhận như biến con gái thành sugarbaby để kiếm tiền, đẩy con trai ra trước mũi ô tô để ăn vạ đòi tiền.
NSƯT Mỹ Duyên chia sẻ: “Tôi cũng như tất cả bà mẹ khác khi xem hết phim sẽ thấy bà mẹ này đáng giận và cũng đáng thương.
Trong cuộc sống, ai làm gì cũng có lý do, tuy nhiên ngoài đời cũng có những bà mẹ bất nhân: sinh con ra rồi bỏ vô thùng rác, vô trách nhiệm, nuôi con để thỏa mãn mục đích cá nhân, chứ không yêu thương con vô điều kiện.
Có những bà mẹ bản thân họ không tốt từ đầu, đó là người mẹ như bà Ích được khắc họa trong phim ‘Cây táo nở hoa’ và đó là số ít bà mẹ trong cuộc sống thực. Tôi cũng muốn bà mẹ này quay đầu thôi, cũng buồn cho bà mẹ này lắm”.
5. Bà Trà My (Hồng Ánh) - Hoa vương
Nhân vật Trà My (Hồng Ánh) trong phim Hoa vương là bà mẹ kế vì thương con ruột mà tranh giành gia sản và danh vọng, nhưng từ sâu thẳm thâm tâm bà vẫn thương con riêng của chồng.
Vì ám ảnh cái nghèo trong quá khứ, bà Trà My không ngại thủ đoạn nào, thừa nhận mưu hại con chồng, khiến con ruột khốn đốn chuyện tình duyên, thậm chí dùng thủ đoạn để tranh đoạt lợi ích cho con trai.
Tập 52 của Hoa vương trào dâng cảm xúc khi Hải Đăng (Otis) chưa từng coi bà Trà My là mẹ. Trà My bị dồn vào đường cùng: “Tôi biết tất cả những điều tôi làm là sai, là nhẫn tâm nhưng tôi vẫn làm, tôi cố tình làm và tôi sẽ làm… Tôi làm tất cả là để bảo vệ đứa con trai duy nhất của tôi, vậy thì có gì là sai chứ”.
Diễn viên Hồng Ánh chia sẻ về những bình luận tiêu cực khi hóa thân thành nhân vật phản diện: “Những bình luận tiêu cực về bà Trà My mình hạnh phúc vì khán giả cảm nhận đúng về nhân vật. Nếu bình luận không phải về nhân vật mà về khả năng diễn xuất của Hồng Ánh thì mình sẽ quan tâm. Mình thấy điều gì cần điều chỉnh hay giữ vững quan điểm đó. Do đó mình cần tỉnh táo”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận