Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
"Sáng nay, hơn 30 quốc gia khắp thế giới tham gia một cuộc họp bất thường đã đồng ý xả thêm hàng chục triệu thùng dầu ra thị trường", Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden nói ngày 1-4.
Tuyên bố được Tổng thống Mỹ đưa ra khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) mở cuộc họp khẩn cấp để bàn về việc tham gia cùng Mỹ mở kho dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu. Theo cơ quan này, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể làm thị trường hụt 3 triệu thùng dầu/ngày từ nguồn cung của Nga trong tháng 4-2022.
Để bù đắp, Washington ngày 31-3 đã đưa ra quyết định táo bạo là xả Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR), bơm ra thị trường 1 triệu thùng/ngày trong vòng 6 tháng. Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức "chưa từng có tiền lệ".
Động thái "lịch sử" này nhằm xoa dịu thị trường dầu mỏ toàn cầu và cú sốc lạm phát đang lan khắp nền kinh tế Mỹ.
Giá dầu đã bắt đầu giảm sau tuyên bố của Mỹ và có lúc xuống dưới mốc 100 USD/thùng trong ngày 1-4.
Trong khi đó, Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản nói rằng các thành viên IEA đã nhất trí cùng nhau xả dầu nhưng chưa thống nhất được số lượng.
"Trước tình hình hiện tại, những thành viên dự cuộc họp IEA đã đồng ý về việc xuất thêm dầu nhưng không thể thống nhất về tổng khối lượng và phân bổ của mỗi quốc gia. Các chi tiết sẽ được thảo luận giữa ban thư ký IEA và các nước thành viên", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Hidechika Koizumi - một quan chức của Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản - nói và cho biết các chi tiết có thể được thống nhất trong vòng một tuần tới.
Bên trong một siêu thị tại New York, Mỹ. Lạm phát tại nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua - Ảnh: REUTERS
Giá dầu leo thang đã đẩy lạm phát tại nhiều nước tăng mạnh thời gian qua. Theo Hãng tin AP, lạm phát tại 19 nước sử dụng đồng euro tăng kỷ lục 7,5% trong tháng 3-2022. Lạm phát của Mỹ cũng tăng 7,9%, cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận