Jakarta liên tục đứng trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu kể từ tháng 5. Tuần trước, thành phố 10 triệu dân này đứng đầu bảng xếp hạng toàn cầu theo dữ liệu do công ty công nghệ chất lượng không khí Thụy Sĩ IQAir tổng hợp.
Ô nhiễm không khí ở Jakarta
Theo Đài CNN, một số bộ trưởng của Indonesia đã xác nhận rằng Tổng thống Joko Widodo đang bị ho nhiều tuần nay và việc này có thể liên quan đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng ở thủ đô Jakarta.
"Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu có biện pháp cụ thể để giải quyết ô nhiễm không khí trong vòng một tuần. Ông ấy đã ho gần bốn tuần và nói rằng bản thân chưa từng bị như vậy", Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia, ông Sandiaga Uno, nói với báo giới ngày 14-8.
Ông Uno nói thêm các bác sĩ vẫn đang chẩn đoán nguyên nhân khiến ông Widodo bị ho, trong đó bao gồm chất lượng không khí ngày càng xấu đi.
Sang ngày 15-8, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cũng xác nhận rằng tổng thống đang ho và cơ quan chức năng đang đánh giá xem có sự gia tăng về bệnh đường hô hấp trong dân chúng hay không.
Nguyên nhân và giải pháp
Trong cuộc họp nội các cùng ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói nguyên nhân ô nhiễm là do "giao thông đường bộ quá tải, mùa khô kéo dài và ngành sản xuất chủ yếu sử dụng than".
Các chuyên gia thì cho rằng ô nhiễm không khí là vấn đề đã có từ lâu tại khu vực thủ đô Indonesia. Nguyên nhân là khói bụi từ nhà máy, nhà máy nhiệt điện than và tắc nghẽn giao thông.
Ông Widodo đã đề xuất các biện pháp như kiểm tra khí thải ô tô và khuyến khích mọi người làm việc tại nhà, đồng thời xem xét áp thuế ô nhiễm.
Jakarta lúc này đang nhìn vào những gì mà thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã làm trong việc chống ô nhiễm.
Trọng tâm của Jakarta là giám sát khí thải trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất điện, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về giảm khí thải.
Nhà phân tích chính trị Bridget Welsh từ Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Nottingham (Malaysia) cho hay việc Indonesia dời đô từ Jakarta tới Nusantara sẽ chỉ tạm thời giải quyết vấn đề chứ về lâu dài thì không.
"Cái giá phải trả cho ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe là rất đắt và không nên đánh giá thấp", bà Bridget Welsh khẳng định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận