Người biểu tình ném vật thể vào hàng rào cảnh sát chống bạo động tại Quimper, miền tây nước Pháp - Ảnh: AFP
Các đường phố tại Pháp bị dòng người phong tỏa trong phong trào biểu tình mang tên "Áo khoác vàng" (Gilets Jaunes), loại áo bảo hộ dạ quang tài xế thường mặc vào khi xe bị sự cố.
Biến thành bạo lực
Gilets Jaunes mang ý tưởng kêu gọi người dân xuống đường, đi chậm ngoài trung tâm thành phố, sân bay, đường cao tốc và các con đường lớn. Chiến dịch này nhằm phản đối việc chính phủ tăng thuế xăng dầu.
Quyết định tăng thuế nhiên liệu của ông Macron nhằm khuyến khích tài xế chuyển sang sử dụng những loại xe dùng năng lượng thân thiện hơn với môi trường.
Chính sách này được áp dụng từ năm 2017, nhưng gần đây bắt đầu cho thấy hậu quả sau khi giá dầu tăng kể từ tháng 10 qua. Nhiều hộ gia đình chịu áp lực và bắt đầu tức giận với điều này, vì nhiều người vẫn buộc phải sử dụng xe để đi làm.
224.000
Đó là số người biểu tình chống Tổng thống Macron tính đến cuối ngày 17-11.
Từ sáng sớm 17-11 (giờ Pháp), người biểu tình đã tụ tập trong 2.000 cuộc biểu tình khác nhau, không chỉ khắp nước Pháp mà còn ở các vùng lãnh thổ thuộc nước này.
Trên khắp nước Pháp, nhiều cuộc biểu tình biến thành bạo loạn với 106 người bị thương, trong đó có 5 hoặc 6 người nguy kịch, theo các báo cáo khác nhau của hãng tin Reuters và báo Guardian.
Phần lớn các trường hợp bị thương xuất phát từ việc người lái xe mất bình tĩnh và cán vào đám đông biểu tình đang cản đường.
Một sự cố như thế đã khiến một phụ nữ 63 tuổi tham gia biểu tình bị thiệt mạng. Một bà mẹ gấp gáp đưa con tới bệnh viện bị đám đông biểu tình chặn đường, dẫn tới việc cán chết người phụ nữ xấu số kia.
Tính tới đầu giờ tối cùng ngày, cảnh sát xác định có khoảng 224.000 người biểu tình. 73% số người được hỏi đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào phản đối chính sách của Tổng thống Macron.
Tỉ lệ ủng hộ tuột dốc
Những cuộc biểu tình này hoàn toàn trái ngược với tâm lý hân hoan được kỳ vọng sau khi ông Macron đắc cử tổng thống Pháp năm 2016.
Cứ ngỡ đây là một sự lựa chọn tươi mới, trẻ trung, gieo hi vọng hơn so với đảng cực hữu của bà Marine Le Pen, thì nay ông Macron bắt đầu cảm nhận áp lực từ chính sách kinh tế của mình.
Trong 18 tháng cầm quyền, ông Macron bị cho đã ngó lơ các hiệp hội thương mại và các cuộc biểu tình, để tiếp tục nới lỏng luật lao động và thực hiện cải cách.
Phe phản đối chủ yếu chỉ trích mức thuế cao đánh vào nhiên liệu, thuốc lá, cũng như việc gánh nặng phúc lợi xã hội gia tăng trước khi các khoản cắt giảm thuế khác có hiệu lực.
Đám đông vừa qua kêu gọi ông Macron từ chức vì cho rằng ông không đứng về phía người nghèo. Họ khẳng định ông Macron đã bỏ mặc các tầng lớp nghèo và trung lưu, chỉ ra rằng những khoản cắt giảm thuế đã trợ lực cho người có thu nhập cao và các doanh nghiệp.
Ông Andre, một người biểu tình 38 tuổi không có bằng lái xe tại khu vực Dole miền đông nước Pháp, bình phẩm: "Macron là vị tổng thống của người giàu chứ không phải người nghèo. Ông ta cũng nên nghĩ tới người nghèo".
Hãng tin Bloomberg ngày 18-11 dẫn một khảo sát của Hãng Ifop đăng trên báo Journal du Dimanche cho thấy mức độ ủng hộ dành cho ông Macron đã tuột xuống mức thấp nhất kể từ lúc nắm quyền.
Cụ thể tỉ lệ ủng hộ của ông Macron tháng 11 này giảm 4 điểm so với tháng trước, xuống còn 25%, trong khi số điểm của Thủ tướng Edouard Philippe cũng rớt 7 điểm còn 34%. Trước đó, ông Philippe được tới 70%.
Khảo sát của Ifop thực hiện qua điện thoại và Internet, từ ngày 9 tới ngày 17-11, với 1.957 người trong độ tuổi bỏ phiếu.
Điều này có nghĩa sau cuộc biểu tình ngày 17-11, hình ảnh ông Macron trong mắt người dân sẽ có nguy cơ xấu hơn.
Tuy nhiên, ông tái khẳng định sẽ không rút lại chính sách tăng thuế nhiên liệu, vốn dự kiến còn tăng hơn nữa vào tháng 1-2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận