Trả lời phỏng vấn báo Economist đầu tuần này, Tổng thống Macron cho biết Paris có thể xem xét điều quân đội đến Kiev “nếu Nga vượt qua tiền tuyến” và “nếu phía đưa ra yêu cầu thêm quân lực”.
Ông Macron cũng đề cập đến mục tiêu chiến lược là cố gắng kìm chân quân đội Nga để Matxcơva không giành chiến thắng ở Ukraine, đồng thời tuyên bố nếu Nga thực sự giành chiến thắng sẽ đe dọa đến tình hình an ninh của châu Âu.
Những phát biểu mới nhất của Tổng thống Pháp lặp lại ý tưởng của chính ông về điều quân đội phương Tây đến chiến trường Ukraine vốn gây ra rất nhiều tranh cãi hồi tháng 2 vừa qua.
Đài RT dẫn phần trả lời nhật báo Corriere della Sera hôm 4-5 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho biết bản thân ông không thể đánh giá lãnh đạo của một “quốc gia thân thiện” như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Thế nhưng, ông Crosetto không thể không cảm thấy nghi ngờ về “mục đích và những lợi ích đến từ các tuyên bố của Tổng thống Macron”, bởi những tuyên bố như vậy chỉ làm gia tăng căng thẳng mà thôi.
Ngoài ra, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ý cũng loại trừ khả năng Ý sẽ cử quân can thiệp vào chiến sự ở Ukraine. “Không giống như những nước khác, trong hệ thống của đất nước chúng tôi có lệnh cấm rõ ràng đối với các hoạt động can thiệp quân sự trực tiếp, ngoài những gì được luật pháp và hiến pháp Ý quy định”, ông Crosetto cho biết.
“Chúng tôi chỉ có thể dự tính các biện pháp can thiệp vũ trang theo mệnh lệnh của quốc tế, chẳng hạn như việc thực thi theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc”, Bộ trưởng Crosetto nói thêm.
Ông Crosetto cũng lưu ý rằng ngoài lý do Ý không thể gửi quân đến chiến trường Ukraine theo quy định của nước này, họ cũng không có ý định điều quân bởi việc này sẽ chỉ khiến xung đột ngày càng leo thang.
“Trước hết, điều này sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào cho chính người Ukraine”, ông Crosetto nói.
Ngoài bộ trưởng quốc phòng Ý, những phát biểu mới nhất của ông Macron về việc điều quân đến Ukraine còn vấp phải sự phản đối từ một số thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Hungary, Slovakia, và Anh.
“Nếu một thành viên của NATO đưa quân bộ binh đến Ukraine, khi đó sẽ bùng phát cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga và theo sau sẽ là Thế chiến thứ ba”, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto phản bác.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico cũng nhấn mạnh rằng NATO không có lý do gì để điều quân đến Ukraine vì Kiev không phải là thành viên của NATO. “Sẽ không có binh sĩ Slovakia nào được đặt chân ra ngoài biên giới Slovakia”, Thủ tướng Fico khẳng định.
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết việc gửi binh sĩ NATO đến Ukraine sẽ là động thái làm leo thang đầy nguy hiểm, dù London vẫn đang có kế hoạch tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Không phải lần đầu gây tranh cãi
Đây không phải lần đầu tiên Pháp và các nước phương Tây tranh cãi chuyện điều quân đến Ukraine.
Hồi tháng 2, Tổng thống Macron đề cập đến khả năng điều binh sĩ NATO đến chiến trường Ukraine.
Ngay sau đó, hầu hết các nước châu Âu, trong đó có Đức, Cộng hòa Czech và Ba Lan cho biết họ không có kế hoạch gửi binh sĩ đến Ukraine như lời ông Macron nói.
Khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto nói rằng Pháp không thể thay mặt toàn khối NATO để lên tiếng về việc gửi quân đến Ukraine.
“Việc gửi quân đến Kiev đồng nghĩa với việc tiến thêm một bước đến leo thang đơn phương, xóa bỏ con đường ngoại giao giữa các nước”, ông Crosetto nói.
Trong khi đó, báo Politico nhận định ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania (Litva) sẽ cởi mở hơn nhiều với ý tưởng của phía Paris. Bởi ba quốc gia vùng Baltic là những quốc gia gần Nga và dễ bị Nga tấn công nhất nếu Matxcơva giành chiến thắng trong chiến sự Nga - Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận