Bà Hilary Clinton và thượng nghị sĩ Bernie Sanders - Ảnh: Reuters |
Trả lời phỏng vấn báo Politico, Tổng thống Obama cho rằng Thượng nghị sĩ Sanders có lợi thế là một ứng cử viên ban đầu không ai đánh giá cao, nhờ sự mới mẻ nên được nhiều người để ý tới. Trong khi đó, bà Clinton chịu gánh nặng là luôn giữ vai trò ứng cử viên số một trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trước đó người phát ngôn Nhà Trắng tuyên bố ông Obama sẽ không công khai ủng hộ ứng cử viên Dân chủ nào để tránh sự chia rẽ trong nội bộ đảng. Tuy nhiên trong cuộc phỏng vấn ông Obama đã ca ngợi bà Clinton hết lời.
"Bà ấy là người tốt, thông minh, mạnh mẽ, rất yêu đất nước. Bà ấy là người lý tưởng, tiến bộ, có thể điều hành đất nước ngay từ ngày đầu tiên nắm quyền" - ông Obama mô tả.
Giới chuyên gia chính trị Mỹ lập tức đánh giá rõ ràng ông Obama đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Chủ nghĩa tự do đối đầu thực tế
Theo New York Times, tuần trước thượng nghị sĩ Sanders trở thành ứng cử viên lớn đầu tiên của Đảng Dân chủ kể từ thập niên 1980 đề xuất tăng thuế trên diện rộng.
Ông cho rằng chính phủ phải có những hành động quyết liệt như siết chặt quản lý phố Wall và cung cấp bảo hiểm y tế toàn dân thì mới có thể sửa chữa được nền kinh tế Mỹ “bị thao túng”.
“Nước Mỹ đang bị bệnh nặng” - ông Sanders nhấn mạnh khi đi vận động tranh cử ở bang New Hampshire.
Ông kêu gọi cử tri Mỹ bỏ phiếu với tỉ lệ áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 11 tới để đưa ông vào Nhà Trắng và buộc quốc hội phải cúi đầu chấp nhận thực hiện các đề xuất ông đưa ra.
Ngược lại, cựu ngoại trưởng Clinton, một chính trị gia Dân chủ “chính thống”, đang quảng bá một kế hoạch “hợp lý và khả thi” dựa trên những di sản của Tổng thống Barack Obama trong lĩnh vực y tế, kinh tế và an ninh quốc gia.
Được đánh giá là ứng cử viên tiếp nối điển hình, bà tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri da màu, gốc Latin, phụ nữ, các công đoàn, cử tri vùng ngoại ô… và đề xuất các chính sách thân thiện với mọi gia đình và doanh nghiệp.
Giới chuyên gia nhận định ông Sanders là người theo đuổi triệt để chủ nghĩa tự do (liberalism), trong khi bà Clinton là chính trị gia tôn thờ sự thực tế. Câu hỏi được các nhà quan sát đặt ra là liệu ông Sanders có thể biến các cử tri ngả theo chủ nghĩa tự do trở thành thế lực chính trị thực sự hay không. |
Đây đều là những chiến lược đã định hình Đảng Dân chủ kể từ khi Tổng thống Bill Clinton đắc cử năm 1992.
Chủ nghĩa tự do là tư tưởng chính trị cho rằng tự do là giá trị cơ sở. Tại Mỹ, chủ nghĩa tự do ủng hộ hôn nhân đồng tính, quyền bỏ phiếu của tất cả mọi người, cơ hội giáo dục bình đẳng, y tế toàn dân… Chủ nghĩa tự do cho rằng chính phủ phải có trách nhiệm tạo phúc lợi chung…
Bài thử đầu tiên là cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Iowa ngày 1-2 tới đây. Theo các khảo sát, tỉ lệ ủng hộ của cử tri Dân chủ dành cho bà Clinton và ông Sanders tại Iowa rất sát sao. Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire ngày 9-2, ông Sanders đang có ưu thế vượt trội so với bà Clinton.
Trong thời gian qua, ông Sanders đã thu hút được một số lượng lớn cử tri Dân chủ trẻ tuổi khi chỉ trích dữ dội việc Đảng Dân chủ ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường tự do và chính sách ngoại giao mang tính chất can thiệp.
Ông Sanders tỏ rõ quyết tâm đẩy Đảng Dân chủ nghiêng hẳn về cánh tả.
NYT dẫn lời cựu thượng nghị sĩ Dân chủ John Breaux cảnh báo ông Sanders có thể sẽ thất bại tương tự như George McGovern trong cuộc bầu cử năm 1972 và Walter F. Mondale năm 1984 cũng vì quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa tự do.
Có thể thấy bà Clinton và ông Sanders là hai thái cực đối lập về tư tưởng và đường hướng tương lai của Đảng Dân chủ.
Báo New Yorker nhận định khi nhận xét về hai ứng cử viên, Tổng thống Obama cũng hàm ý rõ rằng ông Sanders là "người mơ mộng", còn bà Clinton là "người hành động".
Cả hai đều có nhiều điểm yếu
Tuy nhiên các chuyên gia nhận định ông Sanders có thể sẽ bị Đảng Cộng hòa tô vẽ thành một chính tri gia “cực tả” muốn biến Mỹ thành một nhà nước phúc lợi kiểu Bắc Âu. Và các cử tri Dân chủ “ôn hòa” có thể sẽ không ủng hộ ông vì điều đó.
“Ông Sanders đang cố gắng quá sức. Nhiều người dân Mỹ không thích viễn cảnh chính quyền liên bang điều hành chương trình bảo hiểm y tế toàn dân” - giáo sư Drew Westen thuộc ĐH Emory nhận định.
Điểm yếu nữa của ông Sanders là ông không có kinh nghiệm đối ngoại trong thời điểm thế giới có nhiều biến động.
Ông cũng nhiều lần tỏ dấu hiệu không muốn can thiệp vào các cuộc xung đột và tranh chấp ở nước ngoài. Do đó nhiều người lo ngại nếu trở thành tổng thống, ông Sanders sẽ chỉ tập trung vào nền kinh tế, khiến Mỹ đánh mất vị thế lãnh đạo trên trường quốc tế.
Trong khi đó, bà Clinton ủng hộ nhiều chính sách của chồng bà và ông Obama. Bà nỗ lực xây dựng lực lượng cũ đã đưa họ tới Nhà Trắng. Bà cũng hi vọng rằng viễn cảnh nước Mỹ lần đầu có một nữ tổng thống sẽ khuyến khích nhiều nữ cử tri đi bỏ phiếu.
Dù vậy các nhà quan sát đánh giá bà Clinton cũng có nhiều điểm yếu. Đó là nhiều cử tri trẻ, thiên tả đánh giá quan điểm của bà là quá trung dung.
“Nhiều cử tri không tin rằng bà Clinton là người ủng hộ phong trào tiến bộ cấp cơ sở. Các thông điệp của bà ấy thời gian qua càng làm người ta tin vào điều đó” - sử gia Douglas Brinkley của ĐH Rice cho biết.
Một phần sức hút của ông Sanders đến từ việc ông liên tục lên án sự bất bình đẳng và sự thao túng của Phố Wall. Trong khi đó bà Clinton mới nhắc đến các vấn đề này thời gian gần đây. Mức lương thấp và các gánh nặng tài chính đè lên vai người dân Mỹ chính là cơ hội để ông Sanders trở thành ứng cử viên tổng thống sáng giá.
Cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa và New Hampshire đầu tháng 2 sẽ là sự đánh giá đầu tiên của giới cử tri Dân chủ về hai ứng cử viên có nhiều điểm mạnh nhưng cũng không ít điểm yếu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận