Tổng thống Croatia Zoran Milanovic - Ảnh: AP
Theo Đài Russia Today (RT), hôm 18-5, Tổng thống Croatia Zoran Milanovic cho biết ông có kế hoạch chỉ thị đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của Croatia tại NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này.
Giải thích trước báo giới, ông Milanovic nói rằng việc từ chối cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO sẽ chuyển sự chú ý của cộng đồng quốc tế sang các vấn đề mà cộng đồng người Croatia đang đối mặt ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina.
Croatia cho rằng cần cập nhật luật bầu cử ở Bosnia-Herzegovina để người Croatia tại đây có thể bầu ra đại diện của chính họ. Theo luật bầu cử hiện hành, các đại diện của Croatia có xu hướng được bầu bởi cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniaks.
"Như tôi đã nói trước đây, người Croatia ở Bosnia-Herzegovina đối với tôi quan trọng hơn toàn bộ biên giới Nga - Phần Lan" - ông Milanovic nói.
Hôm 15-5, Thụy Điển và Phần Lan đã chính thức phá vỡ quy chế trung lập của họ và nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, việc chấp nhận các nước mới vào khối cần có sự đồng ý của tất cả nước thành viên.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên NATO đầu tiên phản đối việc kết nạp. Ông Milanovic nói rằng "Thổ Nhĩ Kỳ đang cho thấy cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia". Ông chỉ ra Thổ Nhĩ Kỳ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào nhằm kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO cho đến khi hai nước này lên án "những kẻ khủng bố và đồng bọn" có liên hệ với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK).
Những bình luận mới nhất của ông Milanovic cũng làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa ông và chính phủ của Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic. Ông Milanovic cáo buộc ông Plenkovic không bảo vệ lợi ích của Croatia.
Theo Hãng tin AP, hiện nay ông Milanovic đang có tranh cãi gay gắt với Thủ tướng Andrej Plenkovic về nhiều vấn đề, trong đó có việc ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO hay không.
Thực tế quyết định đồng ý hay phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không nằm ở Tổng thống Zoran Milanovic, mà sẽ do Quốc hội Croatia quyết định.
Trong khi đó, Áo cho biết họ sẽ duy trì quy chế trung lập ngay cả khi các đồng minh Liên minh châu Âu (EU) là Thụy Điển và Phần Lan đã thay đổi quan điểm chính sách đối ngoại kéo dài nhiều thập niên để xin gia nhập NATO trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra.
"Tình hình đối với chúng tôi có vẻ hơi khác" - Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg giải thích với Đài phát thanh Đức Deutschlandfunk vào hôm 18-5, khi ông nói về sự ủng hộ "áp đảo" của công chúng Áo đối với quy chế trung lập ở nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận