Vụ trực thăng rơi khiến Tổng thống Ebrahim Raisi cùng nhiều quan chức Iran khác tử nạn ngày 19-5 dẫn đến sự chú ý đổ dồn vào Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei.
Rất nhanh chóng, Đại giáo chủ Ali Khamenei công bố 5 ngày quốc tang và chấp thuận để Phó tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber trở thành người đứng đầu lâm thời cơ quan hành pháp.
Ông Mokhber cũng có nghĩa vụ cùng với những người đứng đầu cơ quan lập pháp và tư pháp chuẩn bị cuộc bầu cử chọn ra một tổng thống mới. Theo quy định hiện hành, trong thời hạn tối đa 50 ngày phải có một cuộc tổng tuyển cử.
Quyền lực của lãnh đạo tối cao Iran
Trong các thông điệp đầu tiên gửi đến người dân Iran, dù khi đó số phận của ông Raisi vẫn chưa được hé lộ, Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei đã kêu gọi sự bình tĩnh và nhấn mạnh "sẽ không có sự gián đoạn nào trong công việc của đất nước".
Truyền thông quốc tế nhận định ông Ali Khamenei là lãnh đạo cao nhất, là người có quyền ra quyết định cuối cùng trong các vấn đề hệ trọng của Iran.
Mặc dù tổng thống là do người dân bầu ra, đây chỉ là nhân vật số 2 trong hệ thống chính trị Iran. Hiến pháp Iran trao nhiều quyền lực cho lãnh đạo tối cao, cho phép can thiệp đáng kể vào các vấn đề chính trị, điều động lực lượng vũ trang cùng các cơ quan hành pháp, tư pháp.
Điều 110 của Hiến pháp Iran trao cho lãnh đạo tối cao quyền xác định định hướng chính trị của chính phủ, kêu gọi trưng cầu ý dân. Ông cũng có quyền chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang, tuyên bố chiến tranh, hòa bình và huy động lực lượng vũ trang.
Lãnh đạo tối cao cũng có nghĩa vụ tạo điều kiện thuận lợi cho các quan hệ giữa nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp. Đáng chú ý, ông có quyền và trách nhiệm giải quyết các vấn đề trong quản trị không thể giải quyết bằng các cách thông thường.
Cái chết bất ngờ của ông Raisi có thể được xem như một sự kiện bất thường và không thể giải quyết bằng những cách thường nhật.
Đây đã là lần thứ hai kể từ năm 1979 một tổng thống đương nhiệm của Cộng hòa Hồi giáo Iran qua đời khi đương chức.
Người đầu tiên không thể kết thúc nhiệm kỳ của mình vì lý do sinh tử là ông Mohammad-Ali Rajai, chết trong vụ đánh bom ngày 30-8-1980 khi mới bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống được 28 ngày.
Thời gian cầm quyền ngắn ngủi của ông Mohammad-Ali Rajai khép lại nhưng đồng thời mở ra cơ hội cho một nhân vật khác: Ali Khamenei. Ông trở thành tổng thống Iran vào ngày 9-10-1981 và bước vào Văn phòng lãnh đạo tối cao vào tháng 8-1989.
Giai đoạn đó chứng kiến đủ mọi rối ren chính trị và đối ngoại của Iran, từ tình hình rối loạn trong nước sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 đến cuộc chiến với Iraq và căng thẳng ngoại giao với Mỹ.
Thế nhưng ông Ali Khamenei vẫn vượt qua và trụ vững đến tận hôm nay.
Như một lẽ tự nhiên, sau cái chết của ông Raisi, người ta đã nhìn về Lãnh đạo tối cao Ali Khameni. Bởi họ tin hơn ai hết lúc này ở Iran, là người đã chứng kiến đất nước trải qua điều tương tự, ông Ali Khamenei là người có kinh nghiệm nhất và biết phải làm gì.
Để không tạo ra sự xáo trộn, lãnh đạo tối cao Iran phải bảo đảm rằng người tiếp theo trở thành tổng thống có quan điểm không quá trái ngược ông. Cũng như ông Raisi, ông Mokhber là một người có quan hệ thân cận và được lãnh đạo tối cao tín nhiệm.
Giữa những khó khăn kinh tế hiện tại của đất nước, cuộc bầu cử sắp tới sẽ giống như một một cuộc trưng cầu ý dân, phản ánh thái độ của họ đối với giới cầm quyền. Song lãnh đạo tối cao mới là người có quyền phê chuẩn hoặc từ chối tổng thống dân cử.
Cục diện căng thẳng Iran và các nước vẫn sẽ tiếp diễn?
Nhận định với tờ The Conversation, ông Eric Lob - phó giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc tế Florida (Mỹ) - cho rằng cái chết của ông Raisi khiến Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei mất đi một người trung thành lâu năm và một người kế nhiệm tương lai.
Tuy nhiên, với tiến sĩ Meir Javedanfar thuộc Đại học Reichman ở Israel, điều này không có tác động lớn đối với chế độ ở Iran cũng như cục diện đối đầu giữa Iran và Israel, hay sự hỗ trợ của Iran đối với các nhóm như Hamas, Hezbollah và chương trình hạt nhân của nước này.
Đồng quan điểm, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, tướng Yakov Amidror tin rằng chính Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei mới là người đặt ra các chính sách của nước này.
Tạm thời, những phản ứng hiện tại của chính quyền Iran cho thấy họ chưa nghi ngờ cái chết của ông Raisi có điều gì khuất tất. Điều này cũng bác bỏ các thuyết âm mưu cho rằng có sự can thiệp của những nước đối đầu Iran với mong muốn loại bỏ ông Raisi.
Cho đến thời điểm hiện tại, ông Ali Khamenei vẫn chưa công bố người kế nhiệm. Đây sẽ là người được chọn bởi một hội đồng hơn 80 thành viên. Cố Tổng thống Raisi từng là phó chủ tịch của hội đồng này.
Các nhà bình luận, phân tích chính trị Iran vẫn chia rẽ về việc ai sẽ là người bảo vệ các di sản của ông Ali Khamenei.
Trong số những nhân vật được nêu ra, nổi lên hai người gồm ông Hassan Khomeini - cháu trai của cố lãnh tụ tối cao cũng đồng thời là người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran Ruhollah Khomeini.
Người còn lại là ông Mojtaba Khamenei, con trai của lãnh đạo tối cao đương nhiệm Ali Khamenei. Với vai trò chỉ huy lực lượng Basij và từng tham gia cuộc chiến Iran - Iraq (1980 - 1988), ông Mojtaba Khamenei đã chứng minh được lòng trung thành với đất nước và chế độ.
Kinh nghiệm về tôn giáo và quân sự, cùng với việc là con trai của ông Ali Khamenei là lý do mạnh mẽ để người ta tin rằng ông có thể là người được chọn. Tuy nhiên, ông Mojtaba Khamenei đang thiếu địa vị tôn giáo cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận