Hãng tin AFP cho biết ông Putin sẽ có mặt ở Bắc Kinh trong hai ngày 16 và 17-5. Đây là chuyến thăm thứ hai của nhà lãnh đạo Nga tới Trung Quốc chỉ trong vòng hơn 6 tháng và là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ mới.
"Theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào ngày 16 và 17-5, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức", Điện Kremlin thông báo.
Hai nhà lãnh đạo sẽ "thảo luận chi tiết toàn bộ các vấn đề của quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược, xác định các lĩnh vực chính để phát triển hơn nữa hợp tác thực tế Nga - Trung và trao đổi quan điểm chi tiết về các vấn đề quốc tế và khu vực cấp bách nhất".
Sau cuộc gặp, ông Putin và ông Tập sẽ ký tuyên bố chung.
Trước khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, Bắc Kinh và Matxcơva đã tuyên bố thiết lập quan hệ "đối tác không giới hạn".
Kể từ đó, giao thương của hai nước đã tăng lên mức kỷ lục.
Các nhà phân tích cho rằng Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có sau cuộc chiến ở Ukraine.
Bắc Kinh đã bác bỏ những lời chỉ trích về mối quan hệ của họ với Matxcơva, ca ngợi mối quan hệ đối tác "không giới hạn" vì nước này được hưởng nhập khẩu năng lượng giá rẻ của Nga và tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, bao gồm cả việc vận chuyển khí đốt ổn định qua đường ống Power of Siberia.
Tuy nhiên, gần đây các ngân hàng Trung Quốc lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ có thể loại họ khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nga - Á - Âu Carnegie, nói với AFP: "Người Nga muốn Trung Quốc làm nhiều hơn để hỗ trợ họ, trong khi Trung Quốc miễn cưỡng vì không muốn tạo rủi ro cho mối quan hệ với phương Tây".
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã bùng nổ kể từ cuộc xung đột ở Ukraine, đạt 240 tỉ USD vào năm 2023.
Nhưng khi Washington tuyên bố sẽ trừng phạt các tổ chức tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho Matxcơva, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã giảm trong tháng 3 và tháng 4.
Bắc Kinh đang đối mặt với những lời kêu gọi tách khỏi Nga - hoặc phải đối mặt với những hậu quả mà nền kinh tế đang gặp khó khăn của họ không được trang bị đầy đủ để giải quyết.
Các chuyên gia kỳ vọng cuộc họp mang tính biểu tượng cao trong tuần này sẽ bao gồm nâng ly chúc mừng mối quan hệ đối tác "không giới hạn", kèm theo ký kết một số thỏa thuận và cam kết tăng cường thương mại.
Các nhà phân tích cho biết nhà lãnh đạo Nga biết rõ rằng Bắc Kinh vẫn quyết tâm ủng hộ Matxcơva. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc coi mối quan hệ với Nga là đối trọng với phương Tây và Matxcơva là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống lại trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận