Ông Trump rút khẩu trang từ trong túi và kêu gọi “hãy đeo khẩu trang” tại họp báo ngày 21-7 - Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo trên truyền hình về virus corona lần đầu kể từ cuối tháng 4, tổng thống Mỹ xuất hiện để bảo vệ cách ứng phó dịch của mình, vốn bị chỉ trích rộng rãi vì đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Ông Trump thừa nhận rằng virus mà ông từng nói sẽ sớm biến mất đang tiếp tục đe dọa đất nước và cơ hội tái cử của ông.
"Thật không may dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn" - ông Trump nói trong cuộc họp báo ngắn ngày 21-7.
Thay đổi về chiếc khẩu trang
Ông Trump từng không ít lần nói Mỹ đang chống dịch tốt hơn nhiều nước khác, thậm chí lặp đi lặp lại tuyên bố Mỹ có tỉ lệ tử vong thấp hơn "hầu như mọi nơi khác trên thế giới". Tuy nhiên, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins, Mỹ có tỉ lệ tử vong cao thứ 10 thế giới.
Ngày 21-7, Mỹ ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong mới, con số cao nhất kể từ ngày 2-6 với số ca tử vong là 1.052. Con số này thấp hơn những ngày đen tối nhất trong tháng 4 khi COVID-19 cướp đi trung bình 2.000 sinh mạng mỗi 24 giờ. Nhưng số người chết trung bình hằng ngày đang tăng đều đặn kể từ đầu tháng 7, theo dữ liệu của báo Washington Post.
Các bang tái mở cửa sớm như Arizona, Florida và Texas đứng đầu cả nước về số ca tử vong trong ngày 21-7, mỗi bang hơn 130 người. Bang California, nơi tương đối thận trọng trong việc tái mở cửa, ghi nhận 61 ca tử vong.
Sáu tháng sau ca nhiễm đầu tiên, Mỹ đến nay đã ghi nhận hơn 4 triệu ca nhiễm và tổng thống Mỹ cho hay sắp triển khai một chiến lược "rất mạnh mẽ" dù không nói chi tiết đó là gì.
Trước đó, trong tháng 4 và tháng 5, ông Trump công kích các thống đốc bang vì trì hoãn tái mở cửa để vực dậy nền kinh tế. Ông tiếp tục kêu gọi mở cửa lại trường học vào mùa thu, nói giới khoa học "đừng can thiệp" với lý do học sinh dưới 18 tuổi có nguy cơ nhiễm virus corona rất thấp.
Chính quyền ông Trump thậm chí gây sức ép bằng thông báo du học sinh nước ngoài sẽ phải rời nước Mỹ nếu trường của họ chỉ dạy trực tuyến. Bị hệ thống các trường trên toàn nước Mỹ, các chuyên gia y tế và dĩ nhiên là phía Đảng Dân chủ phản đối kịch liệt, kế hoạch này đã "chết yểu".
Ngày 21-7, ông Trump bất ngờ đăng ảnh ông đeo khẩu trang trên mạng xã hội Twitter, viết rằng "nhiều người nói đeo khẩu trang là yêu nước", bất chấp việc chính ông trong quá khứ đã chê bai khẩu trang là không vệ sinh, thậm chí mỉa mai những người đeo khẩu trang là đưa ra tuyên bố chính trị chống lại ông.
Trong cuộc họp báo nói trên, ông Trump không đeo khẩu trang nhưng rút khẩu trang từ trong túi ra và kêu gọi: "Hãy đeo khẩu trang. Dù bạn có thích hay không thì chúng cũng có tác dụng". Trước đó, ông đã lần đầu tiên miễn cưỡng mang khẩu trang xuất hiện công khai.
Kỳ vọng vắcxin
Sự đổi chiều của ông Trump cho thấy ông không những nhận thức rõ ràng virus corona sẽ không "biến mất thần kỳ", mà nó còn có thể ảnh hưởng xấu đến cơ hội tại vị của ông trong cuộc bầu cử tháng 11 tới.
Tỉ lệ ủng hộ đương kim tổng thống Mỹ đã giảm từ 51% vào cuối tháng 3 còn 38% vào tuần trước trong cuộc thăm dò của báo Washington Post và ABC News, trong khi cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng cử viên Đảng Dân chủ, vượt hơn ông Trump 15 điểm phần trăm.
Lúc này, hi vọng của ông Trump đặt cả vào kết quả nghiên cứu vắcxin, mà lạc quan là sẽ có vào cuối năm nay. Ông Trump cho biết ba ứng cử viên vắcxin hiện trong quá trình thử nghiệm đều ổn. Chính quyền của ông cũng đang hối thúc quá trình phát triển vắcxin với mục tiêu có 300 triệu liều để dùng vào tháng 1-2021.
Tuy vậy, liệu đến cuối năm nay có vắcxin hay không thì các chuyên gia y tế và các hãng dược cũng không dám khẳng định chắc chắn. Các chuyên gia y tế Mỹ nói vắcxin phòng COVID-19 có thể mất từ 1 năm tới 18 tháng để bào chế.
Thông thường vắcxin phải mất nhiều năm để phát triển và đưa vào sử dụng. Với sự cấp bách của tình hình hiện tại, các bên liên quan hi vọng có ít nhất một loại vắcxin có thể chứng minh hiệu quả vào cuối năm nay.
15 triệu
Số ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã vượt 15 triệu ca, tính đến sáng 22-7 (giờ Việt Nam). Có hơn 619.000 người đã chết và hơn 9 triệu người hồi phục.
Mỹ, Brazil và Ấn Độ lần lượt là 3 nước có nhiều ca nhiễm nhất. Nhưng trái với Mỹ và Brazil, tỉ lệ tử vong ở Ấn Độ tương đối thấp, tới nay mới chỉ ghi nhận hơn 28.000 ca tử vong trên 1,1 triệu ca nhiễm. Các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về nghịch lý này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận