Ông nắm quyền sau khi Tổng thống Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) từ chức trong bối cảnh dân chúng bất mãn, khát vọng cải cách và khát khao một nền dân chủ thực sự.
Ông là một trong nhiều nhà lãnh đạo Hàn Quốc phải đối diện bi kịch chính trị bản thân, nhưng đất nước Hàn Quốc vẫn tiến lên quỹ đạo phát triển và trở thành một nền kinh tế hùng mạnh của thế giới.
Tổng thống không quyền lực
Tuy nhiên, nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông Yun đã kết thúc sớm sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 5-1961 do thiếu tướng Park Chung Hee lãnh đạo.
Nếu không có cuộc đảo chính này, liệu ông Yun có thể trở thành người dẫn dắt Hàn Quốc tiến tới dân chủ sớm hơn không? Di sản của ông trong lịch sử chính trị Hàn Quốc sẽ được đánh giá như thế nào? Đó vẫn là những câu hỏi còn nhiều tranh luận cho tới hôm nay.
Sau khi Tổng thống Syngman Rhee buộc phải từ chức năm 1960 do áp lực từ phong trào sinh viên và sự phẫn nộ của công chúng về gian lận bầu cử, Hàn Quốc bước vào giai đoạn đầy biến động. Ông Rhee được xem là độc đoán và thiếu chính danh, dẫn đến tâm lý mong mỏi thay đổi từ quảng đại quần chúng.
Trong bối cảnh đó, ông Yun Bo Seon - chính trị gia học vấn Âu - Mỹ, từng thị trưởng Seoul, bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp thời kỳ đầu của Chính phủ Hàn Quốc mới độc lập - nổi lên như ứng viên sáng giá.
Thông tin trên Wikipedia (bản tiếng Anh), ông Yun từng học Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh, và trở về Hàn Quốc năm 1932, rồi dần tham gia chính trường sau Thế chiến II dưới sự dìu dắt của ông Syngman Rhee.
Khi ông Yun nhậm chức tổng thống tháng 8-1960, kỳ vọng dành cho ông rất lớn trong việc xây dựng chính quyền dân chủ và thực hiện các cải cách kinh tế, chính trị.
Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng 19-4, Hàn Quốc chuyển sang thể chế đại nghị, nơi tổng thống chỉ mang tính biểu tượng, quyền lực thực tế thuộc về thủ tướng và Quốc hội.
Hiến pháp mới trao quyền lực lớn cho Thủ tướng Chang Myon, khiến ông Yun không thể thực hiện cải cách quan trọng.
Đây là thời kỳ đầy bất ổn, khi xã hội kêu gọi cải tổ mạnh mẽ nhưng giới chính trị lại chia rẽ sâu sắc giữa hai phe: cải cách và bảo thủ.
Các tư liệu lịch sử cho thấy sự cạnh tranh nội bộ trong chính quyền, đặc biệt giữa các phe phái trong Đảng Dân chủ, đã làm suy yếu khả năng kiểm soát và thực thi quyền lực của ông Yun.
Trong giai đoạn này, nền kinh tế Hàn Quốc chưa ổn định, thiếu hụt tài chính, và sự hỗn loạn chính trị làm giảm niềm tin vào chính phủ dân sự. Đồng thời, quân đội bắt đầu nổi lên như một thế lực vượt tầm kiểm soát.
Nhiều sĩ quan trẻ không hài lòng với môi trường chính trị rối ren, họ tin rằng cần phải tái sắp xếp đất nước bằng một bàn tay mạnh mẽ.
Những tướng lĩnh như Park Chung Hee âm thầm lập kế hoạch hành động. Ngày 16-5-1961, thiếu tướng Park Chung Hee cùng một nhóm sĩ quan thân cận đảo chính quân sự.
Trong vai trò tổng thống mang tính biểu tượng, ông Yun Bo Seon nỗ lực bảo vệ chính danh của chính quyền dân sự.
Tuy vậy, trước sức mạnh vượt trội của quân đội cùng sự hậu thuẫn ngầm từ nhiều nhân vật trong bộ máy, những nỗ lực của ông nhanh chóng thất bại.
Một bài tư liệu đăng trên báo Korea Joongang Daily năm 2015 đã thuật lại chi tiết sự kiện này: khi tướng Park Chung Hee đến gặp Tổng thống Yun, ông Yun miễn cưỡng đồng ý với việc ban bố tình trạng thiết quân luật.
Tuy nhiên, trước sức ép tình thế, ông buộc phải chấp nhận thực tại mới mà bản thân không thể xoay chuyển.
Không lâu sau cuộc đảo chính, vào tháng 3-1962, ông Yun Bo Seon từ chức, khép lại một giai đoạn dân chủ hóa ngắn ngủi và đầy mong manh. Sau khi ông rời nhiệm sở, quyền lực tuyệt đối chuyển vào tay giới quân sự.
Tướng Park Chung Hee, người sau này trở thành tổng thống với quyền lực độc tài, đã thiết lập nền tảng cho một chế độ quân sự kéo dài. Dưới sự lãnh đạo của ông Park, Hàn Quốc bước vào giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần tốc, nhưng phải đánh đổi bằng sự thiếu hụt nghiêm trọng về tự do chính trị và dân chủ.
Di sản của ông Yun Bo Seon
Di sản chính trị của ông Yun Bo Seon vẫn luôn là chủ đề gây tranh cãi. Là tổng thống duy nhất của nền Đệ nhị Cộng hòa Hàn Quốc, ông đại diện cho một nỗ lực dân chủ hóa trong thời kỳ chuyển tiếp đầy khó khăn và hỗn loạn.
Tuy nhiên, quyền lực hạn chế đã khiến ông không thể lèo lái đất nước vượt qua những thách thức lớn, và thời kỳ này nhanh chóng khép lại dưới sức ép của cuộc đảo chính năm 1961.
Câu hỏi liệu ông Yun có thể dẫn dắt Hàn Quốc tiến tới dân chủ sớm hơn nếu không có đảo chính vẫn chỉ là một giả thuyết.
Dẫu vậy, nhiều sử gia Hàn Quốc sau này nhìn nhận ông như một biểu tượng của khát vọng dân chủ trong một giai đoạn đầy mong manh, khi quốc gia này nỗ lực thoát khỏi chế độ độc tài để tiến tới dân chủ, nhưng chưa thể thành công.
Trong dòng chảy lịch sử Hàn Quốc, vị trí tổng thống dường như luôn gắn liền với những bi kịch cá nhân hoặc chính trị. Ông Yun Bo Seon, với vai trò một tổng thống biểu tượng, khác biệt rõ so với các đời tổng thống khác.
Ông Syngman Rhee, người tiền nhiệm, phải kết thúc sự nghiệp trong lưu vong. Tướng Park Chung Hee, người kế vị, lên nắm quyền bằng vũ lực và thiết lập một chế độ độc tài kéo dài.
Những người sau đó như ông Choi Kyu Hah, ông Roh Moo Hyun hay bà Park Geun Hye đều mang những câu chuyện bi kịch riêng, từ sự phế truất cho đến lựa chọn kết thúc đời mình trong đau thương.
Chính tờ Korea Times năm 2018 đã đặt câu hỏi đáng suy ngẫm: "Tại sao hầu hết các tổng thống Hàn Quốc đều kết thúc nhiệm kỳ của họ trong bi kịch?" ("Why do most Korean presidents end their term with tragedy?").
Phải chăng vị trí tổng thống ở đất nước này mang theo một "lời nguyền lịch sử", hay thực chất bi kịch ấy xuất phát từ bối cảnh địa - chính trị khắc nghiệt và những áp lực không ngừng trong quá trình dẫn dắt đất nước?
Đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, phản ánh sâu sắc những thách thức mà Hàn Quốc phải đối mặt trên con đường xây dựng nền dân chủ và phát triển.
Rõ ràng, việc xây dựng một nền dân chủ cần thời gian, sự đồng thuận và cân bằng quyền lực. Trường hợp của ông Yun Bo Seon cho thấy chỉ thay đổi hiến pháp không đủ để đảm bảo một nền dân chủ vững chắc; điều cần thiết là một cơ chế kiểm soát quân đội chặt chẽ, ổn định kinh tế, và trên hết là lòng tin từ người dân.
Thất bại của chính quyền ông Yun cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một bản hiến pháp phù hợp, sự hợp tác giữa các nhánh quyền lực và sự độc lập của truyền thông.
Những lời tiên tri kỳ lạ
Cuộc đảo chính năm 1961 không chỉ là kết quả của các toan tính chính trị mà còn được một số người nhìn nhận như một sự kiện "định mệnh" đã được tiên báo từ trước.
Báo Korea Joongang Daily (Hàn Quốc) năm 2015 đăng bài viết có tiêu đề "Fortune teller sees future, gets it right" (Thầy bói nhìn thấu tương lai và đoán trúng phóc) thuật lại một phần nội dung cuộc phỏng vấn của họ với ông Kim Jong Pil, người từng giữ ghế thủ tướng Hàn Quốc hai nhiệm kỳ trong các giai đoạn 1971-1975 và 1998-2000.
Trong đó ông Kim kể lại việc trước cuộc đảo chính quân sự 16-5-1961, ông đã gặp một thầy bói tên là Paik Un Hak, người này đã dự đoán kế hoạch đảo chính sẽ thành công.
Ông thầy bói thậm chí còn tiên tri rằng tướng Park Chung Hee sẽ nắm quyền trong khoảng 20 năm.
Điều đáng ngạc nhiên là sau đó ông Park Chung Hee đã cầm quyền gần 18 năm, từ sau cuộc đảo chính cho đến khi ông bị ám sát vào năm 1979, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự chính xác đáng kinh ngạc của lời tiên tri đó.
---------------------------------
Kỳ tới: Tướng Park Chung Hee và "kỳ tích sông Hàn"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận