Tổng thống Guinea Alpha Conde (giữa) trong vòng vây của binh sĩ nổi dậy - Ảnh: TWITTER
Không ai nhìn thấy Tổng thống Conde kể từ sau vụ đảo chính bắt đầu vào sáng 5-9 (giờ địa phương). Khi đó, hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhiều binh lính vây quanh ông trong tình trạng chân trần, mặc quần jean, áo sơ mi.
Ông Conde lên nắm quyền vào năm 2010 với sự ủng hộ đông đảo. Theo Guardian, bất chấp một số thành tựu về kinh tế và phát triển, Guinea vẫn là một quốc gia nghèo đói và ngày càng nhiều người bất đồng chính kiến bị bỏ tù.
Sau đảo chính, lãnh đạo quân nổi dậy Mamadi Doumbouya thông báo trên truyền hình đã đình chỉ hiến pháp, giải thể chính phủ, đóng cửa biên giới và áp dụng lệnh giới nghiêm trong 24 giờ.
Ngoài ra, tất cả tù nhân chính trị sẽ được trả tự do và quá trình chuyển tiếp kéo dài 18 tháng sẽ bắt đầu.
Cùng lúc, video đăng trên mạng xã hội cho thấy người dân trên đường phố tung hô binh lính khi thông tin về cuộc đảo chính lan truyền.
Người dân Guinea reo hò trên đường phố sau vụ đảo chính - Ảnh: REUTERS
"Nếu người dân bị giới tinh hoa đàn áp, quân đội phải trả lại tự do cho người dân", ông Doumbouya cho biết.
Ngày 6-9, các bộ trưởng đã được triệu tập tới một cuộc họp. Ông Doumbouya cảnh báo việc không tham dự sẽ được xem là hành vi nổi loạn.
Phe nổi dậy tuyên bố các cựu bộ trưởng không phải là đối tượng của cuộc "săn lùng phù thủy", nhưng phải giao nộp tất cả phương tiện đi lại của chính phủ và bị cấm rời khỏi đất nước nếu không được phép.
Sau các tuyên bố của quân đội nước này, Mỹ, Liên Hiệp Quốc và Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã nhanh chóng lên án cuộc đảo chính, bày tỏ lo ngại về sự bất ổn ở quốc gia này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận