16/02/2022 07:22 GMT+7

Tổng thống Biden: Mỹ không định triển khai tên lửa ở Ukraine

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi người đồng cấp Nga Vladimir Putin không phát động chiến tranh vì "những chết chóc và sự hủy diệt vô nghĩa" sẽ diễn ra. Ông cũng cảnh báo Mỹ cùng đồng minh sẽ tạo thế cô lập Nga nếu Matxcơva phiêu lưu quân sự.

Tổng thống Biden: Mỹ không định triển khai tên lửa ở Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Biden đưa ra nhiều cảnh báo song cũng đề xuất con đường đối thoại để giảm căng thẳng với Nga trong bài phát biểu ngày 15-2 - Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu được phát sóng toàn quốc ngày 15-2, Tổng thống Biden cho biết có khoảng 150.000 quân Nga đang bao vây Ukraine.

Theo nhà lãnh đạo Mỹ, dù có thông tin Nga đã rút bớt một số lực lượng và việc này là đáng hoan nghênh, vẫn chưa có điều gì chứng minh Matxcơva thực sự đã làm vậy, nên Mỹ tin rằng "một cuộc xâm lược" vẫn có thể xảy ra.

"Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho dù có chuyện gì xảy ra", Tổng thống Biden khẳng định và cảnh báo Nga không nên "chọn sự chết chóc và hủy diệt không cần thiết".

Nhà lãnh đạo Mỹ đã nói chuyện với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong hai ngày cuối tuần qua. Ông cũng nhiều lần cảnh báo về hậu quả nếu Nga "tấn công Ukraine", bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp và giới tài phiệt.

Trong bài phát biểu ngày 15-2, ông Biden nói Mỹ "không muốn đối đầu trực tiếp với Nga" và các binh sĩ Mỹ sẽ không tham chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cảnh báo nếu Nga tấn công người Mỹ ở Ukraine, "chúng tôi sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ".

Phần lớn các thông điệp của ông Biden nhắm thẳng vào ông Putin, người đã yêu cầu NATO không kết nạp Ukraine và ngừng bất kỳ sự mở rộng nào về phía đông. Tổng thống Mỹ cũng hướng đến người dân Nga khi cho rằng Washington không phải là kẻ thù của họ.

"Mỹ và NATO không phải là mối đe dọa đối với Nga. Ukraine không đe dọa Nga. Cả Mỹ và NATO đều không có tên lửa ở Ukraine. Chúng tôi không có kế hoạch đặt chúng ở đó, không nhắm vào người dân của Nga hay tìm cách gây bất ổn ở Nga", ông Biden nói.

Việc kết nạp Ukraine, theo ông Biden, không nằm ở sự quyết định của một nước nào và các quốc gia có quyền tự do lựa chọn liên minh mà họ muốn tham gia.

Theo tổng thống Mỹ, nước này đang đề xuất các biện pháp kiểm soát vũ khí, đảm bảo minh bạch mới và ổn định chiến lược mới áp dụng cho cả NATO và Nga.

Đây có thể là chỉ dấu cho thấy căng thẳng giữa Nga và phương Tây quanh vấn đề Ukraine sắp hạ nhiệt nếu các bên đạt được thỏa hiệp trên bàn đàm phán. Vấn đề tiếp theo là các bên cùng xác định thời điểm gặp mặt và lộ trình thực hiện các cam kết.

Nga phủ nhận việc chuẩn bị "xâm lược" Ukraine như phương Tây cáo buộc, đồng thời xem việc NATO kết nạp Kiev rồi triển khai tên lửa đến Ukraine là lằn ranh đỏ, đe dọa an ninh Nga.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), bà Valentina Matvienko bác bỏ mọi viễn cảnh chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Trong tuyên bố ngày 15-2, bà nhấn mạnh Matxcơva "sẽ làm mọi thứ" để hai nước vốn gắn bó nhau và từng thuộc Liên Xô (cũ) không rơi vào một cuộc chiến.

Tuy nhiên nếu quân đội Kiev phát động các cuộc tấn công vào khu vực ly khai miền Đông - nơi có nhiều người Nga đang sinh sống, Matxcơva sẽ cân nhắc hành động. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo vệ họ. Cách mà Nga phản ứng sẽ tùy thuộc vào quy mô hành động của Kiev", bà Matvienko nêu cảnh báo.

Nga nói rút bớt quân gần biên giới Ukraine, Kiev và phương Tây đòi bằng chứng Nga nói rút bớt quân gần biên giới Ukraine, Kiev và phương Tây đòi bằng chứng

TTO - Sau khi Nga xác nhận rút bớt quân gần biên giới Ukraine, Kiev phản ứng cẩn trọng khi nói họ chỉ tin khi tận mắt chứng kiến, trong khi NATO cho biết chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng, đòi Matxcơva chứng minh.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên