Ảnh: Như Bình |
Tôi đứng lẫn trong số hàng trăm người trẻ đang háo hức đợi đến giờ của buổi gặp gỡ trọng đại, thấy những người trẻ quanh mình đều rất đẹp, đặc biệt là rất chuyên nghiệp.
Họ kiên nhẫn xếp hàng và chờ đợi hàng giờ đồng hồ mà tuyệt nhiên không có cảnh chen lấn. Một vài người còn mau mắn phát trực tiếp quang cảnh quanh mình qua Facebook, vừa ghi hình vừa bình luận bằng tiếng Anh rất chuẩn. Lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, tôi bỗng thấy lạc quan hẳn về chân dung thế hệ tương lai của nước nhà.
Tổng thống Obama xuất hiện và như thường lệ, ông mau chóng chinh phục người nghe của mình bằng phong thái năng động đầy sức hút, bằng thứ ngôn ngữ gần gũi nhất với họ. Ông nhắc đến Sơn Tùng MTP, trích dẫn một câu trong bài hát của Trần Lập, mô phỏng tiếng beatbox khi trả lời câu hỏi của một nữ rapper trẻ tuổi.
Những tràng pháo tay vang lên không ngớt khắp khán phòng, và hàng trăm bạn trẻ nhoài người cố bắt lấy tay ông, kêu vang “I love you” vào phút tạm biệt - thứ “nghi thức” mà họ thường dành cho một ngôi sao ca nhạc hơn là một chính trị gia nào đó.
Nhưng với tài diễn thuyết của ông Obama thì điều đó cũng chẳng có gì là bất ngờ. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn chính là những câu hỏi mà giới trẻ đặt ra cho ông Obama trong buổi đối thoại. Tình hình biến đổi khí hậu, việc bảo vệ Sơn Đoòng, việc xây đập thủy điện trên dòng Mekong, nạn buôn người xuyên quốc gia, tình trạng chảy máu chất xám, tự do trong sáng tạo nghệ thuật...
Tất cả những vấn đề lớn lao đó được đặt ra cho ngài tổng thống bởi những gương mặt hầu hết chỉ mới ngoài hai mươi. Chính Tổng thống Obama cũng nói: “Thật mừng là thế hệ các bạn quan tâm đến vấn đề này hơn thế hệ của tôi hay cha anh tôi rất nhiều!”.
Tôi sẽ mãi đắm chìm trong cảm xúc lạc quan đó, nếu như không có một câu hỏi rất hay của một nhà làm phim trẻ đặt cho tổng thống về điều gì đã khiến ông từ một chàng thanh niên suốt ngày lông bông (như ông tâm sự về thời trẻ của mình) thành một con người sống có mục đích, vì xã hội như bây giờ.
“Chúng ta thường nghĩ rằng tiền bạc, quyền lực hay những giá trị vật chất mới là thứ tạo ra động lực. Nhưng ta cũng được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện - chuyện về những điều quan trọng, về cuộc đời mình, về đất nước mình, về cộng đồng quanh mình... Và thứ mang chúng ta xích gần lại với nhau để cùng làm một điều gì đó lớn lao, thường cũng chính là những câu chuyện đẹp”. Đó là câu trả lời của ngài tổng thống.
Thật vậy, những bạn trẻ mà tôi được gặp trong buổi sáng nay đã xích lại gần nhau và cùng suy nghĩ về một điều gì đó “khác với thường lệ” - cũng bởi vì chính Obama là một câu chuyện quá truyền cảm hứng (chưa kể ông còn là một người kể chuyện xuất sắc). Nhưng tôi bỗng chạnh lòng tự hỏi, không biết cảm hứng đó còn tiếp diễn sau khi “câu chuyện Obama” kết lại.
Và ngoài khán phòng này, với nhiều thanh niên Việt còn “lông bông như Obama thời trẻ” ngoài xã hội kia, có nhiều không những chân dung, những câu chuyện thực và đẹp như vậy để các bạn có thể lấy đó làm động lực sống, chứ không chỉ có quyền lực, tiền tài?
Hi vọng lắm, là các bạn có thể tự viết ra những câu chuyện của chính thế hệ mình!
Bà TÔN NỮ THỊ NINH:
Thông điệp ý nghĩa cho giới trẻ Việt Nam Khi bắt tay với Tổng thống Obama, tôi có nói với ông một câu rằng ông thật sự đại diện cho sự hiểu biết và tình nhân văn. Trong các đời tổng thống Mỹ, tôi cũng thiện cảm Tổng thống Obama. Tôi đến đây để lắng nghe người trẻ nói và nhận thấy số đông các câu hỏi của người trẻ suy nghĩ rất chín chắn và trưởng thành. Tôi từng dự rất nhiều sự kiện như thế này và gặp không ít câu hỏi từ các bạn trẻ khá nhạt, hỏi để cho có, hỏi vì háo hức. Riêng những câu hỏi dành cho Tổng thống Obama hôm nay thì hoàn toàn khác. Thông điệp lớn nhất mà tổng thống dành cho giới trẻ Việt Nam là “Đừng quá lo lắng mình sẽ trở thành ai mà hãy hỏi bản thân mình muốn làm gì”. Một thông điệp rất ý nghĩa với bất kỳ ai. LÊ NGUYỄN THIÊN HƯƠNG (phụ trách dự án cộng đồng Save Son Doong)
“Đi bằng chân” Tôi cảm thấy may mắn khi được đích thân Tổng thống Obama chọn đặt câu hỏi sau khi tôi cố gắng gây chú ý với ông bằng cách đưa chiếc nón lá truyền thống của Việt Nam có ghi dòng chữ “Thank you Obama”. Khi tôi hỏi: “Nếu ông có dịp quay trở lại Việt Nam và thăm Sơn Đoòng thì ông sẽ đi bằng chân hay cáp treo?”, Tổng thống Obama trả lời: “Tôi sẽ đi bằng chân vì tôi rất khỏe mạnh”, khiến tôi cảm thấy rất ấn tượng. Ông là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng rất lớn, nên thông điệp ông nói “đi bằng chân, thay vì bằng cáp” sẽ gây ảnh hưởng lớn đến những người khác và có giá trị động viên tinh thần lớn lao đối với những người làm dự án bảo vệ hang Sơn Đoòng như chúng tôi. NGUYỄN HẢI TRƯỜNG AN (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Truyền lửa Những chia sẻ của Tổng thống Obama không chỉ là trải nghiệm từ bản thân mà còn cho thấy sự tiếp thu tìm tòi thông tin địa phương rất chu đáo. Ông đã dẫn dắt chúng tôi hình dung về tuổi trẻ, một thời nổi loạn của ông, về gia đình đã xây dựng nên con người ông ngày hôm nay. Ở ông, tôi cảm nhận được những điều còn rất trẻ mà ông muốn truyền lại cho chúng tôi. Đó là những hoài bão, những đam mê và niềm tin thực hiện mà ông mong muốn chúng tôi hãy tận dụng từ những nền tảng gia đình, kiến thức từ nhà trường, năng lực của bản thân để biến ước mơ thành hiện thực nhằm xây dựng một thế giới tươi đẹp hơn. Và điều quan trọng là tổng thống đã truyền lửa được cho tôi, đây cũng là điều tôi tâm đắc nhất trong buổi nói chuyện hôm nay: hãy yêu chính công việc bạn đang làm, bạn sẽ thành công. Diễn viên LAN PHƯƠNG:
Giới trẻ nhìn nhận nghiêm túc Tôi chuẩn bị bốn câu nhưng rất tiếc đã không có dịp hỏi tổng thống nhưng tôi vẫn cảm thấy thỏa mãn vì được trực tiếp gặp ông, nghe đối thoại, tương tác giữa ông và các bạn trẻ Việt Nam. Những câu trả lời của tổng thống rất gần gũi nhưng nó mang nhiều thông điệp, bài học chiêm nghiệm: thành công của mỗi người chỉ đến khi mình thật sự đam mê, yêu thích nó, kỳ vọng nó. Một ấn tượng khác là các bạn trẻ đặt câu hỏi hôm nay đều cho thấy họ rất cập nhật xu hướng, thời sự, từ câu hỏi về môi trường, nạn chảy máu chất xám đến tình trạng buôn bán người... Họ có nhìn nhận một cách nghiêm túc về công việc mình đang làm cũng như các vấn đề xã hội. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận