Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV.
Gỡ vướng các dự án sau thanh tra, kiểm tra và có bản án
Cử tri TP Đà Nẵng phản ảnh một số dự án trên địa bàn thành phố đang dừng hoạt động do liên quan đến các bản án, các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán có khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành nhưng chưa được giải quyết, tháo gỡ.
Từ đó, đề nghị Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền quan tâm tháo gỡ, tạo điều kiện khơi thông nguồn lực để phát triển TP, tránh lãng phí tài sản nhà nước.
Trả lời nội dung này, Thanh tra Chính phủ cho hay các khó khăn, vướng mắc tại một số dự án, đất đai trên địa bàn Đà Nẵng liên quan việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án đã được tổng hợp đưa vào đề án phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.
Đề án đã tiếp thu ý kiến của Tổng bí thư, các ủy viên Bộ Chính trị tại cuộc họp Bộ Chính trị ngày 27-12-2022 và ý kiến của các ban, bộ, ngành trung ương để hoàn thiện.
Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã báo cáo, trình Bộ Chính trị cho ý kiến (lần 2) tại cuộc họp ngày 22-3-2024 của Bộ Chính trị.
Trong thời gian tới, khi đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai tổ chức thực hiện.
Kiến nghị không tính thời hiệu xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó để xảy ra tham nhũng
Cùng với đó, cử tri tỉnh Tây Ninh nêu Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức quy định thời hiệu xử lý kỷ luật "được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm".
Như vậy "thời điểm có hành vi vi phạm" của lãnh đạo cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng chính là "thời điểm phát sinh hành vi tham nhũng".
Với quy định trên, việc xử lý kỷ luật trách nhiệm để xảy ra tham nhũng đã phát sinh vướng mắc đối với các vụ án phức tạp, kéo dài nhiều năm mới có kết quả xét xử.
Từ đó dẫn đến không thể xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng theo nghị định 59/2019 của Chính phủ.
Do vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét có quy định áp dụng việc không tính thời hiệu xử lý kỷ luật trong trường hợp xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng.
Việc này nhằm góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm các cấp lãnh đạo, quản lý trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị.
Trả lời nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho hay Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 đã quy định thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ.
Cụ thể, 2 năm với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 5 năm với hành vi vi phạm không thuộc trường hợp nêu trên.
Căn cứ theo quy định Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Tổng thanh tra nêu rõ có một số trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ.
Bao gồm cán bộ là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.
Về kiến nghị xem xét có quy định áp dụng việc không tính thời hiệu xử lý kỷ luật trong trường hợp xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng, Tổng thanh tra nêu hiện chưa có trong quy định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, việc bổ sung nội dung nói trên có thể góp phần nâng cao tính răn đe trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Do đó, Thanh tra Chính phủ xin tiếp thu và nghiên cứu trong quá trình tham mưu hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận