Trả lời Đài ABC News ngày 6-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden kiên quyết nói rằng Ukraine không được dùng vũ khí mà Washington tài trợ để tấn công thủ đô Matxcơva hoặc Điện Kremlin.
“Ukraine chỉ được dùng những vũ khí mà chúng tôi gửi đến Ukraine để tấn công vào tối đa 321km sâu trong lãnh thổ nước Nga, cũng như không được tấn công thủ đô Matxcơva và Điện Kremlin”, ông Biden nói.
Truyền thông Nga cho rằng khu vực mà Ukraine có thể tấn công bằng vũ khí nhận được từ Washington mà Tổng thống Biden nhắc đến trong phát biểu trên là vùng Belgorod, giáp vùng Kharkov của Ukraine.
Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, phóng viên của Đài ABC News đã hỏi tổng thống Mỹ về bình luận của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc phương Tây gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine là động thái đánh dấu các nước này bước vào cuộc chiến với Matxcơva.
Đáp trả bình luận của ông Putin, ông Biden tái khẳng định Mỹ và các đồng minh phương Tây gửi vũ khí tầm xa đến Kiev nhằm hỗ trợ nước này tự vệ trước những cuộc tấn công được phát động bên trong lãnh thổ Nga nhằm vào khu vực Kharkov, miền đông Ukraine.
Trước đó, phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) 2024 hôm 5-6, tổng thống Nga gọi việc phương Tây tài trợ vũ khí cho Kiev là hành động dẫn đến những vấn đề rất nghiêm trọng và là minh chứng cho thấy các nước này đã tham gia trực tiếp vào cuộc đối đầu với nước Nga.
Cách đây không lâu, Mỹ, Anh và Đức đồng loạt xác nhận quân đội Ukraine có thể sử dụng vũ khí do các nước này cung cấp để tự vệ trước các cuộc tấn nhắm vào vùng Kharkov.
Trong đó, quyết định của phía Washington khiến giới quan sát khá bất ngờ bởi trước đó, tổng thống Mỹ từng kiên quyết từ chối cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Ngay sau khi quyết định trên được công bố, các nhà phân tích quân sự Nga nhận định quyết định của Washington là hành động khiêu khích Nga phải khai hỏa vũ khí hạt nhân chiến thuật, theo báo Izvestia đưa tin.
Các chuyên gia quân sự Nga nói rằng nội bộ các đồng minh phương Tây của Ukraine phát sinh sự chia rẽ trước ý kiến chấp thuận cho Kiev dùng vũ khí mà các nước này tài trợ để tấn công lãnh thổ Nga.
Theo đó, 20 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Bỉ, Hungary, Tây Ban Nha… đã phản đối hoặc không công khai ủng hộ ý tưởng cho phép Ukraine dùng vũ khí được tài trợ để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Tuy nhiên, các nhà quan sát Nga cho biết những quốc gia có ảnh hưởng lớn trên chính trường châu Âu như Anh và Đức đã đồng thuận ý tưởng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận