"Tống" có nghĩa là xua đuổi, đẩy đi. "Ôn" trong từ kép "ôn dịch" có nghĩa là bệnh hoạn, các bệnh do thay đổi thời tiết, gió máy sinh ra. Vì vậy, cúng tống ôn còn được gọi là cúng tống gió. Ngoài bánh trái, chè xôi, cúng tống ôn còn có thêm hai lá cờ tam giác nhỏ một màu - cờ độc sắc.
Đồ cúng tống ôn để dưới đất, hai lá cờ ngơ ngác đứng hai bên, sự phối hợp lỏng lẻo và chẳng nhịp nhàng gì cả. Vì vậy mà có câu tục ngữ "Ngơ ngơ như cờ tống ôn".
Năm qua, coi bộ tình hình bịnh hoạn, ôn dịch hơi nhiều. Bịnh tham nhũng, phá hoại kinh tế, trộm cắp công khai giữa ban ngày ban mặt phát triển quá tay quá chưn; cuối năm dắt nhau ra tòa nườm nượp. Mà họ đâu phải là người có trình độ văn hóa lớp 6 như Trầm huynh đệ ở Trà Vinh? Họ toàn là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư...
Họ làm lớn cỡ bộ trưởng, tổng giám đốc tập đoàn, phó tổng giám đốc hoặc giám đốc đầu ngành; ăn mặc sang trọng; ăn nói hùng hồn. Vậy mà họ vừa tham, vừa tệ hại đến nỗi làm đâu ăn đó, làm gì lỗ nấy. Bây giờ họ đang ra tòa, nói toàn những điều lễ phép cỡ "Tôi xin lỗi nhân dân".
Những tay ra tòa đó là những ôn thần dịch lệ phá hoại kinh tế của đất nước, bòn rút xương máu của người dân. Họ ăn chơi, hưởng thụ, dùng đồng tiền nhân dân đóng thuế chơi trò giỡn tiền qua lại. Ngôn ngữ báo chí gọi họ là cán bộ thoái hóa biến chất thì e rằng quá khách sáo; nhưng nếu gọi là quan tham thì e ngữ nghĩa chữ tham còn quá hẹp.
Tôi thấy chữ dùng "ôn thần" của dân gian là hay nhất, bởi chữ ấy khái quát được tính chất bệnh hoạn nguy hiểm của hành vi tham lam thời đại mới - thời đại lấy đồng tiền bất kể dơ làm thước đo cho giá trị sống đời.
Nếu đất nước là bà mẹ hiền tảo tần hôm sớm thì những tay ôn thần kia là quân phá hoại, chỉ chờ cơ hội là đục khoét để vinh thân phì da cho bản thân và cho phe nhóm mình.
Việc loại trừ các ôn thần đó ra khỏi các cơ quan đơn vị, đưa họ ra tòa, buộc họ phải trả lại những gì họ đã trộm cắp từ ngân quỹ của đất nước do nhân dân đóng thuế mà thành là việc làm công bằng, cần thiết, phải làm ngay.
Các ôn thần ra tòa nhưng nhân dân chẳng vui gì. Niềm vui nếu có chỉ là thấy công lý ở trên đời được thực thi một bước. Họ thụ án tù giam mười năm hay bảy năm thì cũng chẳng có lợi gì cho đất nước; họ có trả lại tiền bạc, tài sản đã tham ô hay đã làm thất thoát thì cũng không bao giờ đủ so với số tiền thực tế đã mất đi.
Cái đầu của họ rất lười biếng, trong thời gian tại chức chỉ chăm chắm nghĩ đến đồng tiền. Có lẽ ra trước tòa, họ mới vận dụng hết sức sáng tạo và trí thông minh để đối đáp nhằm che giấu bớt một phần tội lỗi của mình.
Họ làm lớn, có chức có quyền mà chưa khi nào ăn nói trung thực thì chắc gì họ ra tòa đã biết khai báo thành khẩn.
Tiễn năm cũ qua đi, chúng ta hãy tống tiễn hết ôn thần dịch lệ về cho quá khứ. Mỗi người trong chúng ta hãy thành tâm thiện chí cầu mong cho năm nay đất nước sạch sẽ, không có đám ôn thần đông đảo nào ra tòa như vậy nữa.
Cán bộ, công chức ta một lòng một dạ phục vụ nhân dân; sáng tạo những cách làm mới để tránh phiền hà cho cuộc sống. Mọi cơ quan nhà nước phải triệt hạ cho được nạn tham nhũng, nạn biếu quà vô tội vạ, nạn đưa người nhà vào ghế tốt ở cơ quan nhà nước.
Phải đẩy cho được kẻ tham ô, lãng phí ra khỏi cơ quan công quyền như tống tiễn ôn vật đi để ta thật sự có một chính quyền kiến tạo, phục vụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận