Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi tại họp báo chiều 14-6 - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG
Trao đổi trong buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV tổ chức chiều 14-6, ông Nguyễn Hạnh Phúc nêu lại nguyên tắc sau đề nghị của đại biểu, ban soạn thảo sẽ ghi nhận, tiếp thu hay không sẽ có giải trình sau.
"Tuy nhiên, quan điểm của riêng tôi khi biểu quyết là không đồng ý với đề nghị trên. Không thể áp thêm một loại phí nào cho người dân", ông Phúc nói.
Đưa quy định "đã uống rượu, bia không lái xe" là nhờ quyết tâm chính trị
Cũng tại buổi họp báo, một số phóng viên hỏi về sự chuyển biến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như đại biểu xung quanh việc thông qua quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết trong quá trình soạn thảo, Ủy ban Thường vụ đưa vào 2 phương án để xin ý kiến đại biểu. Tuy nhiên giải thích chưa rõ nên đại biểu không hiểu hết nội dung xin ý kiến, dẫn đến cả hai phương án đều không quá bán.
Sau đó tại họp đoàn, họp tổ, các đại biểu được giải thích rõ hơn. Kết quả, hơn 70% đại biểu tán thành với điều luật và hơn 80% đại biểu tán thành toàn bộ dự luật.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi chia sẻ thêm, việc đưa quy định "uống rượu bia thì không lái xe" vào dự thảo luật là một quyết tâm chính trị, có được nhờ sự phản ánh của báo chí.
Sau khi Luật phòng, chống tác hại của rượu bia được thông qua, Quốc hội đã có nghị quyết giao Chính phủ xây dựng, bổ sung các quy định về xử lý các hành vi vi phạm giao thông, trong đó tăng nặng hình phạt đối với hành vi sử dụng ma túy, chất kích thích, trong đó có rượu, bia, khi điều khiển phương tiện giao thông.
Báo cáo đất đai không công khai do đoàn giám sát yêu cầu
Tại buổi họp báo, phóng viên Tuổi Trẻ Online hỏi: Quốc hội đã thông qua nghị quyết liên quan đến quản lý đất đai, quy hoạch đô thị, trong đó quyết nghị: "Tán thành nội dung Báo cáo số 28/BC-ĐGS ngày 20 tháng 5 năm 2019 của đoàn giám sát…". Nhưng bản báo cáo này là tài liệu thu hồi, phiên giám sát tối cao cũng không được phát thanh, truyền hình trực tiếp như thông lệ.
"Xin hỏi, cử tri có thể tiếp cận báo cáo giám sát này bằng cách nào? Việc không phát hành báo cáo giám sát nêu trên có phù hợp với quy định không?".
Trao đổi lại, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ngay từ đầu đoàn giám sát đã quy định tài liệu báo cáo là tài liệu thu hồi (không khác gì tài liệu mật) nên Văn phòng Quốc hội phải chấp hành.
"Buổi giải trình về báo cáo giám sát dù không truyền hình trực tiếp nhưng cử tri đã được tiếp cận, theo dõi các đại biểu Quốc hội chất vấn khá rõ các nội dung trong báo cáo. Mong báo chí chia sẻ", ông Phúc nói.
Phóng viên báo Thanh Niên đặt câu hỏi: "Rõ ràng quá trình soạn thảo, bàn luận và thông qua Luật phòng chống tác hại rượu, bia có bóng dáng của việc vận động hành lang. Vậy Quốc hội nên đặt ra xây dựng quy định, luật vận động hành lang khi xây dựng văn bản pháp luật để việc vận động hành lang công khai, minh bạch?".
Phó tổng thư ký Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trao đổi: Một số nước có luật về vận động hành lang, tuy nhiên quy trình làm luật của mỗi nước khác nhau, tùy vào thể chế mà cách thức vận động hành lang ở mỗi nước cũng khác nhau.
Hiện nay chưa có kiến nghị, đề nghị nào cần có dự án luật về vận động hành lang. Nếu có đề nghị, kiến nghị thì các cơ quan của Quốc hội sẽ xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận