Vợ chồng Tổng thống Pháp E. Macron thăm Tử Cấm Thành vào ngày 8-1 như vinh dự mà Bắc Kinh đã tiếp đãi với Tổng thống Donald Trump vào tháng 11-2017 - Ảnh: REUTERS
Sau khi ghé thăm đầy chất văn hóa ở Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây thuộc vùng Tây Bắc Trung Quốc, ông Macron đã có chuỗi làm việc bận rộn với các lãnh đạo chính trị và giới doanh nghiệp hai nước.
Ủng hộ Con đường tơ lụa của Trung Quốc
Chuyến thăm được nêu rõ trong mục tiêu ban đầu là giao thương, là cắt giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước nên việc khởi động từ Tây An là có lý do của nó: đây là điểm bắt đầu của "Con đường tơ lụa" ở phía Đông nối sang phương Tây và động thái này được coi là sự đồng ý với kế hoạch của ông Tập Cận Bình nhằm hồi sinh con đường giao thương nổi tiếng này.
Trong bài phát biểu tại đây, Tổng thống Macron đã bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc sẽ có một khởi đầu mới, dựa trên "các nguyên tắc cân bằng".
Theo ông, châu Âu hiện đã sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc sau nhiều năm vật lộn với khủng hoảng và kinh tế đình trệ. Ông nêu rõ: "Số phận của chúng ta đã được gắn kết... Tương lai cần Pháp, châu Âu và Trung Quốc".
Về dự án "Con đường tơ lụa" hiện đại mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tập trung thúc đẩy từ vài năm qua, nhà lãnh đạo Pháp phát biểu đầy hàm ý: "Sau tất cả, Con đường tơ lụa cổ xưa chưa bao giờ chỉ thuộc về người Trung Quốc" và nhấn mạnh rằng những con đường như vậy không phải mang tính "một chiều" mà có sự chia sẻ và đóng góp của các bên.
Tổng thống Pháp Macron thăm bảo tàng các chiến binh đất nung tại Tây An ngày 8-1 khi vừa đặt chân đến Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Trước đó, trả lời phỏng vấn trang mạng China.org.cn, Tổng thống Macron đã nhận định dự án trên là "một cơ hội thực sự để xây dựng cầu nối, thông qua việc trao đổi, giữa các quốc gia và các nền văn minh, tương tự như con đường tơ lụa cổ xưa".
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc châu Âu và Trung Quốc củng cố hợp tác trong sáng kiến "Vành đai và Con đường". Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng cảnh báo việc thực hiện dự án này cần nằm trong khuôn khổ của "mối quan hệ đối tác bình đẳng", trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Pháp với Trung Quốc lên đến 30 tỉ euro.
Tìm kiếm hợp đồng kinh tế
Với mục tiêu tìm kiếm hợp tác kinh tế, không lạ khi tháp tùng ông Macron trong chuyến thăm lần này là phái đoàn hùng hậu gồm 50 lãnh đạo doanh nghiệp Pháp. Chuyến thăm của Tổng thống Macron được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy ký kết nhiều thỏa thuận thương mại giữa doanh nghiệp hai nước, chủ yếu trong các lĩnh vực hạt nhân, không gian và thực phẩm nông nghiệp.
Hãng tin AFP cho biết tập đoàn hạt nhân dân sự Areva của Pháp sẽ ký kết với đối tác Trung Quốc thỏa thuận thương mại về xây dựng nhà máy tái chế hạt nhân trị giá đến cả chục tỉ euro. Ngân hàng BNP Paribas cũng có kế hoạch thành lập liên doanh với đối tác Trung Quốc trong lĩnh vực tín dụng.
Phía Pháp cũng kỳ vọng loại lò phản ứng hạt nhân hiện đại EPR do tập đoàn Điện lực quốc gia Pháp thiết lập ở miền nam Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động đúng tiến độ sau 6 tháng nữa như một minh chứng cho kỹ thuật hạt nhân của Pháp và tạo nền tảng cho các hợp đồng lớn khác.
Ngay tại sự kiện khởi nghiệp ở Bắc Kinh ngày 9-1, tập đoàn kỹ nghệ Fives đã ký thỏa thuận với hãng bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc nhằm bán được 2 tỉ euro hàng của Pháp trên nền tảng thương mại này cho dân Trung Quốc.
Những hợp đồng bán máy bay Airbus và động cơ máy bay Safran cũng được kỳ vọng đem về hàng tỉ euro cho Pháp cũng như công việc cho người Pháp.
Ông Macron cũng kêu gọi doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư sang Pháp để "tạo ra việc làm mới, xây dựng mối quan hệ đối tác cân bằng và lâu dài hơn".
Trung Quốc đang tiếp tục theo đuổi chiến lược phát triển kinh tế của mình và xét theo tầm cỡ của thị trường này, điều đó có ảnh hưởng toàn cầu. Nhiệm vụ của nước Pháp là hiểu rõ những chuyển động đó. Điều đó buộc phải có một nước Pháp mạnh mẽ: nếu Pháp không biết thích ứng thì sẽ bị loại trừ”
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron
Gấu trúc trao đi, tuấn mã gửi lại
Ngày 8-1, nhằm đáp lại "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thực hiện "ngoại giao tuấn mã" trong chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Trung Quốc khi tặng Chủ tịch Tập Cận Bình một chú ngựa trong đội Vệ binh danh giá của Pháp.
Sự kiện này đã gây hao tốn nhiều giấy mực mấy ngày qua bởi lâu lắm rồi lãnh đạo chính trị Pháp mới có quà tặng đặc biệt như vậy cho lãnh đạo nước ngoài.
Hình ảnh quà tặng của Pháp cho Chủ tịch Tập Cận Bình được Tổng thống Macron khoe trên trang cá nhân - Ảnh chụp màn hình
Tổng thống Macron đã chọn chú ngựa màu nâu, 8 tuổi tên là Vesuve de Brekka trong đội kỵ binh của tổng thống để tặng nhà lãnh đạo Trung Quốc. Một quan chức Điện Elysée cho biết: "Việc tặng tuấn mã có ý nghĩa đối với Tổng thống và đây là biểu tượng cho sự tuyệt vời của nước Pháp. Chú tuấn mã này đã vượt qua vòng kiểm tra, kiểm dịch nghiêm ngặt".
Quyết định về món quà đặc biệt đã được đưa ra sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sự say mê đối với 104 chú tuấn mã hộ tống ông trong chuyến thăm Paris hồi năm 2014.
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Pháp nhấn mạnh với mong muốn về mối quan hệ hữu nghị với lãnh đạo các nước, quà tặng của Tổng thống Macron mang ý nghĩa sâu sắc của một cử chỉ ngoại giao và chú tuấn mã này là nhằm đáp lại "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh cho Paris mượn một con gấu trúc đưa về nuôi trưng bày tại sở thú Beauval.
Kết quả là sau đó một chú gấu trúc con đã chào đời tại vườn thú của ngoại ô thủ đô Paris và phu nhân Macron Brigitte trở thành mẹ đỡ đầu của một chú gấu trúc con này.
Có vẻ khi nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump quyết tâm thực hiện lời hứa "Nước Mỹ trên hết", các cường quốc khác cũng phải điều chỉnh sách lược của mình theo cách không cần lệ thuộc nhiều vào Mỹ.
Vợ chồng Tổng thống Pháp được tiếp đón tại sân bay Bắc Kinh ngày 8-1. Ông tuyên bố sẽ quay lại Trung Quốc "ít nhất 1 lần mỗi năm" - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận