31/05/2019 11:42 GMT+7

Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka: 'Mỹ nhìn thấy cơ hội lớn ở Việt Nam'

DUY LINH - NGUYÊN HẠNH  thực hiện
DUY LINH - NGUYÊN HẠNH thực hiện

TTO - Nhân dịp sắp kết thúc nhiệm kỳ 3 năm, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Mary Tarnowka đã có những chia sẻ cởi mở với Tuổi Trẻ về công việc, cuộc sống và những kỷ niệm với Việt Nam. Bà tiết lộ lãnh sự sắp tới cũng là phụ nữ.

Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka: Mỹ nhìn thấy cơ hội lớn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tổng lãnh sự Mary Tarnowka cùng con nuôi thưởng thức trà sữa Việt Nam không dùng ly nhựa ở chợ Bến Thành vào tháng 4-2019 - Ảnh: Facebook nhân vật

Bà Mary Tarnowka sẽ trở về Mỹ vào cuối tháng 7 này để làm việc tại Bộ Ngoại giao. Tổng lãnh sự Mỹ mới sẽ bắt đầu nhiệm vụ tại TP.HCM vào giữa tháng 8.

"Cô ấy chắc chắn sẽ nói tiếng Việt tốt hơn tôi (cười). Đây là lần thứ hai cô ấy tới Việt Nam với tư cách nhà ngoại giao. Cô ấy là người rất am hiểu về Việt Nam và khu vực" - Tổng lãnh sự Mary tiết lộ về người kế nhiệm.

“Mỹ xem quan hệ với Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất khu vực, nếu không muốn nói là thế giới. Washington cam kết vì một Việt Nam hùng cường và độc lập. Nước Mỹ cũng cam kết vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, một khu vực mà các quốc gia thượng tôn luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của nước khác.

Bà Mary Tarnowka

Tổng lãnh sự Mỹ Mary Tarnowka: Mỹ nhìn thấy cơ hội lớn ở Việt Nam - Ảnh 3.

Tổng lãnh sự Mary Tarnowka trong cuộc trao đổi với báo chí tại TP.HCM ngày 30-5 - Ảnh: NGUYÊN HẠNH

Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

* Sau nhiều lần tiếp xúc với doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam và đặc biệt là tại TP.HCM, bà thấy họ nghĩ thế nào về môi trường thương mại và đầu tư tại đây?

- Đa số doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều nhìn thấy cơ hội lớn ở đây. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất trong khu vực, và tôi nghĩ Việt Nam sẽ còn tiếp tục phát triển. Việt Nam có lợi thế rất lớn về sự dồi dào của nguồn nhân lực trẻ, có trình độ. Chúng tôi nhìn thấy nhiều sự phát triển đang diễn ra.

Doanh nghiệp dù từ Mỹ hay bất cứ nơi đâu đều tìm kiếm một nơi đầu tư có môi trường pháp lý trong sạch, rõ ràng và ổn định với thủ tục hành chính hợp lý. Họ tìm kiếm những nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt. Tôi nghĩ nếu Việt Nam muốn tạo thêm động lực cho sự phát triển thì cơ sở hạ tầng là một trong những lĩnh vực cần tiếp tục được đầu tư.

Doanh nghiệp Mỹ tại đây rất lạc quan về môi trường ở Việt Nam. Thử thách luôn luôn ở đó. Tôi chắc chắn cả doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thử thách. Thế nhưng chúng ta đều thấy Chính phủ các bạn đã thực hiện nhiều bước để hợp lý hóa các thủ tục hành chính. Những chương trình như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) rất hữu dụng, góp phần cổ động tinh thần cạnh tranh giữa các tỉnh, thành nhằm thúc đẩy tính minh bạch và hợp lý trong hoạt động hành chính.

* Nói về quan hệ hợp tác kinh tế Việt - Mỹ, theo bà, đâu là cơ hội cũng như thách thức của cả hai nước?

- Chính phủ Việt Nam có ghi nhận về khoản thâm hụt thương mại khá lớn của Mỹ đối với Việt Nam, cũng như nỗ lực đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét những lĩnh vực mà Mỹ thật sự có thế mạnh cạnh tranh.

Mỹ có thế mạnh về ngành năng lượng, cả về năng lượng sạch và khí đốt hóa lỏng (LNG). Mỹ có thể là một đối tác cung cấp năng lượng đáng tin cậy, đưa ra mức chi phí phải chăng đối với Việt Nam. Chúng tôi có thể giúp Việt Nam giải quyết vấn đề an ninh năng lượng của mình, cũng như cung cấp một hướng phát triển bền vững hơn so với các nguồn cung năng lượng khác.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Mỹ còn có khả năng hợp tác trong lĩnh vực hàng không, cả việc mua bán máy bay và xây dựng cơ sở hàng không. Đặc biệt là khi lĩnh vực này tại Việt Nam đang rất phát triển và đem lại nhiều cơ hội mới.

Nông nghiệp cũng là một mảng đầy triển vọng. Tôi biết người tiêu dùng Việt Nam đánh giá rất cao về chất lượng và độ an toàn của nông sản Mỹ, vì thế chúng tôi đánh giá nhu cầu tại thị trường Việt Nam rất lớn. Bên cạnh rau trái hay ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi và thịt bò cũng là một trong những mặt hàng được ưa chuộng. Ngoài ra, chúng tôi cũng cung cấp bông cho ngành dệt may, sản phẩm nội thất của Việt Nam.

Tôi nhìn thấy rất nhiều cơ hội phát triển tại đây, và điểm mấu chốt là phải xóa bỏ những rào cản về thương mại và đầu tư để dòng chảy hàng hóa có thể thông suốt. Washington và Hà Nội đang cùng đàm phán để xóa bỏ những rào cản như thế.

Tiếng Việt dễ nghe mà... khó nghe

* Ai là người bà không thể quên khi nói về quan hệ Việt - Mỹ?

- Với tôi, khoảnh khắc xúc động nhất đã diễn ra trong chuyến thăm Việt Nam của cố thượng nghị sĩ John McCain vào tháng 7-2017. Tôi nghĩ có lẽ đó là chuyến công du quốc tế cuối cùng của ông ấy. McCain đến vịnh Cam Ranh của Việt Nam để thăm USS John S. McCain, con tàu được đặt theo tên của cha và ông nội ông ấy.

Tôi còn nhớ rõ hình ảnh của ông khi chúng tôi ngồi trên xe để đến quân cảng. Nhìn ông ấy không được khỏe, nếu không muốn nói là yếu rồi. Nhưng mọi thứ khác đi khi McCain bước lên tàu và gặp các sĩ quan, thủy thủ, nói chuyện với họ về sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải mà họ đang gánh trên vai.

Trên xe lúc trở về, McCain kể về những gì ông ấy đã trải qua tại Việt Nam và cam kết tiếp tục đóng góp cho Đại học Fulbright ở Việt Nam. Đó là một kỷ niệm nhiều cảm xúc về một người đã cống hiến rất nhiều vì mối quan hệ song phương Việt - Mỹ và tôi đã được có cơ hội gặp người đó.

* Tiếng Việt của bà tiến bộ đến đâu rồi sau 3 năm làm tổng lãnh sự ở TP.HCM?

- (cười lớn) Câu hỏi này đau lắm đó! Tôi phải thừa nhận là đã không nói tiếng Việt nhiều như tôi mong muốn. Bộ Ngoại giao Mỹ dạy tôi tiếng Việt ở "đẳng cấp" rất cao nên trong các cuộc gặp với những quan chức Việt Nam, khi họ nói về mối quan hệ song phương thì tôi hiểu gần như toàn bộ.

Tôi nghĩ là tiếng Việt rất dễ nghe cho đến khi... tôi gặp một quý ông đến từ Cà Mau... có cách phát âm tiếng Việt khác với cách phát âm tiếng Việt quen thuộc mà tôi được học. Phải nói là ông ấy nói tiếng Việt trôi chảy, nhưng tôi chẳng hiểu nổi một chữ nào luôn vì ngữ điệu địa phương của ông ấy quá mạnh!

Học tiếng Việt cũng khó như học tiếng Hoa, bởi chỉ cần phát âm sai ngữ điệu là ra chữ khác ngay. Nhưng phải công nhận rằng ngôn ngữ là thứ khiến mọi người kết nối với nhau hơn, và tôi cảm thấy vui khi bản thân mình cũng nói được chút ít tiếng Việt.

Thích nước mắm Việt

Chúng tôi yêu món ăn Việt tới mức chúng tôi đã ăn phở gà cho bữa tối Giáng sinh đầu tiên ở đây. Tôi yêu bánh mì, bánh xèo. Có lẽ tôi sẽ nhớ trái cây ở đây nhất, vì chúng thật đa dạng và tươi ngon.

Điều thú vị là nước mắm của Việt Nam đã trở nên nổi tiếng toàn cầu. Thật ra 5-10 năm trước, rất ít người Mỹ biết đến nước mắm. Bây giờ thì nó trở thành một món nêm không thể thiếu của những người đam mê ẩm thực.

Tôi vẫn thường dùng nước mắm với các món ăn. Thế nhưng trong lần thăm một công ty nước mắm ở Phú Quốc, tôi cùng đại sứ Mỹ tại Việt Nam khi đó Ted Osius đã có cơ hội biết nước mắm nguyên chất là như thế nào. Chúng tôi thử loại nước mắm 3 tháng tuổi, 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Chúng rất ngon, nhưng việc nếm nước mắm không có tí gì kèm theo vào lúc 9h sáng vẫn thật sự quá sức với tôi. Tuy nhiên đó đúng là một trải nghiệm đáng nhớ (cười).

Tổng lãnh sự Mỹ ở TP.HCM bất ngờ quà của Thừa Thiên - Huế

TTO - Trong một bữa tiệc mừng bà Mary Tarnowka - tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM - vừa nhậm chức, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã tặng một tấm thiệp đặc biệt.

DUY LINH - NGUYÊN HẠNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên