12/04/2018 14:43 GMT+7

Tổng liên đoàn, bộ Lao động 'bất đồng' trong sửa đổi cách tính lương

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Bộ Lao động, thương binh và xã hội đề xuất sửa đổi cách tính thang, bảng lương, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam không đồng tình.

Tổng liên đoàn, bộ Lao động bất đồng trong sửa đổi cách tính lương - Ảnh 1.

Ông Ngọ Duy Hiểu - trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) tại họp báo sáng 12-4 - Ảnh: Đ.BÌNH

Ông Ngọ Duy Hiểu - trưởng Ban Quan hệ lao động của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - cho biết quan điểm của cơ quan này tại buổi giao ban báo chí quý I-2018 tổ chức sáng 12-4 về đề xuất điều chỉnh cách tính thang, bảng lương mà Bộ Lao động, thương binh và xã hội đang lấy ý kiến.

Với quan điểm tiền lương phải tiến dần theo thị trường, giảm bớt sự can thiệp của nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra 2 phương án: Một là bỏ hẳn quy định cũ, đề cao vai trò thỏa thuận của các bên về tiền lương. Hai là giảm sự chênh lệch giữa các bậc lương từ 5% xuống còn 3%.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng liên đoàn không đồng tình với cả hai phương án trên: "Hiện nay mục tiêu của chúng ta là xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ. Và để đạt điều này thì phải đảm bảo quyền lợi của người lao động".

"Tiến triển về mặt kinh tế năm 2017 và đầu 2018 cho thấy các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, tiếp tục có những tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, có đủ điều kiện để chia sẻ với khó khăn của người lao động. Bản thân thu nhập của người lao động vẫn đang thấp, lương tối thiểu không đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu", ông Hiểu nói. 

Trước quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH rằng sự thay đổi này là để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện Tổng liên đoàn cho rằng tháo gỡ cho doanh nghiệp là phải tháo gỡ thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng hải quan, thuế "vòi vĩnh" doanh nghiệp.

"Phải làm sao động viên, nâng cao đời sống người lao động để họ nỗ lực làm việc, chia sẻ khó khăn, đồng hành với doanh nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH cho rằng sự thay đổi này sẽ giúp công đoàn thể hiện vai trò thương lượng, nhưng thực tế quan hệ lao động chưa bình đẳng thì sao thương lượng hiệu quả", ông Ngọ Duy Hiểu, cũng là một đại biểu Quốc hội, nói.

Ông Hiểu dẫn ví dụ vụ đình công mới đây ở Đồng Nai do công ty Pouchen có kế hoạch điều chỉnh, sửa về mặt kỹ thuật cách tính lương, chưa có sự xâm phạm đến quyền lợi người lao động thì đã gặp phản ứng dữ dội, hàng ngàn lao động đình công.

"Nếu đề xuất thay đổi của Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất được chấp thuận thì sẽ kéo theo những hệ lụy, cộng đồng người lao động sẽ phản ứng hết sức quyết liệt", ông Hiểu cảnh báo.

"Việc sửa đổi này là chưa phù hợp, nếu thay đổi thì doanh nghiệp sẽ 'ép' lương người lao động, sẽ đưa mức lương gần về với mức lương tối thiểu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích người lao động".

Do đó, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị tạm dừng, để khi có quan hệ bình đẳng, năng lực thương lượng của công đoàn cao hơn thì mới đặt vấn đề sửa đổi, điều chỉnh cách tính lương.

Tại họp báo, ông Trần Văn Thuật - phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam - cho biết dự kiến ngày 5-5 tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp với gần 1.000 công nhân và người lao động của 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng, tổ chức tại Khu công nghiệp Đồng Văn 2 -tỉnh Hà Nam.

Dự kiến trong khoảng 90-120 phút, Thủ tướng sẽ đối thoại cùng người lao động về chủ đề "năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn".

Công nhân Pouchen tràn ra quốc lộ 1K phản đối thang lương mới

TTO - Phản ứng việc công ty tuyên truyền xây dựng thang lương mới, hàng ngàn công nhân Công ty TNHH Pouchen VN (xã Hoá An, TP. Biên Hoà, Đồng Nai) đồng loạt tràn ra đường khiến quốc lộ 1K kẹt cứng.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên