Nữ tổng thống đầu tiên
Đằng sau vẻ ngoài lạnh lùng và hình ảnh "Bà đầm thép" châu Á là những mối quan hệ độc hại, những quyết định sai lầm và di sản chính trị đầy tranh cãi đẩy bà từ đỉnh cao quyền lực xuống song sắt nhà tù.
Buổi sáng u ám tháng 11-1979, một cô gái 27 tuổi trong bộ đồ đen rời Nhà Xanh sau khi thắp hương tiễn biệt người cha vừa bị ám sát bởi chính người bạn thân, cũng là giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc. Nhiều người đã nghĩ đó là lần cuối bà Park Geun Hye bước chân vào dinh tổng thống.
Bi kịch ập đến bà Park năm 1974 khi mẹ bà chết trong vụ mưu sát vốn nhằm vào ông Park Chung Hee.
Tuổi 22, bà đột ngột phải đảm nhận vai trò đệ nhất phu nhân trong năm năm tiếp theo cho đến khi cha bà cũng bị ám sát.
Sau khi rời chính trường trong gần 20 năm, bà Park quay lại năm 1998 với tư cách ứng cử viên Đảng Quốc Đại (Grand National Party - GNP) và đắc cử ghế nghị sĩ tại quê nhà Daegu.
Bà nhanh chóng nổi lên như lãnh đạo xuất chúng khi giúp Đảng GNP vượt khủng hoảng và giành được 121 ghế trong bầu cử quốc hội năm 2004, chỉ kém Đảng Uri 141 ghế.
Thành tích này giúp bà được mệnh danh "Joan of Arc Hàn Quốc". Joan of Arc (hay Jeanne d'Arc) là nữ anh hùng Pháp thế kỷ 15 đã giúp đất nước đòi lại những vùng đất quân Anh chiếm đóng.
Năm 2006, trong sự kiện vận động tranh cử với tư cách chủ tịch Đảng GNP tại Seoul, bà bị tấn công bằng dao, bị thương ở mặt với vết cắt dài 11cm phải cần đến 60 mũi khâu. Nhưng điều này không ngăn được bước tiến của bà trong chính trường.
Năm 2012, bà Park làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống thứ 18 và là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, đánh bại đối thủ Moon Jae In trong cuộc đua sát nút. Chiến thắng mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự trở lại của bà về Nhà Xanh.
"Bà đầm thép" thúc đẩy sức mạnh mềm
Là nữ tổng thống đầu tiên, bà Park đã để lại những dấu ấn đáng kể trong việc phát triển sức mạnh mềm Hàn Quốc, đặc biệt lĩnh vực văn hóa và du lịch. Dưới thời bà, "làn sóng Hallyu" tiến vượt bậc, góp phần đưa văn hóa đại chúng Hàn Quốc vươn xa hơn trên trường quốc tế.
Hallyu (Làn sóng Hàn Quốc hay Korean Wave) là thuật ngữ chỉ sự lan tỏa văn hóa đại chúng Hàn Quốc ra thế giới, bao gồm các sản phẩm phim truyền hình (K-drama), nhạc pop (K-pop), thời trang, văn học và các giá trị văn hóa truyền thống Hàn Quốc.
Theo Korea Times, nhận thức tầm quan trọng của văn hóa trong chiến lược phát triển quốc gia, một trong những cam kết đầu tiên của bà Park là tăng đáng kể ngân sách cho lĩnh vực này. Dưới thời bà Park, "làn sóng Hallyu" trở thành động lực kinh tế mạnh mẽ.
Giá trị kinh tế của các sản phẩm liên quan đến Hallyu, bao gồm phim truyền hình và nhạc pop, đạt khoảng 12 nghìn tỉ won (10,44 tỉ USD).
Ngoài ra, không chỉ dựa vào K-pop, chính quyền bà Park đã theo đuổi chiến lược đa dạng hóa Hallyu, mở rộng sang các lĩnh vực như thời trang, văn học và các giá trị văn hóa truyền thống để các lĩnh vực vốn ít được biết đến hơn này cũng có cơ hội lan tỏa ra ngoài biên giới.
Trong du lịch, những con số thống kê tờ Korea Times dẫn lại cho thấy bước tiến vượt bậc. Lần đầu trong lịch sử, số lượng khách nước ngoài đến Hàn Quốc vượt mốc 10 triệu lượt vào tháng 11-2012.
Con số này càng ấn tượng hơn khi nhìn lại chặng đường phát triển từ mốc 1 triệu khách năm 1978, tăng lên 5 triệu năm 2000 và 7 triệu năm 2010. Với đà tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong suốt 33 năm và khoảng 11,2 triệu du khách vào cuối năm 2012, Hàn Quốc sẵn sàng trở thành điểm đến du lịch lớn thứ 20 thế giới từ thời điểm đó.
Tuy nhiên những thành tựu này cuối cùng vẫn bị lu mờ bởi xì căng đan chính trị lớn nhất lịch sử hiện đại Hàn Quốc, dẫn đến sự sụp đổ chính quyền Park Geun Hye.
Lời nguyền Nhà Xanh
Ngay từ khi bước vào Nhà Xanh, bà đã phải đối mặt thách thức kép: vừa phải chứng minh năng lực lãnh đạo của mình vừa phải xử lý khéo léo di sản gây tranh cãi của cha.
Trong bài viết trên Korea JoongAng Daily, ký giả Ko Jung Ae nhận định: "Bà Park được bầu bởi những người hoài niệm về cha bà, ông Park Chung Hee - nhà độc tài đã lãnh đạo đất nước bằng bàn tay sắt trong 18 năm và phe bảo thủ. Bà là tổng thống của một nửa đất nước".
Phong cách lãnh đạo cô độc và thiếu minh bạch của bà Park sớm gây những lo ngại. Tờ Korea Times nhận xét: "Bà giỏi nói chuyện với dân theo kiểu vận động tranh cử nhưng thật đáng nghi ngờ liệu các cố vấn của bà có cảm thấy thoải mái khi không đồng ý với bà và đề xuất những ý tưởng khác với bà hay không. Là con người của nguyên tắc, bà muốn giữ lời".
Tuy nhiên điều đáng chú ý nhất là mối quan hệ của bà Park với người bạn thân Choi Soon Sil, mối quan hệ sau này được chứng minh là nguyên nhân sụp đổ của bà.
Mối quan hệ bắt đầu bị phơi bày trước ánh sáng công luận tháng 7-2016, khi kênh truyền hình cáp TV Chosun đưa tin Văn phòng tổng thống ép buộc các tập đoàn đóng góp gần 80 tỉ won (60,8 triệu USD) cho Quỹ Mir, một tổ chức phi lợi nhuận mới thành lập, nhằm quảng bá văn hóa Hàn Quốc ra thế giới.
Tháng 10-2016, xì căng đan bùng nổ khi kênh truyền hình cáp JTBC công bố tìm thấy các bản nháp bài phát biểu của tổng thống trong máy tính bảng của bà Choi. Báo cáo còn cho biết bà Choi cũng có quyền truy cập tài liệu mật về an ninh quốc gia và ngoại giao. Đây là sự kiện quyết định chứng minh mối quan hệ đặc biệt bất thường giữa hai người phụ nữ.
Ngày 25-10, bà Park phải xin lỗi công khai và thừa nhận mối quan hệ với Choi dù ban đầu bà từng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến bà bạn này.
Bà nói rằng bà chỉ đơn thuần tìm lời khuyên từ người bạn lâu năm về các bài phát biểu và vấn đề quan hệ công chúng. Nhưng lời xin lỗi quá muộn màng. Ngày 29-10-2016, cuộc biểu tình phản đối tổng thống đầu tiên nổ ra tại trung tâm Seoul.
Theo Korea Times, đến ngày 3-12 hơn 2 triệu người đã xuống đường khắp đất nước trong tuần biểu tình thứ sáu liên tiếp. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử Hàn Quốc.
Các công tố viên xác định bà Park là đồng phạm trong tám cáo buộc gồm lạm quyền, cưỡng ép và rò rỉ bí mật quốc gia. Cuộc điều tra độc lập xác nhận các cáo buộc và bổ sung thêm cáo buộc hối lộ. Tổng cộng bà Park phải đối mặt 13 cáo buộc.
Tháng 12-2016, Quốc hội Hàn Quốc thông qua việc luận tội. Tháng 3-2017, Tòa án Hiến pháp phê chuẩn việc phế truất, khiến bà Park mất quyền miễn trừ tổng thống vốn sẽ bảo vệ bà khỏi bị truy tố hình sự. Năm 2018, bà bị kết án 24 năm tù và phạt 18 tỉ won (13,68 triệu USD).
Tòa tuyên bà Park có tội trong 16 trên 18 cáo buộc, gồm tội hối lộ, lạm dụng quyền lực và cưỡng ép. Đến năm 2021, Tòa tối cao giữ nguyên bản án 20 năm tù, khép lại một trong những vụ bê bối chính trị lớn nhất đất nước.
Đáng chú ý, theo Korea Times, đây là lần thứ hai lịch sử Hàn Quốc có hai cựu tổng thống bị ngồi tù cùng thời điểm sau khi người tiền nhiệm của bà, ông Lee Myung Bak, cũng bị giam đầu tháng 11-2020 với bản án 17 năm tù vì tội tham ô và hối lộ.
Tự truyện Park Geun Hye và đồn đoán sự trở lại
Sau khi được ân xá năm 2021, bà Park hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Tuy nhiên tháng 2 năm nay, bà đã xuất hiện trong sự kiện ra mắt cuốn tự truyện tại một khách sạn ở TP Daegu, quê hương bà, nơi bà vẫn còn nhận được sự ủng hộ đáng kể dù đã bị luận tội và kết án.
Mặc dù đây chỉ là sự kiện quảng bá sách, giới quan sát cho rằng nó có ý nghĩa chính trị đặc biệt. Với tư cách là con gái cựu Tổng thống Park Chung Hee và từng được mệnh danh là "nữ hoàng bầu cử", bà Park vẫn có ảnh hưởng đáng kể trong giới cử tri bảo thủ.
Gần đây bà còn công khai ủng hộ luật sư Yu Young Ha, một người thân tín của mình, trong cuộc bầu cử quốc hội tại Daegu, điều này càng làm dấy lên đồn đoán về khả năng bà muốn gây ảnh hưởng trở lại chính trường Hàn Quốc.
------------------
Kỳ tới: Yoon Suk Yeol - từ người truy tố tới người bị truy tố
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận