Sáng 13-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có cuộc đối thoại với đại diện 12 doanh nghiệp hàng đầu của hai nước về cơ sở hạ tầng, hàng không, công nghệ cao…
Kêu gọi đầu tư hơn nữa vào Indonesia
Mở đầu cuộc đối thoại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định hai nước có tầm nhìn chung là phấn đấu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện điều đó, hai bên cần tăng cường đối thoại và hợp tác chất lượng cao.
Ông cũng cho biết Indonesia có tiềm năng phát triển và đã mở sàn giao dịch carbon cũng như đang thúc đẩy phát triển công nghiệp xe điện.
Nhân dịp này, ông cũng nhắc lại khoản đầu tư của VinFast vào công nghiệp xe điện của Indonesia, với kế hoạch dự kiến năm 2026 bắt đầu sản xuất.
"Tôi hy vọng VinFast sẽ có sự hợp tác mạnh mẽ với các doanh nghiệp Indonesia, các nhà khoa học, các chuyên gia ở Indonesia", nhà lãnh đạo Indonesia bày tỏ.
Đánh giá cao việc Công ty FPT Software mở văn phòng đại diện tại Indonesia trong năm qua, ông Joko Widodo tin tưởng điều này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác công nghiệp công nghệ cao và kỹ thuật số giữa hai nước, cũng như phát triển về ngành ngân hàng, tài chính, giáo dục, khoa học công nghệ, chế tạo máy, toán học,...
Tổng thống Joko Widodo cũng mong các đường bay thẳng từ Việt Nam tới Indonesia được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là đến các địa điểm du lịch ưu tiên của nước này. Hai nước, theo ông Joko Widodo, còn có tiềm năng hợp tác về cảng hàng không, du lịch và khách sạn.
Đặc biệt, nhà lãnh đạo Indonesia hy vọng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ hợp tác đầu tư nhiều hơn vào nước này, trong đó có các dự án lớn và mang tính biểu tượng lâu dài như dự án thủ đô mới của Indonesia.
"Tôi hy vọng các bạn sẽ cùng chúng tôi hiện thực hóa kế hoạch này", ông Joko Widodo nói.
Kế hoạch di dời thủ đô của Indonesia lần đầu tiên được Bộ Kế hoạch phát triển quốc gia Indonesia (Bappenas) đưa ra vào đầu tháng 4-2019.
Kế hoạch này sau đó được Tổng thống Joko Widodo nêu ra trong Thông điệp liên bang trước Quốc hội vào ngày 16-8-2019, nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày độc lập của Indonesia.
Việc di dời thủ đô được đưa ra trong bối cảnh thủ đô hiện tại của Indonesia là Jakarta nằm trên đảo Java phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường không khí, lũ lụt và tắc đường trầm trọng kéo dài.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo rất quyết liệt với việc xây dựng thủ đô mới mang tên Nusantara, xem đây là một trong các di sản để đời. Hồi tháng 12 năm ngoái, giai đoạn 3 xây dựng thủ đô mới đã được khởi công.
Indonesia kỳ vọng thủ đô mới sẽ trở thành một "siêu trung tâm" thân thiện với môi trường, có thể hỗ trợ phát triển tốt cho các ngành như dược phẩm, y tế và công nghệ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững bên ngoài đảo Java. Dự án dời đô của Indonesia dự kiến tiêu tốn khoảng 32,5 tỉ USD.
"Không có lý do gì để không tìm hiểu, đầu tư lẫn nhau"
Tiếp lời Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng sự tin cậy chính trị giữa hai bên sẽ ngày càng cao, nhất là sau chuyến thăm này của Tổng thống Joko Widodo.
Thủ tướng nhắc lại đầu tư, thương mại song phương có tiến triển trong các năm qua nhưng chưa tương xứng với tầm vóc quan hệ và quy mô kinh tế hai nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh hai nền kinh tế có sự bổ sung cho nhau. "Hai nước chúng ta có gần 400 triệu dân, bằng 2/3 dân số của ASEAN", Thủ tướng nêu dẫn chứng.
"Không có lý do gì mà các nhà đầu tư Việt Nam và Indonesia lại không đến tìm hiểu và đầu tư lẫn nhau", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, bởi trên thực tế nhiều nhà đầu tư Indonesia đã đến Việt Nam và thành công, trong đó có các doanh nghiệp "kỳ lân" của nước bạn.
Về đề nghị đầu tư vào thủ đô mới của Indonesia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là "ý tưởng táo bạo", và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào dự án, góp phần hiện thực hóa kế hoạch của Tổng thống Joko Widodo và Indonesia "càng sớm càng tốt".
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp Indonesia có thêm các khoản đầu tư lớn và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận chuỗi cung ứng.
Ông cho biết Việt Nam khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ cũng như những lĩnh vực Việt Nam cần và Indonesia có thế mạnh.
"Chúng tôi luôn bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải kinh doanh hợp pháp, tôn trọng luật pháp, văn hóa và sự lãnh đạo của hệ thống chính trị hai nước", Thủ tướng khẳng định.
Một số hình ảnh tại cuộc đối thoại:
Tại đối thoại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng bày tỏ sẵn sàng đầu tư, hợp tác nhiều hơn với phía Indonesia trong tương lai gần. Trong đó, CT Group cho biết sẽ mở văn phòng đại diện tại Indonesia trong quý 1-2024, để tập trung hợp tác triển khai các dự án trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái, năng lượng sạch,...
Đại diện Hãng hàng không VietJet Air khẳng định sẵn sàng mở đường bay đến thủ đô mới của Indonesia một khi việc xây dựng hoàn tất, cũng như hợp tác với phía Indonesia về nhiên liệu bền vững trong ngành hàng không, tín chỉ carbon,...
Cuộc đối thoại với doanh nghiệp sáng 13-1 là một trong các hoạt động cuối cùng của Tổng thống Indonesia Joko Widodo trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Sau sự kiện, nhà lãnh đạo Indonesia và đoàn đại biểu đến thăm nhà máy VinFast Hải Phòng, sau đó ra sân bay Cát Bi (Hải Phòng) để rời Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến công du.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận