Đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ rơi máy bay tại Iran - Ảnh: REUTERS
Không loại trừ máy bay rơi do tên lửa
Theo Hãng tin Reuters, ông Zelenskiy cho biết ông sẽ thảo luận về cuộc điều tra tai nạn máy bay với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong ngày hôm nay.
Trước đó, ông Zelenskiy cũng đã thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Ông Rouhani nhấn mạnh Iran sẽ cung cấp cho nhóm chuyên gia Ukraine quyền tiếp cận kịp thời với tất cả các dữ liệu cần thiết.
Tổng thống Ukraine Zelenskiy viết: "Trước những tuyên bố gần đây của lãnh đạo các nước trên truyền thông, chúng tôi kêu gọi tất cả các đối tác quốc tế - đặc biệt là chính phủ Mỹ, Canada và Vương quốc Anh - gửi dữ liệu và bằng chứng liên quan đến thảm họa cho ủy ban có trách nhiệm điều tra nguyên nhân vụ việc".
Trước đó, ngày 9-1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định ông có nguồn tin tình báo khẳng định chiếc máy bay bị rơi ở Iran hôm 8-1, làm toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng trong đó có nhiều công dân Indonesia, là do trúng tên lửa của Iran. Tehran sau đó phủ nhận cáo buộc này.
Căn cứ nào nói máy bay Ukraine bị tên lửa bắn hạ ở Iran?
Thủ phạm đang bị đặt trong vòng nghi vấn là hệ thống phòng thủ tầm gần Tor-M1 do Nga sản xuất. Một hình ảnh chưa được xác minh lan truyền trên mạng cho thấy mảnh vỡ dường như là bộ phận của tên lửa nằm tại hiện trường vụ tai nạn.
"Làm gì có chuyện chiếc máy bay tự cất cánh rồi nổ tung", ông Richard Aboulafia, một chuyên gia hàng không nhận định với tờ Al Jazeera, cho rằng trong trường hợp này "lỗi động cơ chỉ có khả năng từ 0 tới 1%".
Mảnh vỡ được cho là bộ phận tên lửa bắn hạ máy bay Ukraine - Ảnh chụp màn hình
Một số mảnh vỡ của máy bay được tìm thấy với nhiều lỗ thủng trên thân như có vật gì đó tác động từ bên ngoài. Các chuyên gia hàng không lập tức nghĩ đến khả năng các lá thép trong động cơ máy bay gặp sự cố, vỡ thành các mảnh nhỏ và văng ra ngoài, va vào thân máy bay. Tuy nhiên giả thuyết này bị loại trừ vì máy bay vừa mới được kiểm tra, bảo dưỡng 2 ngày trước thảm kịch.
Điều này khiến người ta liên tưởng tới vụ máy bay MH17 của Malaysia Airlines bị tên lửa Buk bắn rơi ở miền đông Ukraine năm 2014. Các mảnh vỡ được tìm thấy khi đó cũng đầy lỗ thủng từ bên ngoài.
Hệ thống Tor-M1 của Iran trong một cuộc duyệt binh - Ảnh: REUTERS
Iran được cho là sở hữu khoảng 29 hệ thống Tor-M1 được mua từ Nga vào năm 2005. Xe phóng tên lửa của hệ thống này được đặt trên bánh xích và có thể cơ động đến nhiều vị trí khác nhau.
Tên lửa của hệ thống được dẫn đường bởi radar, có thể bắn hạ mục tiêu ở độ cao 6.000m trong bán kính 12km. Với tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh, nếu tên lửa khai hỏa cách mục tiêu khoảng 5km, nó chỉ mất 5 giây để tới đích.
Đầu đạn của Tor-M1 chỉ khoảng 15kg nhưng chứa thuốc nổ mạnh và nhiều mảnh kim loại để phá nát mục tiêu và tăng độ sát thương khi đánh trúng mục tiêu.
Một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ dữ liệu từ chiếc máy bay xấu số cho thấy nó chỉ vừa ở trên không được khoảng 2 phút. Ông Michael Duitsman, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury nhận định thời gian quá ngắn như vậy khiến phi công không kịp làm gì.
"Một khi bạn nhấn nút phóng tên lửa đi, mọi thứ sẽ kết thúc", ông Riki Ellison, một chuyên gia quốc phòng nói về việc tên lửa của hệ thống Tor-M1 không thể chuyển mục tiêu sau khi bắn, kể cả khi người điều khiển nhận ra họ đã phạm sai lầm.
Cho đến thời điểm hiện tại, Iran vẫn phủ nhận các giả thuyết nói máy bay đã bị tên lửa bắn rơi. Cuộc điều tra được dự đoán sẽ tiếp tục gây ra nhiều tranh cãi khi có sự tham gia của nhiều nước như Canada, Ukraine, Mỹ, Iran và thậm chí là Thụy Điển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận