Nhận lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước Việt Nam trong hai ngày 19 và 20-6.
Trả lời báo chí Việt Nam ngày 19-6, Đại sứ Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko nhấn mạnh đây là chuyến thăm cấp nhà nước, là cấp độ giao thức cao nhất trong quan hệ giữa các quốc gia.
Tạo thêm động lực cho quan hệ Việt - Nga
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Putin trùng với dịp kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt - Nga (16-6-1994 - 16-6-2024).
Văn kiện này tạo tiền đề cho việc tăng cường hợp tác, đưa quan hệ Nga - Việt lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện. Sắp tới cũng là dịp kỷ niệm nhiều dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước.
Đại sứ Bezdetko cho biết đối thoại trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo luôn là cơ hội để tăng cường tin cậy chính trị. Lãnh đạo hai bên vẫn thường xuyên trao đổi ngay cả trong đại dịch COVID-19, khi mọi liên hệ chuyển sang hình thức trực tuyến.
Ông điểm lại loạt chuyến thăm lẫn nhau trong nhiều năm qua của lãnh đạo hai nước. Ông khẳng định kết quả các cuộc gặp gỡ, đàm phán đã tạo nền tảng tốt cho quan hệ ở mức cao nhất.
"Chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Putin nhằm tạo thêm động lực để phát triển quan hệ hợp tác Nga - Việt trong nhiều lĩnh vực.
Trọng tâm là tăng cường tương tác trên các lĩnh vực truyền thống như kinh tế và đầu tư, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và du lịch, trao đổi nhân đạo và cả quốc phòng, an ninh", Đại sứ Bezdetko nhấn mạnh.
Ông cho biết Tổng thống Putin đã nhiều lần nói về mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Hai bên có lịch sử chung phong phú, kinh nghiệm hợp tác sâu rộng trong hầu hết các lĩnh vực, đối thoại chính trị sâu rộng, trao đổi nhân văn năng động cao, các giá trị và định hướng phát triển tương đồng.
Đây là cơ sở đáng tin cậy để tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ song phương và không ngừng củng cố, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga trong giai đoạn hiện nay.
Nga sẵn sàng cung cấp công nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam
Đại sứ Nga cho biết Việt - Nga có tiềm năng lớn để tiếp tục tăng cường và đa dạng hóa hơn nữa hợp tác song phương.
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ và có hiệu quả trong các lĩnh vực như năng lượng, sản xuất công nghiệp, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, quốc phòng và an ninh, thương mại và đầu tư, cũng như thực hiện nhất quán các thỏa thuận ở cấp cao và cao nhất.
Chúng tôi tin rằng việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam đáp ứng đầy đủ các lợi ích cơ bản của nhân dân hai nước chúng ta" - ông Bezdetko chia sẻ.
Ông cũng đề cập đến nhiệm vụ đảm bảo hòa bình và an ninh theo nghĩa rộng; chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán ma túy...
Nga coi trọng các nỗ lực chống biến đổi khí hậu và trong chuyển đổi năng lượng công bằng, khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch và khử carbon cho nền kinh tế.
"Nga với tư cách là một trong những nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam những công nghệ hiện đại nhất trong lĩnh vực điện 'sạch', tin cậy và ổn định. Trước hết là điện hạt nhân - được nhiều nước châu Á lựa chọn làm giải pháp thay thế các nguồn năng lượng truyền thống", ông nhấn mạnh.
Giáo dục đại học cũng là một trong những lĩnh vực hợp tác được quan tâm giữa hai nước. Liên minh các trường đại học kỹ thuật được thành lập nhằm mở rộng cơ hội đào tạo chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, năng lượng và chế tạo máy bay.
Ông cũng đánh giá cao các hoạt động trong quan hệ nhân dân Việt - Nga, với nòng cốt là những sinh viên Việt Nam đã tốt nghiệp các trường đại học của Nga.
"Ngoại giao nhân dân vẫn là một trong những công cụ quan trọng nhất trong sự tương tác của chúng ta trong lĩnh vực nhân văn. Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách xây dựng quan hệ đối tác thực sự", ông bày tỏ.
Chính sách đối ngoại hướng Đông của Nga
Theo Đại sứ Nga, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những thay đổi lớn cùng căng thẳng gia tăng ở nhiều khu vực, "hướng Đông" trong chính sách đối ngoại của Nga đang trở thành một trong những hướng có ý nghĩa quyết định lâu dài.
Ông Bezdetko khẳng định Nga mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với ASEAN, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề của khu vực.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trên trường quốc tế, trước hết là tại Liên Hiệp Quốc và trong các khuôn khổ lấy ASEAN làm trung tâm, dựa trên sự gần gũi hoặc trùng hợp về quan điểm trong các vấn đề chính của chương trình nghị sự toàn cầu và khu vực, thúc đẩy các cách tiếp cận chung để giải quyết các vấn đề cấp bách của thời đại, đề cao các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia độc lập, tính hợp pháp và công lý trong quan hệ quốc tế" - Đại sứ Nga Bezdetko nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết Nga ủng hộ tăng cường hợp tác đa nền tảng giữa các tổ chức hàng đầu, trước hết là Liên minh kinh tế Á - Âu, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và ASEAN, vì lợi ích tăng cường liên kết kinh tế và hình thành Quan hệ đối tác Á - Âu mở rộng.
Ông Bezdetko cho biết BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi) là một trong những nền tảng đầy hứa hẹn để tương tác với Việt Nam.
Ngày 11-6, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã tham dự "Đối thoại của BRICS với các nước đang phát triển", tổ chức nhân Hội nghị ngoại trưởng nhóm BRICS ở TP Nizhny Novgorod của Nga.
Nhiều doanh nghiệp lớn tháp tùng Tổng thống Putin
Theo Đại sứ Nga Bezdetko, tháp tùng Tổng thống Putin trong chuyến thăm Việt Nam lần này là các lãnh đạo cấp liên bang, địa phương và các doanh nghiệp lớn của Nga.
Trong chương trình thăm, dự kiến ông Putin sẽ có các cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm, gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Chương trình chuyến thăm còn có sự kiện với sự góp mặt của các sinh viên tốt nghiệp các trường đại học Liên Xô và Nga.
Sau chuyến thăm, dự kiến hai nước sẽ thông qua tuyên bố chung cũng như ký một loạt văn kiện hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, tư pháp, quy chế hải quan, y tế, năng lượng cũng như thông qua các tổ chức khoa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận