Phóng to |
Các bị cáo tống tiền CSGT tại phiên tòa - Ảnh: Nguyên Linh |
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo chủ mưu của vụ tống tiền là Ngô Quốc Bảo (25 tuổi, trú Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) 6 năm tù, bị cáo Đinh Ngọc Trung (29 tuổi, trú Q.12, TP.HCM) 5 năm 6 tháng tù), Huỳnh Ngọc Thọ (28 tuổi, trú Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) 2 năm 6 tháng tù và Trương Ngọc Vũ (26 tuổi, trú Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) 2 năm tù. Cả bốn bị cáo đều phạm tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Tống tiền 120 triệu đồng
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khoảng 3g ngày 19-4-2010 nhóm Bảo, Trung, Thọ, Vũ sử dụng hai môtô chạy từ Đà Nẵng ra Huế, đến ngã ba Khu kinh tế Chân Mây, Trung một mình cầm máy quay phim đi vào một ngôi nhà hoang bên đường, những đối tượng khác quay lại Đà Nẵng. Đến 6g cùng ngày, tổ tuần tra kiểm soát gồm năm CSGT do trung tá Nguyễn Ngọc Vinh - đội phó đội tuần tra kiểm soát số 2 - làm tổ trưởng, triển khai dừng ôtô để kiểm tra trên quốc lộ 1. Trung nấp ở ngôi nhà hoang cách địa điểm tổ tuần tra khoảng 50m, dùng máy quay phim ghi lại toàn bộ hoạt động của tổ CSGT. Ghi hình đầy đủ, Trung điện thoại cho Bảo đến chở về Đà Nẵng rồi đưa máy quay phim cho Bảo sao chép hình ảnh ra USB.
Trưa 20-4-2010, Trung và Bảo chạy xe máy ra huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) bỏ một chiếc USB trong phong bì, ghi “Gửi các anh CSGT”. Hai người này thuê một người chạy xe ôm chuyển bì thư đó cho tổ CSGT do trung tá Phạm Văn Phong làm tổ trưởng. Ông Phong liền chuyển USB này cho ông Vinh xử lý.
Khi mở USB ra xem, ông Vinh thấy có những hình ảnh thể hiện những sai phạm của tổ tuần tra, liền bàn bạc với các thành viên trong tổ. Đêm 20-4-2010, ông Vinh liên lạc với số điện thoại ghi trên phong bì. Người nghe máy là Đinh Ngọc Trung, ra điều kiện muốn được bỏ qua thì phải chi 200 triệu đồng. Hai bên nhắn tin qua lại nhiều lần, cuối cùng thống nhất giá 120 triệu đồng. Nhóm CSGT gồm năm người thống nhất mỗi người góp 24 triệu đồng.
Ngày 21-4-2010, trung tá Vinh trực tiếp chuyển 120 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu của nhóm tống tiền. Tuy nhiên chiều 23-4-2010, ông Vinh lại nhận được nhiều tin nhắn của nhóm tống tiền đòi phải chuyển thêm 120 triệu đồng nhưng tổ tuần tra không chấp nhận. Cùng ngày, Bảo rủ Thọ chạy xe máy ra TP Huế chơi và thuê một người xe ôm đưa chiếc USB đến cho trưởng PC67. Trưởng PC67 báo cáo vụ việc lên ban giám đốc Công an tỉnh. Ngày 5-8-2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi tố bị can và bắt tạm giam Trung, Vũ và Thọ, riêng Bảo bỏ trốn vào TP.HCM và bị bắt theo lệnh truy nã vào tháng 4-2013.
Đe dọa đưa lên báo
Sau khi đại diện Viện KSND tỉnh công bố bản cáo trạng, chủ tọa phiên tòa (thẩm phán Nguyễn Thản) yêu cầu các bị cáo Bảo, Trung, Vũ và Thọ lần lượt khai báo về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Những lời khai của bốn bị cáo trong phần xét hỏi trùng khớp với lời khai tại cơ quan điều tra và giống như bản cáo trạng truy tố.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa về mục đích của việc đưa chiếc USB cho CSGT, bị cáo Bảo nói rằng “để xin CSGT một ít tiền tiêu xài”. Bảo khai cùng với Trung bàn bạc giả danh nhà báo để CSGT sợ đăng báo mà chung tiền. Bị cáo Trung khai có nói dối với Bảo là CSGT chỉ chung chi 80 triệu đồng, thực chất là 120 triệu đồng. Bảo được chia 50 triệu đồng, Trung lấy 70 triệu đồng. Thấy xe máy Vũ bị hỏng nên Bảo đưa cho Vũ 2 triệu đồng để sửa xe, còn Trung đưa cho Thọ 2 triệu đồng để tiêu xài.
Trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa: “Vì sao lại chọn CSGT quay phim để xin tiền?”, Bảo nói nhiều lần đi qua thấy CSGT có sai phạm nên nảy sinh ý định quay phim để tống tiền. Chủ tọa hỏi: “Khi đã nhận được 120 triệu đồng của CSGT chuyển vào tài khoản, tại sao còn nhắn tin đe dọa, đòi tổ CSGT chung chi tiếp 120 triệu đồng?”. Trung đáp: “Muốn kiếm thêm một số tiền nữa”.
Người bị hại trong vụ án này là năm CSGT góp tiền để chung cho nhóm tống tiền. Có mặt tại phiên tòa có trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, trung tá Trần Hải Vân, thiếu tá Trần Văn Vấn, thượng úy Trần Châu Nguyên, còn thiếu úy Bùi Mạnh Hùng không có mặt tại phiên tòa.
Khi chủ tọa đặt câu hỏi vì sao phải chung chi 120 triệu đồng cho nhóm tống tiền, trung tá Vinh trả lời: “Sau khi mở USB của nhóm tống tiền gửi đến thì thấy có hình ảnh sai phạm về quy trình tuần tra kiểm soát do Bộ Công an quy định. Nhóm tống tiền đe dọa sẽ tung những hình ảnh quay được lên báo và chuyển đến tay trưởng phòng. Sợ sẽ bị kỷ luật, điều chuyển công tác, ghi vào lý lịch, ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và gia đình nên chúng tôi đã chấp nhận chung chi cho kẻ tống tiền 120 triệu đồng”. Vị hội thẩm nhân dân liền hỏi: “Là cảnh sát nhân dân, ngoài nhiệm vụ bảo vệ trật tự an toàn giao thông còn có nhiệm vụ trấn áp, ngăn chặn tội phạm. Vậy tại sao lại dễ dàng chung chi 120 triệu cho kẻ tống tiền?”. Ông Vinh nói: “Bản thân đã thấy sai sót”, rồi im lặng.
Trước tòa, trung tá Trần Hải Vân, thiếu tá Trần Văn Vấn và thượng úy Trần Châu Nguyên đều lý giải rằng sau khi được xem những hình ảnh sai phạm của mình, sợ rằng bị kỷ luật, sự nghiệp tiêu tan nên đồng ý góp mỗi người 24 triệu đồng để đổi lấy sự im lặng. Vị hội thẩm nhân dân truy vấn thượng úy Trần Châu Nguyên: “Lúc đó, ông đang làm nhiệm vụ đo tốc độ, đứng cách xa điểm bị ghi hình đến 20km, hình ảnh ông không có trong băng ghi hình, tại sao lại chấp nhận chung chi 24 triệu?”. Ông Nguyên trả lời do sợ bị liên lụy, vì ông cùng ở trong tổ tuần tra bị ghi hình sai phạm. Hơn nữa, việc góp tiền của ông là để thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”.
Chủ tọa phiên tòa nói trong băng ghi hình của nhóm tống tiền gửi CSGT có thể hiện tổ tuần tra chặn năm ôtô để kiểm tra. Cơ quan điều tra làm việc với bốn tài xế và cả bốn tài xế đều khai không đưa tiền mãi lộ cho CSGT. Riêng một ôtô biển kiểm soát Thanh Hóa có hình ảnh thể hiện trong băng ghi hình nhưng cơ quan điều tra không tìm được lái xe vì xe này được bán cho người khác không rõ địa chỉ. Kết thúc phần xét hỏi, cả bị cáo và người bị hại đều không yêu cầu công bố băng ghi hình và cũng không yêu cầu gì thêm.
Sau khi đại diện Viện KSND đọc bản luận tội, các bị cáo và người bị hại không có tranh luận gì nên tòa nhanh chóng chuyển sang phần nghị án. Phiên tòa kết thúc chỉ trong một buổi sáng 19-7.
Sẽ tiếp tục kỷ luật 5 CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định kỷ luật cách chức đội phó đội tuần tra kiểm soát số 2 đối với trung tá Nguyễn Ngọc Vinh, điều chuyển ông Vinh về Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Trung tá Trần Hải Vân và thiếu tá Trần Văn Vấn bị kỷ luật cảnh cáo, điều chuyển về đội xử lý vi phạm PC67; thiếu úy Bùi Mạnh Hùng bị điều chuyển về Công an huyện Phú Vang; thượng úy Trần Châu Nguyên bị phê bình rút kinh nghiệm. Trả lời báo Tuổi Trẻ, đại tá Phạm Văn Đức, phó giám đốc kiêm thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, nói rằng sau khi tòa xét xử vụ án cưỡng đoạt tài sản sẽ tiếp tục xử lý kỷ luật năm CSGT này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận