25/05/2016 09:03 GMT+7

Ông Obama nói khi còn trẻ mình cũng rất ham chơi

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có nhiều câu trả lời thẳng thắn, dí dỏm về các câu hỏi của đại biểu nhóm thủ lĩnh trẻ YSEALI tại Trung tâm hội nghị GEM TP.HCM sáng 25-5.

Ông Obama đang trả lời các bạn trẻ - Ảnh: THUẬN THẮNG

 

Lúc 11g05, ông Obama đến Trung tâm hội nghị GEM - TP.HCM, bắt đầu chương trình đối thoại với khoảng 800 đại biểu nhóm lĩnh trẻ Việt Nam - Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI)

Ông Obama bước vào hội trường trong tiếng vỗ tay không ngớt. Tổng thống Obama cũng nói "Xin chào" bằng tiếng Việt. Đáp lại tràng pháo tay của mọi người, ông Obama giữ nụ cười tươi và tiếp tục nói: “Xin cám ơn các bạn!”.

Tổng thống Mỹ cũng mở đầu buổi nói chuyện bằng câu đùa rằng rất khó để giới thiệu tổng thống Mỹ vì bục rất cao so với cô - người dẫn chương trình.

Trước khi thảo luận với các bạn trẻ VN, tổng thống Obama nói ông là người gắn bó chặt chẽ với người trẻ châu Á Thái Bình Dương.

Hội trường cười ồ lên khi ông nói: “Tôi rất thích món ăn ở đây từ khi bắt đầu đến Việt Nam”. "Tôi thấy Việt Nam có nhiều người tuyệt vời" - ông Obama nói.

Ông Obama lắng nghe câu hỏi từ bạn trẻ - Ảnh: Reuters
Ông Obama lắng nghe câu hỏi từ bạn trẻ - Ảnh: Reuters

"Tôi muốn cảm ơn các bạn ở GEM đã giúp chúng tôi tổ chức buổi nói chuyện này, cũng như chính phủ và người dân Việt Nam đã chào đón tôi trong 3 ngày qua. Điều tôi thích ở những chuyến công du nước ngoài là được gặp gỡ những người trẻ như các bạn, vì các bạn làm tôi thấy đầy hi vọng về ASEAN và về thế giới", ông Obama nói với các đại biểu nhóm thủ lĩnh trẻ.

"Ở Việt Nam, 2/3 dân số sinh sau năm 1975. 30 triệu người Việt có tài khoản facebook và các bạn nghe những bài hit của Sơn Tùng M-TP nhưng cũng trao đổi những ý tưởng lớn với nhau thông qua mạng xã hội - đó là lí do 3 năm về trư tôi sáng lập ra YSEALI. 

Từ khi bắt đầu, đến nay chúng ta đã có 67.000 thành viên khắp thế giới, bao gồm 13.000 thành viên ở Việt Nam và những bạn trẻ Việt Nam đang học ở Mỹ, những người sẽ mang những giá trị và kiến thức đã học về xây dựng lại đất nước", tổng thống Mỹ phát biểu. 

Ông Obama đưa hai bàn tay tạo thành ký hiệu trái tim - Ảnh: THUẬN THẮNG
Ông Obama đưa hai bàn tay tạo thành ký hiệu trái tim - Ảnh: THUẬN THẮNG

Theo ông Obama, các bạn trẻ ngồi tại GEM chính là minh chứng rõ ràng nhất cho động lực phát triển của đất nước của các bạn. 

Ông Obama nêu ra những ví dụ về những người Việt trẻ đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn để thành công, ông trích cả bài hát Trần Lập - “Đường đến những ngày vinh quang không còn xa” vào bài phát biểu.

Cũng như các cuộc đối thoại trước đây, ông Obama chỉ nói rất ngắn, để dành tối đa thời gian trả lời các câu hỏi.

Tổng thống Obama trò chuyện với các bạn trẻ tại GEM sáng 25-5 - Ảnh: THUẬN THẮNG

Tôi không nghĩ mình phải trở thành tổng thống

Đại biểu nhóm thủ lĩnh trẻ tên Hoàng đặt câu hỏi với tổng thống: "Chúng tôi là những người rất trẻ, vậy ông có thể cho lời khuyên nào để chúng tôi thành công như ngài?".

Ông Obama: khi tôi còn trẻ, tôi cũng còn ham chơi lắm. Tôi có hứng thú với bóng rổ và các cô gái. Lời khuyên của tôi là: tìm một thứ bạn đam mê và dồn toàn lực vào nó. Mỗi người có một đam mê riêng, nên không có một con đường cụ thể nào để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi.

Nhiều người nghĩ làm lãnh đạo giỏi là phải giỏi nói chuyện trước công chúng, nhưng không hẳn vậy. Bạn nên ngừng suy nghĩ về chuyện bạn sẽ trở thành ai, mà hãy suy nghĩ về việc bạn sẽ làm gì. Khi bạn suy nghĩ về những vấn đề kia, bạn bỏ qua những việc mà bạn cần phải làm trước mắt. 

Ban đầu tôi không nghĩ trong đầu là mình phải trở thành tổng thống. Thứ tôi suy nghĩ lúc đó là làm sao để giúp đỡ mọi người.

Nụ cười sảng khoái của ông Obama trong phần hỏi đáp với bạn trẻ - Ảnh: THUẬN THẮNG
Nụ cười sảng khoái của ông Obama trong phần hỏi đáp với bạn trẻ - Ảnh: THUẬN THẮNG

Một nữ đại biểu tên Hương nói: "Tôi suýt khóc khi ngài nhắc đến chuyện cứu Sơn Đoòng vào hôm qua. Ông, với tư cách là một nhà lãnh đạo của một quốc gia, ông có thể làm gì để góp phần vào việc đó? Và nếu có dịp đến Việt Nam lần nữa, ông có muốn đi thám hiểm Sơn Đoòng trên đôi chân của mình không, hay ông sẽ đi cáp treo nếu chẳng may mà tuyến cáp treo sẽ được xây dựng?

Ông Obama bày tỏ hứng thú muốn đi tham quan Sơn Đoòng khiến hội trường ồ lên thích thú. 

"Dĩ nhiên tôi rất muốn được đến Sơn Đoòng nếu có dịp quay lại VN, và tôi cũng khá khỏe nên chắc là có thể đi bộ được.

Chúng tôi rất sẵn lòng làm việc cùng chính phủ và các tổ chức ở Việt Nam để góp phần bảo vệ các di sản thiên nhiên như Sơn Đoòng. Tôi rất vui vì thế hệ trẻ Việt Nam đã chú tâm hơn tới những vấn đề môi trường này", ông Obama phát biểu.

Tiếp tục nói về vấn đề bảo vệ môi trường, ông Obama nói: "Chúng tôi đang cố gắng để các quốc gia đang phát triển như VN nhảy cóc qua khỏi giai đoạn phát triển của sản xuất năng lượng để tiến tới sản xuất năng lượng sạch, thay vì phát triển từng bước như các cường quốc trong lịch sử". 

Một bạn trẻ giơ chiếc nón lá có tên ông Obama - Ảnh: Reuters
Một bạn trẻ giơ chiếc nón lá có tên ông Obama - Ảnh: Reuters

Bạn trẻ Tấn Phát đặt câu hỏi với ông Obama: "Tôi biết ông sắp rời nhà trắng, vậy ông có kế hoạch gì để bàn giao những công việc mà ông đang tiến hành như YSEALI cho vị tổng thống kế nhiệm không?"

Ông Obama: "Đã có nhiều người hỏi tôi sẽ làm gì sau khi hết nhiệm kỳ, vì tôi còn khá trẻ. Một trong những việc tôi sẽ làm là tiếp tục giúp đỡ các bạn trẻ ở Mỹ cũng như trên thế giới phát triển.

Tôi hi vọng vị tổng thống kế nhiệm sẽ tiếp tục chương trình của tôi thông qua Bộ Ngoại giao. Đây là một di sản mà tôi sẽ vô cùng tự hào khi nhìn lại nhiệm kỳ của mình sau 20 năm, nên bạn có thể yên tâm là tôi sẽ làm hết sức để duy trì nó". 

Một bạn trẻ tiếp tục đặt câu hỏi với ông Obama về vấn đề biến đổi khí hậu khi có nhiều đập thủy điện được xây trên dòng Mekong bởi nhiều quốc gia lớn nhỏ. Ông có giải pháp nào để các quốc gia ngồi lại với nhau về vấn đề này? Ông nghĩ mình và thế giới sẽ thế nào sau năm 5 nữa?

Tổng thống Obama đáp: "Vấn đề làm sao để bảo tồn nguồn nước và các đập thủy điện không phải chỉ Mekong mới có. Việc tôi đang làm là làm việc với các quốc gia bị ảnh hưởng, và cung cấp thông tin về việc họ cần làm gì. Tôi hi vọng những thông tin đó sẽ được sử dụng để cải thiện vấn đề này.

Về câu hỏi thứ 2, tôi thấy mình sẽ làm những công việc mà tôi vẫn làm từ trước đến giờ, chỉ khác là tôi không làm điều đó với tư cách một tổng thống mà thôi".

Một bạn trẻ tiếp tục nêu câu hỏi với ông Obama: "Ngài nói chỉ cần tìm thứ mà bạn đam mê. Thứ tôi đam mê là nhân sự và quản lý tài năng. Hiện này nhiều công ty quốc tế muốn thu hút nhân tài Việt Nam và chúng ta không thể trông chờ vào lòng yêu nước để giữ chân tài năng việt. Vậy chính phủ phải làm thế nào để trọng dụng nhân tài trong nước?"

Ông Obama đáp: "Tôi nghĩ bất kỳ công ty giỏi nào đều muốn làm ăn với những tài năng trẻ của VN. Nhưng kinh doanh không phải là lĩnh vực sở trường của tôi. 

Tôi nghĩ các bạn có thể áp dụng những phương thức phát hiện nhân tài như ở các nước khác, ví dụ như sử dụng những trang web như LinkedIn.

Tôi nghĩ cách tốt nhất để giữ nhân tài là tạo một nền tảng pháp luật chặt chẽ và đảm bảo các chính sách của chính phủ về thuế quan, cơ sở hạ tầng để khiến người trẻ cảm thấy đây là nơi tốt nhất dành cho họ"

Ông Obama tươi cười bước lên bục diễn thuyết - Ảnh: Reuters

Một bạn nữ đặt đưa ra tình huống hỏi ông Obama: "Nhiều công ty nước ngoài đang có nhiều cách thức để lừa người lao động ra nước ngoài, đó là nạn buôn người. Ngài thấy có thể làm thế nào để ngăn chặn tình trạng này?"

Ông Obama đáp: Vấn đề buôn người là một vấn đề lớn, kể cả ở Mỹ. Mỹ có một mạng lưới để ngăn chặn vấn nạn này, và đã bắt đầu có chuyển biến tích cực. Ngay cả trong TPP cũng có điều khoản để ngăn chặn nạn buôn người.

Một hiệp định trên giấy vẫn không đủ, theo ông Obama, cần phải có một đội ngũ nhân lực thực tế để thực hiện điều này, vì những tổ chức buôn người luôn tìm cách để lẩn tránh luật pháp.

Ảnh: THUẬN THẮNG
"Khi tôi lớn lên, tôi nhận ra rằng mình cần phải lo lắng nhiều hơn về những việc mình cần làm, về các vấn đề xã hội. Và thế là tôi trưởng thành" - ông Obama chia sẻ - Ảnh: THUẬN THẮNG

Đừng tin vụ hút bồ đà mà bạn đọc trên mạng

Mời một bạn trẻ tiếp tục đặt câu hỏi, ông Obama dí dỏm bình luận: "Tôi thích ngôi sao vàng trên áo của bạn".

Người đặt câu hỏi với tổng thống Obama giới thiệu tên Phan Gia Nhật Linh - nhà làm phim (đạo diễn phim Em là bà nội của anh).

Anh Linh hỏi: "Ngài nói khi nhỏ ngài rất ham chơi, và tôi nghe nói ngài còn hút cả bồ đà nữa. Vậy ngài đã làm thế nào để thay đổi bản thân từ một người như vậy trở thành ngài của ngày hôm nay?"

Ông Obama mỉm cười: "Bạn biết không, bạn chẳng bao giờ biết được khi nào thì con tim bạn quyết định thay đổi. Khi tôi lớn lên, tôi nhận ra rằng mình cần phải lo lắng nhiều hơn về những việc mình cần làm, về các vấn đề xã hội. Và thế là tôi trưởng thành".

Ông Obama: "Tôi nghĩ bất kỳ công ty giỏi nào đều muốn làm ăn với những tài năng trẻ của VN" - Ảnh: THUẬN THẮNG

Theo ông Obama, một trong những điều ông học được khi làm một nhà lãnh đạo là người ta dễ được truyền cảm hứng từ những câu chuyện.

"Dù bạn đam mê lĩnh vực nào, bạn cũng nên lắng nghe những câu chuyện của những người đi trước để học hỏi", ông nói.

Theo ông, câu chuyện của nước Mỹ chính là bản Tuyên ngôn 1776. Khi đó nước Mỹ vẫn chưa thành hình, và những gì được ghi trong tuyên ngôn chỉ là tầm nhìn của những nhà lập quốc khi đó. Và nó đã truyền cảm hứng cho những thế hệ sau.

Ông cũng cười lớn: "Và bạn đừng tin vào những gì bạn đọc trên mạng" (vụ hút bồ đà - NV)

Ông Obama trò chuyện  với giới trẻ bằng phong thái trẻ trung, cởi mở - Ảnh: Reuters
Ông Obama trò chuyện với giới trẻ bằng phong thái trẻ trung, cởi mở - Ảnh: Reuters

Câu hỏi sau cùng dành cho tổng thống Obama là của Rapper Suboi: "Tôi muốn biết tầm quan trọng của việc quảng bá văn hóa nước nhà đối với một quốc gia?". 

Ông Obama yêu cầu Suboi hát một câu rap bằng tiếng Việt. Rapper Suboi đã hát một câu về những người nhiều tiền nhưng không hạnh phúc.

Ông Obama tỏ ra hứng thú với phần trình diễn của Rapper Suboi. 

"Nghệ thuật rất quan trọng. Chúng là thứ truyền cảm hứng cho mọi người. Tất nhiên bạn vẫn phải lo lắng về những điều thiết thực hơn trong cuộc sống, nhưng tâm hồn bên trong cũng rất quan trọng.

Nghệ thuật dạy cho bạn không chỉ nghĩ cho bản thân, mà còn biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu nỗi đau của họ và giúp người khác hiểu nhau hơn" ông Obama đáp.

Đây cũng là câu hỏi sau cùng ông trả lời trước khi vui vẻ chào các đại biểu nhóm thủ lĩnh trẻ: "Đã đến giờ tôi phải đi rồi!".

Sau đó, ông Obama tươi cười bắt tay chào các bạn trẻ và rời đi.

Bên ngoài, nhiều người đã đứng thành hai hàng dài dọc hai bên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm từ GEM đến vòng xoay Điện Biên Phủ để tiễn ông Obama ra sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Obama bắt tay các bạn trẻ trước khi rời đi - Ảnh: Reuters
Ông Obama bắt tay các bạn trẻ trước khi rời đi - Ảnh: Reuters
Những giờ phút tiếp xúc bạn trẻ sau cùng của ông Obama trước khi ra sân bay đi Nhật - Ảnh: THUẬN THẮNG
Ông Obama bắt tay các bạn trẻ trươc khi rời GEM - Ảnh: Thuận Thắng
Ông Obama bắt tay các bạn trẻ trươc khi rời GEM - Ảnh: THUẬN THẮNG
Ông Obama phát biểu tại GEM - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trước đó, lúc 10g52: Đại sứ Mỹ Ted Osius và Tổng Lãnh sứ quán Mỹ Rena Bitter đã bước vào khán phòng tại Trung tâm hội nghị GEM. Ít phút sau đó, ngoại trưởng John Kerry cũng đến. 

Khoảng 10g10, các quan chức Việt Nam gồm Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Bùi Quang Vinh, Giám đốc sở Ngoại vụ TP.HCM đã vào chuẩn bị dự khán buổi nói chuyện. 

Cũng tại thời điểm này, đoàn xe Tổng thống Obama đang đậu trên đường Nguyễn Du, Q1 đang khởi động. Rất đông người dân đứng chờ Tổng thống Obama ở đoạn đường gần đó và ở ngã tư Nguyễn Du - Hai Bà Trưng. 

Rất đông người dân đã đứng đợi đoàn xe của ông Obama - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân chờ bên ngoài đường vào trung tâm hội nghị GEM - Ảnh: Duyên Phan
Đoàn xe tháp tùng tổng thống Obama - Ảnh: NGỌC HIỂN

Đến gần 10g sáng 25-5, khán phòng chuẩn bị cho buổi gặp mặt đã chật kín người.

Quan sát tại đây, chúng tôi cũng nhận thấy rất nhiều nhân vật nổi tiếng cũng tham dự sự kiện như: GS Thomas Vallely, giám đốc Chương trình Việt Nam học tại Đại học Harvard, ông Nguyễn Xuân Thành - giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE...

Diễn viên Lan Phương đem đến chương trình một chiếc nón vẽ hình Tổng thống. Theo Lan Phương, cô muốn tặng chiếc nón là này cho Tổng thống nhưng có lẽ vì yếu tố an ninh nên chiếc nón này sẽ khó được đến tay ông Obama.

Lan Phương cũng cho biết cô sẽ dành câu hỏi cho tổng thống Obama là làm sao ông cân bằng cuộc sống giữa gia đình và công việc?

Khán phòng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của tổng thống Obama - Ảnh: Thuận Thắng
Khán phòng chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ của tổng thống Obama - Ảnh: THUẬN THẮNG
Diễn viên Lan Phương đem đến chương trình một chiếc nón vẽ hình Tổng thống -Ảnh: Như Bình
Diễn viên Lan Phương đem đến chương trình một chiếc nón vẽ hình Tổng thống - Ảnh: NHƯ BÌNH
Các bạn trẻ dự sự kiện tại GEM háo hức chờ ông Obama - Ảnh: THUẬN THẮNG
An ninh kiểm tra túi xách của các phóng viên tham dự buổi họp - Ảnh: Như Bình
An ninh kiểm tra túi xách của các phóng viên tham dự buổi họp - Ảnh: THUẬN THẮNG

Trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tại TP.HCM, tổng thống Barack Obama dành một buổi để trò chuyện cùng khoảng 800 thủ lĩnh trẻ Việt Nam tại buổi gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) vào sáng 25-5.

Cuộc gặp gỡ được xem là cơ hội để giới trẻ VN được đối thoại trực tiếp với tổng thống Obama, dự kiến kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ, bắt đầu lúc 11g10.

Từ sáng sớm, trước sân toà nhà GEM Center, rất đông bạn trẻ đã kiên nhẫn xếp hàng chờ làm thủ tục để vào hội trường.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều bạn trẻ cho biết rất háo hức khi nhận được thư mời nghe nói chuyện cùng tổng thống.

Các thành viên tham dự buổi gặp là những gương mặt trẻ, lãnh đạo tiêu biểu cho các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp.... Đã có nhiều gương mặt trẻ VN của VN được nhận học bổng tham gia các khoá học ở Hoa Kỳ theo chương trình trên.

Được tổng thống Obama phát động vào năm 2013, YSEALI kết nối các thủ lĩnh trẻ đang lên trong độ tuổi từ 18-35 đến từ 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

YSEALI là sáng kiến của tổng thống Obama nhằm tăng cường năng lực lãnh đạo và kết nối trong ASEAN, làm sâu sắc thêm sự gắn kết với các thủ lĩnh trẻ trước các thách thức then chốt của khu vực và toàn cầu và thúc đẩy quan hệ giữa nhân dân Hoa Kỳ và các thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á.

Xếp hàng dài chờ làm thủ tục kiểm tra an ninh dự cuộc làm việc với ông Obama - Ảnh: Như Bình
Xếp hàng dài chờ làm thủ tục kiểm tra an ninh dự cuộc nói chuyện của ông Obama - Ảnh: NHƯ BÌNH
Các phóng viên đăng ký tham dự buổi gặp - Ảnh: Như Bình
Các phóng viên đăng ký tham dự buổi gặp - Ảnh: NHƯ BÌNH

Theo Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, đến nay hơn 67.000 thủ lĩnh trẻ đã đăng ký trở thành thành viên của YSEALI, trong đó có khoảng 13.000 thành viên đến từ Việt Nam. 

Các thành viên YSEALI có cơ hội tham gia vào rất nhiều các chương trình phát triển trong học tập và nghề nghiệp trong khu vực và ở Hoa Kỳ, trong đó có một số cơ hội như Quỹ YSEALI Hạt giống cho Tương lai tài trợ cho các dự án cộng đồng, chuỗi Hội thảo Thế hệ YSEALI (YSEALI Generation Workshops) cung cấp các khoá đào tạo thực hành và kết nối mạng lưới thành viên nhằm đem lại những công cụ cần thiết để thực hiện vai trò thủ lĩnh. 

Học bổng YSEALI sẽ lựa chọn các sinh viên, chuyên gia trẻ và những người hoạt động cộng đồng tích cực sang thăm Hoa Kỳ để tăng cường hiểu biết về các vấn đề khu vực và chia sẻ kinh nghiệm. 

Các chiến dịch qua mạng xã hội và hợp tác của tuổi trẻ sẽ giúp kết nối các Đại Sứ quán Hoa Kỳ, các thủ lĩnh trẻ và cộng đồng với nhau để ứng phó với những thách thức chung trong khu vực. 

Ngoài ra còn, các thành viên tham gia chương trình có một số cơ hội khác như tham gia các buổi trao đổi với diễn giả, các chương trình văn hoá nghệ thuật, tương tác với các nhà lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ. 

Hiện tại, chương trình học bổng YSEALI mùa thu 2016 dành cho thủ lĩnh trẻ với chủ đề “Thúc đẩy tinh thần công dân tích cực”, “Môi trường” và “Doanh nghiệp xã hội và phát triển kinh tế” vẫn đang tìm kiếm thành viên đăng ký học bổng. 

Công dân Việt Nam ở trong độ tuổi từ 18 đến 25, đang là sinh viên các trường đại học, hoặc đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng hoặc các cơ sở giáo dục đại học đều có thể đăng ký tham gia chương trình này.

>>Suboi - cô gái hát rap cho Tổng thống Obama nghe 

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên