Tổng thống Donald Trump (bìa trái) hội đàm với vua Salman ngày 20-5 - Ảnh: Reuters |
Ngày 20-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud ra tiếp đón tận chân cầu thang máy bay khi ông đến thủ đô Riyadh. Một cử chỉ trọng thị khác thường cho một chuyến thăm khác thường.
Thể hiện khác biệt
Dường như chưa thể thấy rõ đường lối đối ngoại tổng thể toàn cầu của chính quyền Mỹ thời ông Trump.
Nhưng trong bốn tháng qua, có thể thấy ông tập trung đối phó với những thách thức nóng nhất nổi lên tại ba khu vực trọng tâm là Trung Đông, Đông Bắc Á và châu Âu.
Tại Trung Đông, thách thức lớn nhất có tính toàn cầu là sự hiện diện của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nhắm tiêu diệt IS là một mục tiêu đạt được sự đồng thuận rộng khắp trên thế giới, không gặp phải những phản ứng đa chiều rối rắm và gai góc như trường hợp Triều Tiên hoặc các vấn đề của châu Âu.
Cuộc chiến chống IS chủ yếu tại Iraq và Syria khởi sự từ tháng 8-2014 đến nay đang có nhiều hứa hẹn thành công. Việc IS sẽ bị xóa sổ tại hai thành trì lớn nhất của chúng là Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria) dường như đã có thể tính bằng ngày, bằng tháng.
Giành được thắng lợi xóa sổ IS ở Mosul và Raqqa sẽ là một chiến tích mang tính chiến lược cực kỳ quan trọng với chính quyền của Tổng thống Trump.
Chọn Trung Đông cũng là khôi phục khu vực ảnh hưởng truyền thống của Mỹ từ thập niên 1950, vốn bị gián đoạn trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Barack Obama.
Nhưng ông Trump luôn thể hiện sự khác biệt của mình trong những lựa chọn truyền thống. Chọn Saudi Arabia làm điểm dừng chân đầu tiên, Tổng thống Trump đã đặt vương quốc Ả Rập - Hồi giáo này lên một vị trí nổi bật khác biệt với các đời tổng thống tiền nhiệm.
Có những thực tế khiến sự lựa chọn này trở nên rất hợp lý. Sau những tác động tàn phá của sự kiện “Mùa xuân Ả Rập” khởi phát đầu năm 2011, Saudi Arabia nổi lên là quốc gia ổn định vững vàng, trong khi nhiều nước Ả Rập khác - trong đó có Ai Cập - chìm trong hỗn loạn và bất ổn.
Từ đầu năm 2015, nhà vua Salman lên ngôi đã mở ra một thời kỳ phát triển mới về chất đối với đất nước vốn nổi tiếng giàu sụ và thủ cựu này.
Kế hoạch chiến lược “Tầm nhìn 2030” mà nhà vua cùng các cộng sự trẻ tuổi của ông (trong đó nổi trội nhất là Phó hoàng thái tử Mohammed Bin Salman - con trai đức vua) vạch ra hồi đầu năm 2016 thể hiện tham vọng hiện đại hóa vương quốc Ả Rập này.
Chính quyền của Tổng thống Trump coi Saudi Arabia là quốc gia thực sự chống khủng bố, là đầu tàu của thế giới Ả Rập, là thủ lĩnh của thế giới Hồi giáo, có đủ tiềm lực làm đối tác chiến lược hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông.
Không gì thích hợp hơn khi chính người Hồi giáo tham gia tích cực vào cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan Hồi giáo.
Bởi thế chỉ trong 2 ngày tại Saudi Arabia, Tổng thống Trump đã lên lịch cho ba cuộc họp thượng đỉnh: với nhà vua Salman, với các nguyên thủ của Tổ chức Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và với các lãnh đạo hàng đầu của thế giới Hồi giáo, có sự hiện diện của 37 nguyên thủ quốc gia và 6 người đứng đầu chính phủ.
Cự tuyệt Iran
Mục tiêu hàng đầu khác của Tổng thống Trump ở Trung Đông, sau việc xóa sổ IS, là kiềm chế Iran. Mục tiêu là kiềm chế Iran cả về “tham vọng vũ khí hạt nhân” của quốc gia này và đẩy lùi vị thế của Iran khỏi các quốc gia Ả Rập như Iraq, Syria, Libăng, Yemen...
Chính sách của Iran trong khu vực đông Ả Rập từ khi bùng phát “Mùa xuân Ả Rập” đến nay đã gây bất bình nghiêm trọng trong thế giới Ả Rập, nhất là Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) mà Saudi Arabia làm nòng cốt.
Xung khắc đã dẫn đến việc Saudi Arabia và một số nước Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran hồi đầu năm 2016. Không khí căng thẳng đến mức thù địch giữa Ả Rập với Iran quả là thuận lợi cho chủ đích của ông Trump kiềm chế Iran vào lúc này.
Phía Mỹ đã công khai nêu một mục tiêu trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump là tìm kiếm một khối đồng minh khu vực nhằm “kiềm chế Iran”.
Có ý kiến bình luận còn cho rằng ông Trump muốn thúc đẩy hình thành một tổ chức phòng thủ tập thể Ả Rập kiểu như “NATO ở Trung Đông”.
Trong chuyến công du này, ông Trump cũng muốn thăm dò khả năng có thể mở ra một triển vọng mới cho việc giải tỏa cuộc xung đột giữa Palestine với Israel theo cách riêng biệt của ông.
Ý tưởng kéo cả khối Ả Rập vào cuộc đàm phán Palestine - Israel có thể sẽ được khôi phục, khi ông Trump đến Jerusalem và Bethlehem vào ngày 22-5.
Ý tưởng này rất khác thường nhưng không phải thiếu tính thực tiễn, bởi hiện nay cả khối Ả Rập và Israel đều có chung lợi ích chống IS và Iran.
Nhưng cơ bản và lâu dài hơn nữa là chính quyền Trump muốn kiến tạo môi trường địa - chính trị cơ bản để khôi phục và tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Trung Đông, điều mà người tiền nhiệm Obama đã rút bỏ.
Đang ở thăm Saudi Arabia, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã kêu gọi Mỹ và các nước Hồi giáo hợp tác đối phó với chủ nghĩa khủng bố. Trên tờ Al Riyadh ngày 20-5, thủ tướng Malaysia nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có quan hệ đối tác để phối hợp đối phó chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố. Theo Thủ tướng Najib, tại Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập - Hồi giáo - Mỹ, lãnh đạo các nước Hồi giáo và Mỹ cần phải chứng minh rằng không có xung đột giữa các nền văn minh của Hồi giáo và phương Tây, mà chỉ có xung đột giữa các thế lực khủng bố với nền văn minh thế giới. Để giải quyết vấn đề này, ông Najib kêu gọi tất cả các quốc gia không phân biệt tôn giáo cần đoàn kết, quyết tâm và sẵn sàng hành động. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận