13/12/2024 12:00 GMT+7

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 5: Chun Doo Hwan - một tổng thống nữa từ đảo chính

Mặc dù được coi là nhà lãnh đạo bẩm sinh, đầy tài năng và đã góp phần đưa Hàn Quốc thập niên 1980 tiến lên thịnh vượng và dần đi đến dân chủ, nhưng ông Chun Doo Hwan cuối cùng vẫn bị lịch sử ghi nhớ như một vị lãnh đạo thiếu tính chính danh.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 5: Chun Doo Hwan - một tổng thống nữa từ đảo chính - Ảnh 1.

Cựu Tổng thống Chun Doo Hwan tại Tòa án quận Gwangju năm 2019 trong phiên xét xử liên quan đến cáo buộc phỉ báng linh mục Cho Bi Oh, một nhà hoạt động dân chủ quá cố - Ảnh: Korea Times

Trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc, những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 là thời kỳ hỗn loạn và biến động chính trị sâu sắc.

Đảo chính giành quyền lực

Sau khi Tổng thống Park Chung Hee bị ám sát năm 1979, người kế nhiệm tạm thời là ông Choi Kyu Hah không đủ tầm vóc và thực quyền để định hướng đất nước ra khỏi vòng xoáy bất ổn.

Trong bối cảnh đó, Chun Doo Hwan (Toàn Đẩu Hoán) - một vị tướng xuất thân nghèo khó nhưng lại được đào tạo bài bản trong quân đội, đã cầm đầu một nhóm tướng lĩnh quân đội tiến hành đảo chính và trở thành tổng thống Hàn Quốc từ năm 1980 đến 1988.

Khi nhắc đến sự trỗi dậy của tướng Chun Doo Hwan, không thể không nhắc bối cảnh lịch sử sau vụ ám sát Tổng thống Park Chung Hee (1979). Lúc bấy giờ, quyền lực chính thức nằm trong tay Thủ tướng Choi Kyu Hah, nhưng ông Choi quá yếu, thiếu nền tảng chính trị vững chắc để dẫn dắt đất nước vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Theo nhiều tài liệu được tờ Korea Times trích dẫn, sau vụ ám sát ông Park, quyền lực thực tế rơi vào tay Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh thiết quân luật Chung Seung Hwa (còn gọi là Jeong Seung Hwa). Tuy nhiên thời điểm đó tướng Chun Doo Hwa là chỉ huy Bộ Tư lệnh an ninh quốc phòng (DSC), đã nổi lên như một nhân vật quan trọng.

Vào đêm 12-12-1979, ông cùng các sĩ quan đồng môn tại Học viện Quân sự Hàn Quốc thực hiện cuộc "binh biến". Kết quả Chung Seung Hwa bị bắt giữ và quyền kiểm soát quân đội vào tay tướng Chun cùng nhóm đồng sự.

Việc kiểm soát toàn bộ quân đội đã mở đường cho tướng Chun Doo Hwan khẳng định dấu ấn quyền lực chính trường Hàn Quốc. Vào mùa xuân năm 1980, bối cảnh chính trị Seoul trở nên sôi động với sự bùng nổ các phong trào dân chủ.

Tuy nhiên ông Chun xem đây là mầm mống "rối loạn nội bộ" và nhanh chóng củng cố quyền lực bằng cách tự phong làm người đứng đầu KCIA (Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc) vào tháng 4-1980.

Đến tháng 5-1980, trước làn sóng biểu tình của sinh viên yêu cầu chấm dứt thiết quân luật, ông Chun đã sử dụng biện pháp đàn áp cứng rắn, cấm hoạt động chính trị, đóng cửa các trường đại học, kiểm duyệt báo chí và bắt giữ, tống giam các thủ lĩnh phong trào dân chủ.

Sự kiện đau thương nhất xảy ra trong quá trình củng cố quyền lực của ông Chun là vụ thảm sát Gwangju (tháng 5-1980).

Để dập tắt các phong trào phản kháng, quân đội đã triển khai lực lượng đặc nhiệm sử dụng các biện pháp đàn áp cực kỳ tàn bạo, bao gồm đánh đập, sử dụng lưỡi lê và súng phun lửa nhắm vào thường dân.

Theo các tư liệu của Korea Times, vụ thảm sát Gwangju đã khiến ít nhất 200 người thiệt mạng và hơn 1.800 người bị thương. Quân đội còn bị cáo buộc sử dụng trực thăng để bắn vào dân thường.

Về mặt chính danh, ông Chun ban hành Hiến pháp mới năm 1980, sắp đặt cuộc bầu cử giả tạo thông qua Hội nghị thống nhất quốc gia - một hình thức "cử tri đoàn" bị thao túng. Ông trở thành tổng thống vào tháng 9-1980, chính thức hóa chế độ độc tài quân sự, lấy an ninh và trật tự làm lý do để duy trì quyền lực.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 5: Chun Doo Hwan - một tổng thống nữa từ đảo chính - Ảnh 2.

Các phóng viên và người dân giẫm lên bức chân dung của cựu tổng thống Chun Doo Hwan bên ngoài Tòa án quận Gwangju ngày 11-3-2019 - Ảnh: Shim Hyun-chul/Korea Times

Lãnh đạo với "bàn tay sắt"

Mặc dù bị gắn nhãn độc tài nhưng thời kỳ nắm quyền của ông Chun Doo Hwan cũng chứng kiến sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế đáng kể của Hàn Quốc. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn đầu thập niên 1980, quốc gia này vẫn duy trì đà công nghiệp hóa và xuất khẩu tích cực.

Theo tư liệu tờ Korea Hereald, dưới thời ông Chun Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tỉ lệ thất nghiệp thấp, đời sống người dân cải thiện. Nền kinh tế đất nước tăng trưởng trung bình 12,1% giai đoạn 1986-1988.

Bên cạnh kinh tế, ông Chun cũng thúc đẩy một số cải cách xã hội như bãi bỏ lệnh giới nghiêm dài 37 năm, nới lỏng quy định đồng phục học sinh, đầu tóc và mở cửa hơn cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 5: Chun Doo Hwan - một tổng thống nữa từ đảo chính - Ảnh 3.

Ấn bản ngày 27-2-1996 của báo The Korea Herald đăng tải câu chuyện trang nhất và một bức ảnh về phiên tòa xét xử cựu Tổng thống Chun Doo Hwan - Ảnh: The Korea Herald

Năm 1981, Hàn Quốc giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa hè Seoul 1988, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, biểu tượng cho sự vươn lên về kinh tế và bước đầu khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Về đối ngoại, ông Chun củng cố quan hệ với Mỹ, đồng minh then chốt trong bối cảnh Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên nhiệm kỳ của ông cũng gặp phải những sự cố nghiêm trọng.

Theo Korea Times, vào năm 1983 chuyến công du đến Rangoon (Myanmar) của ông Chun suýt thành thảm kịch khi biệt kích Triều Tiên thực hiện vụ đánh bom ám sát khiến 17 quan chức Hàn Quốc thiệt mạng. Ông Chun may mắn thoát nạn vì đến muộn vài phút.

Tuy nhiên, bất chấp những cải thiện kinh tế, chính sách đàn áp của ông Chun cũng đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ từ sinh viên, trí thức và các tầng lớp nhân dân. Các phong trào dân chủ, nhất là sau sự kiện Gwangju, không dừng lại.

Đến giữa thập niên 1980, tình hình chính trị trong nước trở nên căng thẳng với các cuộc biểu tình lớn đòi hỏi bầu cử tổng thống trực tiếp. Mặc dù nắm trong tay quyền lực cứng, ông Chun cũng nhận thức rằng không thể duy trì quyền lực mãi bằng đàn áp.

Năm 1987, trước sức ép từ "Phong trào Dân chủ tháng 6" (hay Khởi nghĩa tháng 6), ông buộc phải đồng ý cải cách hiến pháp, mở đường cho việc bầu cử tổng thống trực tiếp.

Việc ông Chun đề cử ông Roh Tae Woo - người bạn thân tín, cùng tham gia đảo chính - làm ứng viên tổng thống của đảng cầm quyền đánh dấu sự chuyển giao quyền lực trong nội bộ chế độ quân sự.

Mặc dù phe đối lập không thể thống nhất ứng cử viên chung, tạo điều kiện cho ông Roh giành chiến thắng, việc cho phép bầu cử trực tiếp vẫn là một bước ngoặt lịch sử. Sự kiện này đánh dấu sự suy yếu của chế độ cai trị bằng "bàn tay sắt" và mở ra cánh cửa cho nền dân chủ non trẻ tại Hàn Quốc.

"Vết sẹo" Gwangju

Sau khi rời nhiệm sở năm 1988, ông Chun Doo Hwan nhanh chóng đối mặt với sự trừng phạt của pháp luật và phán xét của lịch sử. Ông bị cáo buộc hàng loạt tội danh, bao gồm tham nhũng, nhận hối lộ, trách nhiệm trong vụ thảm sát Gwangju và tội phản quốc liên quan đến đảo chính.

Việc xét xử và kết án ông Chun là bước ngoặt quan trọng, khẳng định sự trưởng thành của nền dân chủ Hàn Quốc. Dù vấp phải những tranh cãi, việc đưa một cựu tổng thống ra tòa vì tội phản quốc, tham nhũng và vi phạm nhân quyền cho thấy xã hội Hàn Quốc không khoan nhượng với lạm dụng quyền lực chính trị.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 5: Chun Doo Hwan - một tổng thống nữa từ đảo chính - Ảnh 4.

Hai cựu tổng thống và cũng là những người bạn lâu năm, Roh Tae Woo (trái) và Chun Doo Hwan, đứng cạnh nhau tại phiên tòa ở Tòa án quận Seoul trong bức ảnh tư liệu không ghi ngày - Ảnh: The Korea Herald

Tuy nhiên có những vết thương chưa lành: ông Chun chưa từng chân thành xin lỗi các nạn nhân trong vụ Gwangju. Ông liên tục phủ nhận cáo buộc quân đội bắn từ trực thăng, gọi các nhân chứng là "quỷ Satan đeo mặt nạ" và đổ lỗi cho sự can thiệp vô hình "Bắc Triều Tiên".

Đến cuối đời, ông Chun vẫn không hối hận. Ông mang trong mình căn bệnh ung thư máu và qua đời năm 2021 ở tuổi 90 mà vẫn không có một lời xin lỗi chính thức. Mặc dù vậy việc ông bị kết án, bị tịch thu tài sản, bị từ chối an táng tại nghĩa trang quốc gia và bị xã hội lên án đã cho thấy sự phán xét nghiêm khắc của lịch sử.

Quan trọng hơn, nền dân chủ Hàn Quốc, dù đến muộn, đã giành chiến thắng. Cách xã hội Hàn Quốc xử lý trường hợp ông Chun Doo Hwan phản ánh sự trưởng thành của một quốc gia hiện đại: dũng cảm đối diện quá khứ, trừng phạt những kẻ gây tội nhưng đồng thời để ngỏ cánh cửa hòa giải dân tộc, vì mục tiêu ổn định và phát triển lâu dài.

Trong phiên tòa lịch sử năm 1996, ông Chun Doo Hwan bị kết án tử hình, sau đó được giảm xuống chung thân và được ân xá vào năm 1997.

Quyết định ân xá đến từ Tổng thống Kim Young Sam, với sự kêu gọi hòa giải dân tộc từ Tổng thống đắc cử Kim Dae Jung khi đó, người từng là nạn nhân bị ông Chun kết tội.

Tờ Korea Times nhận định đây là một sự kiện đặc biệt khi chính ông Kim Dae Jung - từng đối lập gay gắt với ông Chun - lại là người đề xuất khoan hồng, thể hiện tinh thần hòa hợp dân tộc.

*********

Kỳ tới: Roh Tae Woo - gạch nối sang nền dân chủ

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 5: Chun Doo Hwan - một tổng thống nữa từ đảo chính - Ảnh 3.Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 4: Choi Kyu Hah - tổng thống tại nhiệm ngắn nhất

Đêm 3-12 vừa rồi, khi Tổng thống Yoon Suk Yeol (Doãn Tích Duyệt) đột ngột ban bố thiết quân luật, rất nhiều người dân Hàn Quốc đã giật mình lo sợ, lập tức nhớ lại tình huống tương tự đã xảy ra vào năm 1979.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên