Tổng lãnh sự Pháp Vincent Floreani trò chuyện với một bạn trẻ đang vẽ dinh thự tổng lãnh sự ngày 21-9 - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Nằm trong khuôn viên khu vườn kín lớn nhất TP. HCM với những cây cổ thụ tuổi đời nhiều thế kỉ, dinh thự cổ này chứa đựng nhiều giá trị lịch sử và một kiến trúc tuyệt đẹp.
Ngoài các di sản Pháp, tòa nhà cũng lưu trữ các đồ vật từ thời các triều đại vua nhà Nguyễn ở Huế, các tác phẩm nghệ thuật và tâm linh của người Việt trong thế kỷ 19-20. Một trong những tác phẩm có giá trị nhất là bức tranh sơn mài Đám rước trong làng (1939) của danh họa Nguyễn Gia Trí.
Ngài tổng lãnh sự Pháp giới thiệu bức tranh quý của danh họa Nguyễn Gia Trí - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
"Sống giữa những đồ vật quý giá như vậy, tôi luôn cẩn thận gìn giữ những giá trị và ý nghĩa của chúng" - ngài tổng lãnh sự nói, cho biết ngoài việc đảm bảo các điều kiện lưu trữ tốt nhất, lãnh sự quán cũng tiến hành trùng tu và kiểm tra, sửa chữa hàng năm những chỗ xuống cấp.
Được xây vào năm 1872, dinh thự Tổng lãnh sự Pháp cùng thời với những tòa nhà Dinh Độc lập (1868-1873), Đại chủng viện Thánh Giuse (1863) hay Nhà thờ lớn (1877-1880). Chỉ Bưu điện thành phố mới được xây muộn hơn (1886-1891).
Bộ nĩa bạc có từ thời Napoleon của Pháp - Ảnh: TUẤN SƠN
Không chỉ trùng tu dinh thự Tổng lãnh sự Pháp, ông Floreani cho biết Pháp cũng làm việc với chính quyền TP.HCM để trùng tu các di sản như kết hợp với chính quyền thành phố Lyon, Pháp, trong việc thắp sáng các tòa nhà kiến trúc Pháp.
Hiện nay, có 5 tòa nhà trong thành phố có hệ thống chiếu sáng từ sự hỗ trợ của thành phố Lyon, như Ủy ban nhân dân Thành phố, Nhà hát Thành phố và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Nhiều khách tham quan trong khu vườn của dinh thự Tổng lãnh sự Pháp ngày 21-9 - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
"Cách đây vài tháng, tôi đã trình bày với chính quyền thành phố về ý tưởng mở của một hoặc hai tòa nhà công vào năm sau và hàng năm sẽ có thêm tòa nhà di sản được mở cửa cho người dân vào tham quan. Dù ý tưởng là của chúng tôi nhưng còn phụ thuộc vào chính quyền thành phố" -ngài Tổng lãnh sự Pháp chia sẻ về ý tưởng giúp người dân thành phố chiêm ngưỡng các tòa nhà cổ có kiến trúc đẹp.
Một tượng cổ trong dinh thự Tổng lãnh sự Pháp - Ảnh: TUẤN SƠN
"Tôi nghĩ mọi người đều thích vào thăm những ngôi nhà đẹp mà chúng tôi nhìn thấy hàng ngày từ bên ngoài. Bằng chứng là khi tòa dinh thự của chúng tôi mở cửa thì có rất nhiều người đăng ký vào tham quan, như năm ngoái chúng tôi đón tiếp hơn 1.300 người. Chúng tôi hi vọng trong những năm tới có thể kết hợp với phía Việt Nam để mở rộng ngày hội di sản này" - ông nói.
Dinh thự Pháp với một khuôn viên riêng rộng hơn 1,5 ha ở giữa trung tâm thành phố. Khu vườn với rất nhiều cây xanh, những cây cổ thụ cùng tuổi với dinh thự còn là nơi trú ẩn của một hệ sinh thái phong phú như chồn, sóc và nhiều loài chim quý hiếm về làm tổ.
Một tác phẩm nghệ thuật khác được lưu trữ trong dinh thự Tổng lãnh sự Pháp - Ảnh: TUẤN SƠN
Không gian bên trong dinh thự Tổng lãnh sự Pháp - Ảnh: TRẦN PHƯƠNG
Ngày hội di sản châu Âu là ý tưởng của Bộ Văn hóa Pháp đưa ra vào năm 1984 dưới cái tên "Ngày hội mở cửa cho những di sản lịch sử".
Họ sẽ mở cửa cho khách tham quan vào những tòa nhà mà bình thường thì không được viếng thăm vì là nơi được sử dụng cho những mục đích khác (hành chính, ngoại giao, kinh tế,...). Sự kiện này đã thành công đến mức Hội đồng châu Âu, vào năm 1991, đã mở rộng việc tổ chức trên toàn châu Âu.
Ngày hội di sản hiện nay đang diễn ra ở gần 50 quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận