11/12/2024 13:31 GMT+7

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 3: Tổng thống Park Chung Hee và 'kỳ tích sông Hàn'

Dưới thời Tổng thống Park Chung Hee (Phác Chính Hy), Hàn Quốc chứng kiến quá trình chuyển mình ngoạn mục, từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một 'con hổ châu Á' với 'kỳ tích sông Hàn' - giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần tốc.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 3: Tổng thống Park Chung Hee và 'kỳ tích sông Hàn' - Ảnh 1.

Ấn bản ngày 17-5-1961 tờ The Korean Republic đăng những câu chuyện liên quan cuộc đảo chính quân sự do tướng Park Chung Hee lãnh đạo - Ảnh: The Korea Herald

Tổng thống lên nắm quyền sau đảo chính

Hàn Quốc sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) là đất nước tan hoang, nghèo đói và bất ổn. Những năm 1950 và đầu 1960, kinh tế đất nước ở mức cực kỳ nghèo nàn, xã hội rối ren, người dân sống cảnh thiếu thốn triền miên. 

Khi chính phủ dân sự chưa kịp ổn định, giữa bối cảnh chính trị dao động, sự phân hóa nội bộ và thất bại trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, một nhân vật đã xuất hiện. Ông là Park Chung Hee, vị tướng sau này trở thành tổng thống với sự kiện đảo chính năm 1961, người sau gần hai thập kỷ nắm quyền (1961-1979) đã khắc sâu dấu ấn lịch sử Hàn Quốc.

Trước khi ông Park Chung Hee lên nắm quyền, Hàn Quốc đang trong tình trạng hỗn loạn chính trị. Sau khi Tổng thống Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) từ chức năm 1960 do áp lực từ phong trào sinh viên và xã hội, nền chính trị chuyển sang mô hình nghị viện do Thủ tướng Chang Myun lãnh đạo. 

Tuy nhiên, chính quyền này yếu ớt, không tạo được sự ổn định. Biểu tình nổ ra liên tục, kinh tế không khởi sắc. Trong bối cảnh đó, ngày 16-5-1961, tướng Park Chung Hee và các sĩ quan quân đội tiến hành đảo chính quân sự. 

Tờ Korean Republic (tiền thân báo Korea Herald hiện nay) ngày sau đó đưa tin như thể tướng Chang Do Yung mới là người lãnh đạo, nhưng tài liệu sau này cho thấy ông Park mới chính là kiến trúc sư thực sự của vụ việc.

Năm 1963, ông Park hợp thức hóa quyền lực qua cuộc bầu cử tổng thống với kết quả sít sao. Tư liệu tờ Korea Herald cho biết ông thắng với chênh lệch chỉ khoảng 1,55%, trở thành tổng thống chính thức. 

Mặc dù tuyên bố hướng đến "dân chủ", ông vẫn tiếp tục củng cố quyền lực bằng các biện pháp mạnh. Ông ban hành hiến pháp Yushin năm 1972 cho phép tổng thống tái cử vô hạn định, kiểm soát 1/3 quốc hội, bãi bỏ bầu cử trực tiếp. Những năm sau đó, bất cứ ý kiến đối lập, cuộc biểu tình hay phản kháng nào cũng đều bị dập tắt.

Để duy trì quyền lực, ông Park dựa nhiều vào Cơ quan Tình báo trung ương Hàn Quốc (KCIA) nhằm kiểm soát xã hội. Bất kỳ sự phản kháng, biểu tình, chỉ trích chế độ đều bị đàn áp, bắt giam, tra tấn. Việc hạn chế văn hóa, kiểm soát ăn mặc, thậm chí cấm đàn ông để tóc dài, phụ nữ mặc váy ngắn trong thập niên 1970 minh chứng cho sự can thiệp sâu vào đời sống cá nhân, theo tờ Korea Times.

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 3: Tổng thống Park Chung Hee và 'kỳ tích sông Hàn' - Ảnh 2.

Park Chung Hee (giữa, đeo kính râm) thăm Tổng thống Mỹ John F. Kennedy tại Washington, D.C., ngày 14-11-1961 - Ảnh: JFK Library/Korea Times

Kỳ tích sông Hàn

Dưới sự lãnh đạo cứng rắn và độc đoán của Tổng thống Park Chung Hee, Hàn Quốc đã đạt được bước tiến kinh tế vượt bậc, khiến tên tuổi ông gắn liền một trong những giai đoạn phát triển ấn tượng nhất lịch sử quốc gia này. 

Với mục tiêu thoát nghèo, xây dựng nền công nghiệp hóa hiện đại và giảm sự phụ thuộc Mỹ, ông Park tập trung chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu.

Các ngành công nghiệp nặng như thép, hóa chất và đóng tàu được ưu tiên phát triển, cùng với các dự án hạ tầng lớn như tuyến cao tốc Seoul - Busan, tạo nền tảng vững chắc cho sự chuyển mình kinh tế.

Theo Korea Herald, tổng sản phẩm trong nước (GDP) đầu người đã tăng từ 82 USD vào năm 1961 lên 1.638 USD vào năm 1979; xuất khẩu cũng bứt phá từ 40 triệu USD lên 15 tỉ USD trong cùng giai đoạn. Tăng trưởng kinh tế thường niên đạt khoảng 8-10% trong những năm 1960-1970, một thành tựu được gọi là "kỳ tích sông Hàn".

Chính quyền ông Park cũng khởi xướng các chương trình cải cách mạnh mẽ trong nước, tiêu biểu là Phong trào Nông thôn mới (còn được gọi là Phong trào Cộng đồng mới, Phong trào Làng mới, Phong trào Saemaul) vào những năm 1970. 

Chương trình này tập trung cải thiện đời sống nông thôn bằng cách hỗ trợ vật liệu và nguồn lực cho những làng có kết quả phát triển tốt, đồng thời cắt viện trợ với các làng không đạt yêu cầu. Phong trào này được ca ngợi là một "thí nghiệm phát triển kinh tế có kiểm soát", tạo ra động lực cạnh tranh và khuyến khích sự tự lực trong các cộng đồng nông thôn. 

Đây được xem như một phần quan trọng trong chiến lược của ông Park nhằm hiện đại hóa đất nước từ gốc rễ, đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa đô thị và nông thôn.

Dưới thời Park Chung Hee, Hàn Quốc không chỉ tập trung phát triển kinh tế nội địa mà còn thúc đẩy các chính sách đối ngoại nhằm tạo nguồn lực tài chính cho quá trình công nghiệp hóa. 

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 3: Tổng thống Park Chung Hee và 'kỳ tích sông Hàn' - Ảnh 3.

Tổng thống Yoon Suk Yeol đến viếng Tổng thống Park Chung Hee tại quê hương của ông ở Gumi, tỉnh Bắc Kyungsang, ngày 1-2 - Ảnh: Yonhap/Korea Times

Một trong những bước đi gây tranh cãi nhất là Hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào tháng 6-1965. Thỏa thuận này mang về cho Hàn Quốc 500 triệu USD dưới dạng viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi - một nguồn vốn quan trọng để tái thiết kinh tế. 

Tuy nhiên, quyết định này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân do ký ức đau thương thời kỳ Nhật đô hộ. Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra khắp nơi, phản ánh sự phẫn nộ của công chúng trước sự nhượng bộ lịch sử đổi lấy lợi ích kinh tế.

Đối với ông Park, phát triển kinh tế không chỉ là mục tiêu tăng trưởng mà còn là lá chắn quan trọng để bảo vệ quốc gia trước mối đe dọa từ Triều Tiên và thoát khỏi sự lệ thuộc vào viện trợ Mỹ. Di sản này, dù gây nhiều tranh cãi, đã đặt nền móng cho Hàn Quốc trở thành một trong những cường quốc kinh tế châu Á.

Kết thúc trong bi kịch và di sản để lại

Mặc dù kinh tế tăng trưởng ngoạn mục, song nhiều giá trị tự do và quyền con người lại bị xem nhẹ ở ông Park, thậm chí bị hạn chế nghiêm trọng. Báo chí bị kìm kẹp, phong trào sinh viên bị đàn áp, và sự phản kháng trong giới trí thức, thanh niên cũng diễn ra.

Đến cuối thập niên 1970, áp lực đối với chính quyền của ông Park gia tăng mạnh mẽ. Sự bất mãn trong dân chúng bùng phát thành các cuộc biểu tình lớn, trong khi niềm tin vào chính quyền suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt sau khi ông thẳng tay đàn áp các nhân vật đối lập, tiêu biểu là Kim Young Sam (tức Kim Vịnh Tam, người sau này trở thành tổng thống thứ 7 của Hàn Quốc, nhiệm kỳ 1993-1998).

Đỉnh điểm căng thẳng là bữa tối định mệnh ngày 26-10-1979. Tờ Korea Times thuật lại: hôm đó Tổng thống Park Chung Hee dùng bữa cùng Giám đốc KCIA Kim Jae Kyu và một số cộng sự thân cận trong khuôn viên Nhà Xanh. Tại đây, do mâu thuẫn và căng thẳng về việc xử lý biểu tình, ông Kim đã rút súng bắn chết ông Park ngay tại bàn tiệc.

Theo lời khai sau này, vụ ám sát bắt nguồn từ mâu thuẫn nội bộ. Ông Park chỉ trích công tác an ninh, trong khi ông Kim bất mãn với sự lộng quyền của Cha Ji Chul, vệ sĩ trưởng kiêm cố vấn thân cận nhất của ông Park.

Vụ việc xảy ra bất ngờ khiến hệ thống quyền lực rung chuyển và Hàn Quốc rơi vào khủng hoảng chính trị chỉ trong vài giờ. Khoảng 2 triệu người đã dự lễ tang ông Park trong bầu không khí vừa tiếc thương vừa hoang mang về tương lai đất nước. 

Vụ ám sát không chỉ đánh dấu sự kết thúc của một chế độ độc tài mà còn mở ra một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Hàn Quốc. Ngay sau đó, Hàn Quốc tiếp tục chuỗi xáo trộn chính trị, dẫn đến sự chuyển giao quyền lực ngắn ngủi của Tổng thống Choi Kyu Hah (giai đoạn 1979-1980) rồi sau này là Chun Doo Hwan (1980-1988). Quỹ đạo dân chủ hóa Hàn Quốc thực sự chỉ bắt đầu sau năm 1987.

Di sản của ông Park Chung Hee để lại là một chủ đề đầy phức tạp và gây tranh cãi. Theo tờ Korea Herald, nhiều người lớn tuổi, từng trải qua giai đoạn khó khăn của đất nước, vẫn bày tỏ lòng biết ơn đối với ông vì đã giúp Hàn Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói. Một số khảo sát hiện đại cũng cho thấy ông vẫn được một bộ phận dân chúng, đặc biệt là những người theo xu hướng bảo thủ và lớn tuổi, đánh giá là một trong những tổng thống "tốt nhất".

Trong khi một số người ca ngợi ông là "nhà lãnh đạo vĩ đại", không ít người lại xem ông là "nhà độc tài". Mặc dù phong trào dân chủ Hàn Quốc nhìn về ông như biểu tượng của chủ nghĩa độc tài cần vượt qua, nhưng họ cũng không thể xóa bỏ dấu ấn ông đã để lại: nền tảng công nghiệp hóa, tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng hiện đại và một xã hội Hàn Quốc tiến sát tiêu chuẩn các nước phát triển. "Kỳ tích sông Hàn" không chỉ là một bước nhảy ngoạn mục mà còn trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia đang phát triển noi theo.

Vụ ám sát năm 1979 đã khép lại giai đoạn cầm quyền khắc nghiệt của ông, nhưng cũng để lại câu hỏi lớn: Liệu Hàn Quốc có thể đạt được những thành tựu kinh tế tương tự trong một môi trường dân chủ và tự do hơn? Đến nay, câu trả lời vẫn là một ẩn số.

**************

>> Kỳ tới: Choi Kyu Hah - tổng thống tại nhiệm ngắn nhất

Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 3: Tổng thống Park Chung Hee và 'kỳ tích sông Hàn' - Ảnh 3.Tổng thống - nghề nguy hiểm ở Hàn Quốc - Kỳ 1: Ông Syngman Rhee và bài học xa dân

Sau Thế chiến II đến nay, Hàn Quốc đã 13 đời tổng thống và nhiệm kỳ nào cũng có vấn đề. Trong năm người đầu tiên, một người phải từ chức và chạy trốn ra nước ngoài, hai người bị lật đổ bởi đảo chính quân sự và một người bị chính bạn thân ám sát.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên