Nga yêu cầu các đối tác mua khí đốt phải chi trả bằng đồng rúp, từ ngày 1-4 - Ảnh: Reuters
Ngày 31-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định ông đã ký sắc lệnh yêu cầu người mua nước ngoài bắt buộc phải trả tiền mua nhiên liệu của Nga bằng đồng rúp từ ngày 1-4. Hợp đồng sẽ bị ngừng nếu bên mua không thanh toán.
Hợp đồng sẽ dừng lại, nếu...
Ông Putin nói thêm: "Nếu không thanh toán, chúng tôi sẽ coi đây là quyết định từ phía người mua (và họ chịu trách nhiệm) với tất cả các hậu quả sau đó. Không ai cho chúng tôi thứ gì miễn phí và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện - nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ dừng lại".
Sắc lệnh do ông Putin ký đặt ra một cơ chế để người mua chuyển ngoại tệ vào một tài khoản đặc biệt tại Ngân hàng Gazprombank của Nga. Ngân hàng này sau đó sẽ gửi lại đồng rúp cho người mua nước ngoài để thanh toán tiền khí đốt.
Ông Putin cho biết việc chuyển đổi này nhằm củng cố chủ quyền của Nga vì các nước phương Tây đang sử dụng hệ thống tài chính như một vũ khí và việc Nga giao dịch bằng USD và euro không có ý nghĩa gì khi tài sản bằng các loại tiền tệ đó đang bị đóng băng.
Ông Putin khẳng định Nga đã và sẽ tiếp tục tuân thủ các nghĩa vụ theo tất cả các hợp đồng, kể cả hợp đồng khí đốt và sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng quy định vì Nga coi trọng uy tín kinh doanh của mình.
Nga cung cấp khoảng một phần ba khí đốt cho châu Âu, vì vậy năng lượng là đòn mạnh mẽ nhất mà Tổng thống Nga Putin sử dụng khi ông cố chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây sau chiến dịch quân sự đặc biệt Nga thực hiện ở Ukraine. Động thái này khiến châu Âu đối mặt với viễn cảnh bị ngừng hơn 1/3 nguồn cung cấp khí đốt.
Các công ty và chính phủ phương Tây đã bác bỏ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Nga vì vi phạm các hợp đồng hiện tại, được quy định là thanh toán bằng đồng euro hoặc USD.
Phản ứng sau quyết định của Nga, ngày 31-3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Nga đã không thể chia rẽ châu Âu và cho biết các đồng minh phương Tây quyết tâm không bị Nga "tống tiền".
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông đã nói với Tổng thống Nga rằng Đức đã kiểm tra các hợp đồng mua khí đốt với Nga và sẽ tiếp tục thanh toán bằng đồng euro hoặc thỉnh thoảng là USD.
Tương tự, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết Anh không có kế hoạch thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng rúp và Chính phủ Anh đang theo dõi những tác động với thị trường châu Âu sau yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin.
Khi được hỏi liệu có bất kỳ trường hợp nào Anh sẽ trả bằng rúp cho khí đốt của Nga hay không, người phát ngôn nói với các phóng viên: "Đó không phải là điều chúng tôi sẽ làm".
Các nước châu Âu đã chạy đua để đảm bảo nguồn cung khí đốt thay thế, nhưng với thị trường toàn cầu vốn eo hẹp, họ có rất ít lựa chọn.
Để mua khí tự nhiên của Nga, họ phải mở tài khoản đồng rúp với các ngân hàng của Nga. Từ các tài khoản này, các khoản thanh toán sẽ được thực hiện để mua khí đốt được giao từ ngày mai.
Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN
Bớt gắn với USD
Một hệ quả dài hạn hơn của kế hoạch chỉ nhận đồng rúp của Nga có thể là sự suy giảm vị thế của đồng USD và một hệ thống tiền tệ quốc tế phân mảng. Bà Gita Gopinath, phó giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nói với báo Financial Times rằng các lệnh cấm vận qua lại hiện nay có thể dẫn tới sự xuất hiện của các khối tiền tệ phân mảng dựa trên thương mại giữa các nhóm quốc gia khác nhau.
"Ngay cả như thế, đồng USD vẫn sẽ là tiền tệ toàn cầu, nhưng sự phân mảng là một khả năng rất thực tế - bà Gopinath nói - Chúng ta đã thấy rồi, thực tế một số nước đang thương lượng lại loại tiền tệ mà họ muốn nhận trong thương mại". Giảm sự phụ thuộc vào đồng USD là một chiến dịch đã kéo dài nhiều năm của Nga và đặc biệt tăng tốc sau khi sáp nhập Crimea năm 2014.
Vấn đề là giờ không chỉ có Nga muốn vậy. "Các nước thường để dành dự trữ bằng loại tiền tệ mà họ dùng để mua bán với thế giới và vay mượn từ nước ngoài, nên ta có thể thấy một xu hướng từ từ dịch chuyển sang các loại tiền tệ khác trong dự trữ ngoại hối quốc tế", bà Gopinath phân tích. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng sự thống trị của đồng USD - vốn được hậu thuẫn bởi các định chế mạnh và khả tín, thị trường rộng lớn và khả năng chuyển đổi tự do - nhiều khả năng chưa thay đổi trong trung hạn.
Bà lưu ý tỉ lệ USD trong dự trữ ngoại hối quốc tế đã giảm từ 70% xuống 60% hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, chưa có loại tiền tệ nào nổi lên là đối thủ thách thức thực sự. Dù đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã phổ biến hơn, song thực tế mới có 3% tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu là đồng tiền này, theo dữ liệu của IMF. Những nhược điểm của đồng nhân dân tệ, theo bà Gopinath, là khả năng chuyển đổi đầy đủ, một thị trường vốn thực sự mở, và các định chế hậu thuẫn cho nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận