Theo chương trình, từ 9h sáng 5-6, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán. Trách nhiệm trả lời chính thuộc Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn.
Cụ thể, ông Tuấn sẽ trả lời về trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng các doanh nghiệp, dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm.
Cùng với đó là việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước. Giải pháp khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, tổng Thanh tra Chính phủ sẽ cùng "chia lửa" trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết đây là lần đầu tiên tổng Kiểm toán Nhà nước được tham gia phiên chất vấn của Quốc hội.
Ông nêu rõ thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước và chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước qua các giai đoạn, Kiểm toán Nhà nước nâng cao chất lượng kiểm toán, cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời để Quốc hội thực hiện hoạt động lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và phục vụ công tác chỉ đạo điều hành để nâng cao quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.
Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Tuấn nói Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định vai trò quan trọng trong việc kiểm toán, phát hiện kịp thời những sai phạm về tài chính để có kiến nghị tăng thu, giảm chi, góp phần tăng hiệu quả, giảm thất thoát tài chính công, tài sản công.
Đồng thời, cũng có kiến nghị sửa đổi kịp thời các bất cập của cơ chế, chính sách. Kịp thời vá lỗ hổng để chống thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan chức năng để kịp thời đưa ra ánh sáng các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để xử lý việc chồng chéo, chồng lấn trong thanh tra - kiểm toán để giảm phiền hà cho đơn vị bị kiểm toán.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có 57 đại biểu đăng ký chất vấn tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn không phải đối tượng được kiểm toán
Theo đại biểu Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long), trong thời gian qua, các dự án đầu tư xây dựng đã được kiểm toán, nhưng sau đó các cơ quan chức năng vẫn phát hiện sai phạm trong hoạt động đấu thầu. Ông đề nghị tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, lý giải vấn đề này như thế nào và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay theo quy định của pháp luật, đối tượng kiểm toán là sử dụng tài chính công, tài sản công và đơn vị được kiểm toán là những đơn vị trực tiếp liên quan quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Luật cũng quy định rõ 12 nhóm đơn vị này.
Ông nói trong thời gian qua, có một số vụ án lớn liên quan đến đấu thầu, cụ thể vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An có sai sót trong đấu thầu. "Tôi khẳng định 2 đơn vị này là doanh nghiệp, không có vốn nhà nước nên họ không phải là đơn vị được kiểm toán. Xét về đơn vị có liên quan thì họ liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công với tư cách là nhà thầu. Hoạt động kiểm toán của chúng tôi thực hiện ở đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Trong quá trình kiểm toán thực hiện cả 3 nội dung là đánh giá tính đúng đắn, trung thực của báo cáo tài chính. Xác nhận việc tuân thủ pháp luật đấu thầu, đầu tư, xây dựng cơ bản và xác nhận tính hiệu quả trong đầu tư tài chính công, tài sản công", ông Tuấn nêu rõ.
Tổng Kiểm toán Nhà nước: Tập đoàn Thuận An, Phúc Sơn không phải đối tượng được kiểm toán
Ông Tuấn nói thêm trong việc kiểm toán chấp hành pháp luật về đấu thầu, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán là chủ đầu tư, ban quản lý dự án cung cấp thì kiểm toán tiến hành thu thập bằng chứng để phục vụ cho kết luận của mình về tính trung thực, đúng đắn của báo cáo tài chính.
Trong quá trình kiểm toán độc lập sẽ xét toàn bộ, trong đó, riêng về lựa chọn nhà thầu sẽ xét việc chấp hành gọi thầu có đúng không, hồ sơ thầu, chấm thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu. Trong quá trình kiểm toán, đã chỉ ra sai sót và kiến nghị xử lý từ tài chính, hoàn thiện văn bản, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
67.000 tỉ đồng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị chậm được thực hiện
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho biết báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy số tiền kiến nghị chưa thu được, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỉ lệ còn cao (59%). Kết quả này cho thấy việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán. Bà đề nghị tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết lý do vì sao?
Đồng thời, đề nghị tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục của ngành cũng như kiến nghị tổng Kiểm toán Nhà nước nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của kiểm toán trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho hay việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước được các cơ quan quan tâm.
Theo ông Tuấn, sau khi Quốc hội giám sát tối cao tiến độ, ý thức chấp hành của các cơ quan đã cao hơn, song còn 67.000 tỉ đồng kiến nghị theo kết luận Kiểm toán Nhà nước chậm được triển khai thực hiện.
Trong đó, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán hơn 59%. Nguyên nhân từ bên thứ ba là 24%, nguyên nhân khác 16% và từ Kiểm toán Nhà nước là 0,4%.
Ông Tuấn cho rằng nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán cao do ý thức, trách nhiệm của đơn vị chưa tổ chức thực hiện. Về khách quan, đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí có đơn vị đã giải thể, phá sản nhưng vẫn đưa vào diện phải theo dõi.
Ông thông tin thêm nghị quyết 74 của Quốc hội đã nêu 6 nhóm nguyên nhân cụ thể là ý thức, năng lực, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, vai trò người đứng đầu và công tác phối hợp.
Với Kiểm toán Nhà nước, ông Tuấn nêu rõ sẽ tiếp tục theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để kết luận được thực hiện nhanh hơn.
Chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra là "phải chín, phải rõ" mới chuyển
Nhắc lại 19 vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật chuyển cơ quan cảnh sát điều tra các cấp xem xét, xử lý đã được kiểm toán báo cáo, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) dẫn tiếp báo cáo được kiểm toán tự đánh giá là cơ quan kiểm toán mới chỉ phát hiện ở việc phòng ngừa, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Đại biểu Nhi đặt câu hỏi nguyên nhân của thực trạng này do đâu và giải pháp sắp tới là gì?
Trả lời, tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay trong 5 năm qua đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó kiến nghị chuyển 19 vụ án có dấu hiệu tham nhũng sang cơ quan điều tra.
"Với phương châm thận trọng, phải chín, phải rõ mới chuyển. Nhiệm vụ được coi trọng là phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng điều tra, đưa ra ánh sáng hành vi tham nhũng, tiêu cực" - ông Tuấn nói.
Theo ông, trong 5 năm đó, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo tài liệu cho các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Vì vậy Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định không có nghĩa không chuyển thì không có tác dụng, mà đây là tài liệu đầu vào giúp cơ quan chức năng đẩy nhanh điều tra, truy tố, xét xử đối tượng tham nhũng, tiêu cực.
"Thời gian tới chúng tôi cung cấp tài liệu đầy đủ, kịp thời hơn, nâng cao chất lượng kiểm toán" - tổng Kiểm toán Nhà nước nói.
Có phát sinh tiêu cực khi mô hình tổ chức theo vùng?
Đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) chỉ ra qua kiểm toán đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, dự án đầu tư, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy trong trường hợp khi kiểm toán nhưng không phát hiện sai phạm, mà cơ quan khác phát hiện thì trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước thế nào, trách nhiệm cá nhân hay của Kiểm toán Nhà nước?
Về vấn đề này, ông Tuấn cho hay theo quy định của điều 68 Luật Phòng chống tham nhũng tiêu cực, báo cáo kiểm toán phát hành không phát hiện sai phạm mà cơ quan chức năng vào phát hiện sai phạm thì phải làm rõ, tùy theo mức vi phạm để xử lý trách nhiệm hình sự hoặc hành chính.
"Điều này có nghĩa là phải làm rõ trách nhiệm của cá nhân hay của tập thể. Nhưng qua hơn 30 năm hoạt động thì chưa có vụ việc nào bị phát hiện như vậy" - ông Tuấn khẳng định.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái) băn khoăn mô hình tổ chức Kiểm toán Nhà nước phân theo khu vực, vậy có đảm bảo tính độc lập và khách quan và liệu có nảy sinh tiêu cực không?
Với nội dung này, tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong ngành là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất. Thực hiện theo quy định 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, hoạt động thanh tra, kiểm toán và điều tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện mạnh việc luân chuyển, luân phiên điều động cán bộ tới từng địa phương và khu vực, hạn chế quan hệ thân hữu, giúp tăng hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực. "Chúng tôi hy vọng rằng những giải pháp như vậy hạn chế tối đa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ" - ông Tuấn nói.
Chuyển 19 vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra trong 5 năm là còn ít
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nói báo cáo của kiểm toán có nêu qua kiểm toán đã chuyển 19 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra, bản thân đại biểu không nhận định chủ quan con số này là thấp hay ít, bởi nó không phản ánh vấn đề. Kiểm toán Nhà nước chỉ chuyển qua cơ quan cảnh sát điều tra đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Tại báo cáo, trong phần tự nhận xét các tồn tại, hạn chế, báo cáo có nêu kết quả kiểm toán có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Kiểm toán Nhà nước phát huy vai trò, hiệu quả chủ yếu ở khía cạnh phòng ngừa, số vụ chuyển cơ quan điều tra còn hạn chế. Trong báo cáo kiểm toán tự nhận thấy còn hạn chế, bà Nhi nói từ đây mới đặt vấn đề Kiểm toán Nhà nước có giải pháp gì trong thời gian tới?
Trả lời ý kiến tranh luận này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói trong báo cáo số 559, kiểm toán đã tự nhận thấy rằng việc chủ động chuyển 19 vụ việc trong 5 năm so với 1.609 hồ sơ tài liệu theo yêu cầu là còn ít. "Chúng tôi tự nhận đó là tồn tại, hạn chế", ông Tuấn nói.
Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Tuấn đã nêu phải áp dụng các giải pháp để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, kịp thời phát hiện sai phạm, thu thập bằng chứng, kịp thời chuyển cho cơ quan điều tra.
Làm gì để kiểm toán tham gia phát hiện, ngăn chặn vi phạm của doanh nghiệp ngoài nhà nước
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu rõ nhiều vụ án tham nhũng cho thấy có sự cấu kết giữa doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước với một số cán bộ, công chức trong các dự án đầu tư công để trục lợi tài sản của Nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) đặt câu hỏi chất vấn
Tuy các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước không thuộc các đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, nhưng những vụ việc này đều liên quan tới sử dụng tài chính công, tài sản công và dự án đầu tư công.
Vì vậy, ông đề nghị tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ có kiến nghị như thế nào để Kiểm toán Nhà nước có thể tham gia phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc tương tự xảy ra thời gian tới?
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết như ông đã báo cáo, Phúc Sơn và Thuận An đều là doanh nghiệp không có vốn nhà nước. Như vậy, họ không thuộc đối tượng được kiểm toán. Nhưng họ có đơn vị liên quan đến hoạt động kiểm toán.
Riêng về Phúc Sơn bị khởi tố liên quan đến chấp hành pháp luật về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, việc này hoàn toàn không liên quan đến hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Còn Thuận An vi phạm pháp luật về đấu thầu. Hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đánh giá sự tuân thủ pháp luật và nội quy quy chế được kiểm toán.
"Trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp (chủ đầu tư, nhà thầu), chúng tôi rà soát lại toàn bộ quy trình thực hiện pháp luật và đưa ra các kiến nghị", ông Tuấn nói.
Để kiểm toán tham gia sâu hơn vào quá trình điều tra, tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết thuật ngữ "kiểm toán điều tra" đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Hiệp hội Cơ quan kiểm toán quốc tế - các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI).
Sau gần 80 năm mới dừng ở mức độ tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra hay không, có nên đi đến cùng hành vi phạm tội, truy tố.
Hiện nay có rất ít các cơ quan kiểm toán tối cao ở các nước phát triển thực hiện chức năng này. Hiện INTOSAI chưa bao giờ có hướng dẫn về việc này.
Dưới góc độ Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, sẽ cố gắng hoàn thành tròn chức năng đánh giá xác nhận, kết luận kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn: Tiêu cực trong kiểm toán có nhưng rất ít, kiên quyết loại bỏ
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn mặc dù có những cố gắng của ngành nhưng đâu đó có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên nhà nước trong hoạt động kiểm toán. Phổ biến khi phát hiện sai phạm của đối tượng kiểm toán thì vòi vĩnh, gợi ý, chia chác khoản tiền sai phạm để bỏ sai phạm theo phương châm "đôi bên cùng có lợi". Quan điểm của tổng Kiểm toán Nhà nước như thế nào? Có cần xây dựng một cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập, thường xuyên bên cạnh hoạt động kiểm toán, thanh tra của ngành?
Trao đổi lại, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn thừa nhận: "Chúng tôi khẳng định, thừa nhận có nhưng rất ít, đây chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh và chúng tôi kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ đạo đức, chuẩn mực".
Ông Tuấn cho biết: "Trong luật đã quy định rất rõ những hành vi không được làm của Kiểm toán Nhà nước. Và trong ngành cũng có quy định về quy chuẩn, chuẩn mực đạo đức công vụ.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện, rà soát các văn bản để kiểm soát chặt chẽ hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực của các cá nhân trong thực hiện công vụ và tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này".
Ông Tuấn cho hay: "Trong hoạt động kiểm toán, những quy chuẩn, quy chế, nhất là về phòng chống tham nhũng của ngành tôi nghĩ tương đối đầy đủ, từ vai trò, trách nhiệm từng kiểm toán viên (ghi nhật ký từng ngày chuyển về dữ liệu trung ương để theo dõi). Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra và vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán".
"Một câu hỏi khó"
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đặt vấn đề cơ quan kiểm toán có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tham gia phát hiện và xử lý tham nhũng. Công cuộc phòng, chống tham nhũng vừa qua đạt nhiều kết quả, tuy nhiên đâu đó còn tồn tại căn bệnh sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh.
Với tư cách người đứng đầu một cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, cương quyết đưa cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đi đến thắng lợi, nhưng mặt khác nuôi dưỡng niềm tin, thắp sáng được ngọn lửa nhiệt huyết, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, muốn cống hiến cho đất nước?
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Đức Tuấn chia sẻ: "Câu hỏi rất khó". Theo ông Tuấn, để đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng cần phải làm tốt 3 việc:
Thứ nhất, xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả, chặt chẽ để không thể tham nhũng.
Thứ hai, xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh để không dám tham nhũng.
Thứ ba, xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.
Riêng về giải pháp chống tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, ông Tuấn cho hay: "Có ba nguyên nhân. Thứ nhất về ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Thứ hai, về trình độ, năng lực bất cập không đáp ứng yêu cầu. Thứ ba, do công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát".
Vì vậy, theo ông Tuấn: "Thời gian tới cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực nghiệp vụ. Mặt khác, thể chế hóa các quy định để nêu rõ quyền và nghĩa vụ từng cán bộ, công chức.
Trong đó quy định rõ người ngồi vị trí nào đó phải và được làm gì gắn với quyền lợi, đi đôi kiểm tra và giám sát, lượng hóa công tác đánh giá cán bộ và thuận lợi trong sử dụng cán bộ".
Kỷ luật, kỷ cương ngân sách chưa nghiêm có nguyên nhân sợ trách nhiệm
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) nêu vấn đề kiểm toán cơ chế chính sách, đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách với 270 nội dung, nhưng các cơ quan mới thực hiện 90 nội dung. Vậy nguyên nhân và trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan?
Trả lời nội dung này, tổng Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận việc thực hiện kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách đúng là còn chậm so với yêu cầu.
Giai đoạn 2019 - 2023 kiểm toán kiến nghị sửa đổi 1.069 văn bản, nhưng hiện nay tỉ lệ sửa đổi được là 31,6%. Tuy nhiên, sau khi Quốc hội có nghị quyết 74 thì tiến độ sửa chữa văn bản đẩy nhanh hơn, năm 2023 được 98/270 văn bản, đạt 36%, cao hơn mức bình quân 5 năm.
Về nguyên nhân, ông cho rằng ngoài nguyên nhân chủ quan còn nguyên nhân khách quan. Việc sửa đổi văn bản pháp luật cần thời gian từ khi ban hành luật đến nghị định chi tiết và thông tư hướng dẫn. Khi phát hiện sai phạm ở tầng thông tư, thời gian sửa nhanh hơn, nhưng ở tầng nghị định hay luật, cần có thời gian sửa đổi.
"Việc sửa luật không đơn giản, cần phải tổng hợp, đánh giá kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng của luật. Kiểm toán sẽ tiếp tục phát hiện những bất cập, kẽ hở để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện" - ông Tuấn nói.
Chỉ ra thực trạng Kiểm toán Nhà nước phát hiện và xử lý tài chính hàng chục nghìn tỉ đồng nhưng vẫn còn tình trạng quản lý thu chi ngân sách nhà nước, kỷ luật kỷ cương tài chính một số nơi chưa nghiêm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp với Chính phủ khắc phục tình trạng này?
Nhìn nhận thực trạng mà đại biểu nêu, ông Tuấn cho hay theo nghị quyết 74 của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có tổng kết cụ thể về vấn đề này.
Theo đó, ngoài nguyên nhân về vướng mắc cơ chế, chính sách tiêu chuẩn, định mức, còn là nguyên nhân ở khâu thực hiện, gồm ý thức, trách nhiệm và trình độ năng lực, tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm.
Vì vậy Quốc hội đã đề ra 5 nhóm giải pháp tăng cường kỷ cương, kỷ luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn định mức, đào tạo, phổ biến, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực và vai trò của người đứng đầu, phối hợp của các bên liên quan…
Làm gì để khắc phục sự chồng chéo thanh tra - kiểm toán?
Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu việc theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp để giải quyết chồng chéo từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán năm của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hiện tượng chồng chéo đối tượng hoặc nội dung giữa Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành, thanh tra địa phương.
Ông đề nghị tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết cách khắc phục việc chồng chéo trong thanh tra giữa các đơn vị thời gian tới như thế nào?
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết công tác xử lý chồng chéo được đặc biệt quan tâm. Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019 đã bổ sung quy định về nguyên tắc xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Thanh tra Chính phủ để xử lý trùng lặp, chồng chéo. Luật Thanh tra Chính phủ 2022 mới được thông qua cũng quy định về xử lý và hạn chế chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán.
Ông nói thực tế 2 ngành phối hợp chặt chẽ, từ năm 2020 có quy chế phối hợp cụ thể để hạn chế chồng chéo. Cụ thể, từ khâu lập kế hoạch, triển khai thanh tra, kiểm toán và xử lý chồng chéo trong quá trình thanh tra, chia sẻ dữ liệu và đôn đốc thực hiện kết quả thanh tra, kiểm toán.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đề nghị tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết mức độ sai phạm trong quản lý công sản, kể cả đất đai, trụ sở, tài nguyên khoáng sản, nguồn nước như thế nào? Kiểm toán Nhà nước có đề xuất, kiến nghị gì với Quốc hội về nội dung này không?
Trả lời nội dung này, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết kiểm toán môi trường, tài nguyên, khoáng sản là lĩnh vực mới, Kiểm toán Nhà nước bắt đầu thực hiện thông qua sự trợ giúp của cơ quan kiểm toán công chứng Canada.
Ông nói Kiểm toán Nhà nước đã có chuyên đề kiểm toán về pháp luật khoáng sản, đất đai, đã chỉ rõ bất cập, hạn chế từ việc chấp hành quy hoạch, cấp phép đến xử lý tài chính, nghĩa vụ ngân sách.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn kết thúc lúc 11h30 sáng 5-6. Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dù là lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng tổng Kiểm toán Nhà nước đã chuẩn bị kỹ về nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời ngắn gọn, rõ ràng, thuyết phục, đi thẳng vào vấn đề đại biểu đặt ra.
Phiên chất vấn có 35 đại biểu đăng ký và đã được chất vấn đủ, trong đó có 1 đại biểu tranh luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận