Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Reuters trước chuyến thăm Mỹ vào tuần tới, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết chính phủ của ông đang tìm cách giúp bảo vệ và tái thiết Ukraine, giống như Hàn Quốc đã nhận được hỗ trợ quốc tế trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Viện trợ Ukraine
"Nếu có một tình huống mà cộng đồng quốc tế không thể tha thứ, như các cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào dân thường, thảm sát hoặc vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh, sẽ rất khó cho chúng tôi nếu chỉ hỗ trợ nhân đạo hoặc tài chính", ông Yoon nói.
Theo Reuters, phát biểu này báo hiệu Hàn Quốc đã có sự thay đổi lập trường trong cách ủng hộ Ukraine. Đây là lần đầu tiên Seoul đề nghị sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Ukraine sau hơn một năm xung đột.
Hàn Quốc cho tới nay vẫn tránh căng thẳng với Nga do nhiều công ty của nước này đang hoạt động ở Nga, cũng như Nga có ảnh hưởng nhất định đối với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là đồng minh quan trọng của Mỹ và là nhà sản xuất đạn pháo lớn, do đó đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các nước phương Tây trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Xét đến mối quan hệ của chúng tôi với các bên tham chiến và những diễn biến trên chiến trường, chúng tôi sẽ có biện pháp phù hợp nhất", ông Yoon khẳng định.
Vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Hàn Quốc dự kiến thăm Mỹ vào tuần tới và gặp Tổng thống Joe Biden, nhân dịp kỷ niệm 70 năm liên minh giữa hai nước.
Ông Yoon được cho là sẽ bàn về vấn đề Triều Tiên, quốc gia vừa phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sử dụng nhiên liệu rắn vào tuần trước.
Để đáp lại các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng, Seoul tuyên bố sẽ tăng cường khả năng giám sát, trinh sát và phân tích tình báo, đồng thời phát triển vũ khí mạnh hơn.
"Nếu có một cuộc chiến tranh hạt nhân nổ ra giữa Triều Tiên và Hàn Quốc, đây không chỉ là vấn đề giữa hai bên, mà toàn bộ khu vực Đông Bắc Á sẽ biến thành tro bụi", ông Yoon cảnh báo.
Vào tháng 2, Hàn Quốc và Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Yoon cũng dành thời gian chỉ trích các cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo tiền nhiệm và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không đi đến đâu.
Người tiền nhiệm của ông Yoon là ông Moon Jae In đã nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều, thu xếp cuộc gặp lịch sử giữa ông Kim và tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump vào năm 2018-2019.
Cũng trong năm 2018, ông Kim và ông Moon gặp nhau 3 lần, hứa hẹn hòa bình và hòa giải nhưng mối quan hệ hai bên lại trở nên căng thẳng hơn. Cuối cùng, Triều Tiên đã tiến hành một số vụ phóng vũ khí sau hội nghị lần 2 giữa ông Kim và ông Trump.
Năm ngoái, chính quyền ông Yoon đã đề xuất cứu trợ COVID-19 và đề xuất kế hoạch viện trợ kinh tế để đổi lấy giải trừ hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng đã thẳng thừng khước từ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận