TTCT - Một cuộc diễn tập báo động tên lửa đã lần đầu tiên được tiến hành tại Nhật Bản hôm 17-3. Liệu đây có phải kết quả đầu tiên vòng công du Nhật - Hàn - Trung Quốc của tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson? Có thực ông Tillerson đã dọa sử dụng vũ lực? Học sinh một trường tiểu học ở Oga tham gia cuộc diễn tập sơ tán trước mối đe dọa tên lửa ngày 17-3 -AP Oga là một thị trấn nghề cá tỉnh Akita nằm trên dải đất nhô ra biển Nhật Bản như một chiếc rìu. Oga yên bình hơn 70 năm qua. Thế cho nên việc còi báo động lần đầu tiên vang lên ở nước Nhật, lại là tại đó, quả ngoài sức tưởng tượng! Loa phóng thanh vang lên theo kịch bản diễn tập: “Báo động! Tên lửa đã được nhìn thấy rơi cách Oga về phía tây khoảng 20km...”. Tại sao lại giả định tình huống tên lửa rơi cách 20km? Do lẽ căn cứ vào tiến trình phát triển tên lửa và của Triều Tiên, tỉ như vụ phóng hôm 6-3, tên lửa rơi cách bán đảo này vào khoảng 200km, nếu lần phóng tới nâng góc bắn lên sẽ rơi trúng bán đảo nằm ở cực tây nước Nhật này. Còn nếu nhắm vào mục tiêu ở Mỹ thì với tầm bắn 1.000km hiện nay, Nhật sẽ “đón” tên lửa Triều Tiên trước Mỹ. Bởi thế, theo Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga, cuộc diễn tập này là cần thiết nhằm chuẩn bị cho dân chúng sẵn sàng trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân. Quan điểm an ninh mới của Nhật? Cuộc diễn tập diễn ra chỉ một ngày sau chuyến thăm của ông Tillerson đến Tokyo, nơi ông đã trấn an Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: “Vào lúc bối cảnh an ninh trong khu vực đầy thách thức, Hoa Kỳ cam kết tăng cường vai trò của mình, và chúng tôi cũng hoan nghênh việc Nhật Bản cam kết tăng cường vai trò và hợp tác và an ninh trong liên minh với chúng tôi. Chúng tôi khẳng định điều 5 Hiệp ước hợp tác và an ninh tương hỗ Hoa Kỳ - Nhật Bản là bao gồm các đảo Senkaku (quần đảo tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Chúng tôi phản đối bất cứ hành động đơn phương nào tìm cách phá hoại sự quản lý Senkaku của Nhật Bản”. Những gì ông Abe cần và muốn nghe, ông Tillerson đã nhắc lại đầy đủ, thay mặt chính quyền mới của Tổng thống Donald Trump, bao gồm thái độ của Mỹ với Senkaku, và cả việc Mỹ nay hoan nghênh Nhật Bản “tăng cường vai trò và chức trách an ninh” của mình. Sự tăng cường này thể hiện hôm chủ nhật (19-3) trong diễn văn với các học viên vừa tốt nghiệp Học viện quốc phòng của ông Abe: “Chúng ta phải tăng cường các khả năng phòng thủ của chính chúng ta và nhắm đến việc mở rộng vai trò mà chúng ta có thể đóng”. Phát biểu này nhắc lại phát biểu của ứng cử viên tổng thống Trump tối 29-3-2016 ở tòa thị chính Milwaukee (bang Wisconsin) được CNN đưa lại: “Bây giờ trong một ý nghĩa nào đó, liệu Nhật Bản có nên có vũ khí hạt nhân khi Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân?”. Càng có thể hiểu rõ vấn đề này qua phát biểu của ông Tillerson trên chuyến bay đến Bắc Kinh, trong phỏng vấn dành riêng cho phóng viên Erin McPike của tờ báo duy nhất được tháp tùng ông là tờ Independent Journal Review: “Một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân phủ định mọi ý tưởng hoặc nhu cầu rằng Nhật Bản cần có vũ khí hạt nhân. Chúng tôi nói rằng mọi tùy chọn đều được đặt lên bàn, song chúng ta đâu thể đoán trước được tương lai. Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là tất cả mọi người trong khu vực phải hiểu rõ hoàn cảnh có thể tiến triển đến mức nào, cho thấy vì lý do răn đe chúng tôi có thể phải xem xét lựa chọn đó”. Nôm na là nếu bán đảo Triều Tiên không phi hạt nhân hóa được thì mọi lựa chọn sẽ được xem xét, kể cả nhu cầu có vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Tiếp đó ở Hàn Quốc, ông Tillerson đã được chứng kiến và lại nghe nhắc lại về “mối đe dọa Triều Tiên”. Tổng thống tạm quyền Hàn Quốc Hwang Kyo Ahn hôm 17-3, trước cuộc họp với ông Tillerson, đã nói: “Tôi nghe ngài ngoại trưởng hôm nay đã đi thăm khu phi quân sự. Tôi hi vọng rằng ngài đã có trải nghiệm trực tiếp thực tế sự phân chia bán đảo Triều Tiên và tính nghiêm trọng của mối đe dọa Triều Tiên. Tôi cũng hi vọng rằng chuyến thăm này của ngài sẽ là cơ hội để tái khẳng định mong muốn chung của chúng ta là duy trì và phát triển một liên minh mạnh mẽ và một tư thế phòng vệ phối hợp vững chắc”. Sau khi gặp quyền tổng thống Hàn Quốc, cuộc họp với ngoại trưởng nước này của ông Tillerson lại gây ồn ào hơn, bởi cuộc họp báo tiếp theo - qua tường thuật của báo chí - đã trở thành một lời đe dọa. Tuy nhiên, những dòng tít về việc đe dọa sử dụng vũ lực chỉ là một ý bị cắt khỏi toàn bộ phát biểu của Ngoại trưởng Tillerson khi trả lời câu hỏi của phóng viên CNN về vấn đề này, mà đầy đủ như sau: “Chính sách kiên nhẫn chiến lược đã chấm dứt. Nay chúng tôi sẽ thăm dò một loạt biện pháp mới, ngoại giao, an ninh, kinh tế. Mọi khả năng lựa chọn đều được đặt lên bàn”. Chẳng qua ông Tillerson, ở lần đầu xuất hiện tại Hàn Quốc như vai trò ngoại trưởng, đã phải đưa ra một tổng kết quá trình 20 năm đàm phán mà ông đã đánh giá là “thất bại”, kể cả việc Mỹ đã chi cho Triều Tiên tổng cộng 1,3 tỉ USD từ năm 1995. Quan hệ Mỹ - Hàn, đặt trong tương quan Trung Quốc - Triều Tiên, thêm phần phức tạp bởi những diễn biến tuần trước. Dân tình Trung Quốc đã tẩy chay chuỗi siêu thị Lotte Mart sau khi công ty mẹ Lotte ký thỏa thuận cho phép Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa trên khu đất thuộc sở hữu công ty này. Hệ thống THAAD tối tân đó, mà Washington giải thích là để đối phó với Bình Nhưỡng, được Trung Quốc diễn giải là nhắm cả vào họ, và quan hệ Bắc Kinh - Seoul nhanh chóng xấu đi. Nhiều người nổi tiếng Trung Quốc lên mạng xã hội kêu gọi tẩy chay Lotte Mart, nhiều công ty du lịch cũng hủy chuyến tới Hàn Quốc, một điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc, và từ tháng 9-2016 tới nay, không nghệ sĩ Hàn Quốc nào được cấp phép biểu diễn ở Trung Quốc. Phản ứng từ Triều Tiên, vì thế, có ý nghĩa quyết định trong mối quan hệ lợi ích chồng chéo ở khu vực. Câu trả lời của Bình Nhưỡng Nhật Bản mới diễn tập sơ tán hôm thứ sáu 17-3, ông Tillerson còn chưa tới Bắc Kinh, thì thứ bảy 18-3, Thông tấn xã Triều Tiên KCNA đã đưa tin: “Hôm nay sẽ là ngay không thể nào quên trong phát triển tên lửa của CHDCND Triều Tiên... Cuộc thử nghiệm này có thể được gọi là cuộc Cách mạng 18-3... Thế giới sẽ sớm nhìn thấy thành công vĩ đại của chúng ta đạt được ngày hôm nay là như thế nào”. Cuộc Cách mạng 18-3 ấy được KCNA giải thích bằng một đoạn “lý luận cao cấp” như sau: “Với thử nghiệm thành công này, chúng ta đã hoàn toàn thoát khỏi chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ, chủ nghĩa hình thức và sự phụ thuộc vào việc bắt chước công nghệ các nước khác... Vụ phóng lịch sử hôm nay cho thấy sự ra đời của ngành công nghiệp tên lửa hoàn toàn độc lập, mà nay đã phát triển thành một ngành công nghiệp sáng tạo...”. Nôm na, Bình Nhưỡng tự tin đã tự chế tạo thành công loại động cơ tên lửa mới có sức đẩy cực mạnh, không cần dựa vào nước nào nữa. Tất nhiên, không phải tình cờ mà tin tức về vụ phóng tên lửa “đi vào lịch sử” này được đưa ra chỉ một ngày sau khi báo chí đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Tillerson úp mở về “lựa chọn quân sự” với Triều Tiên, cũng đúng ngày ông gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Có vẻ như kịch bản đã được viết trước! Cuộc họp giữa ông Tillerson và ông Vương Nghị hôm thứ bảy, 18-3, dẫu sao cũng có vài kết quả, như phát biểu của ông Vương trong cuộc họp báo sau đó: “Tất nhiên, một hay hai trao đổi quan điểm như thế sẽ không dẫn chúng tôi đến một thỏa thuận toàn diện, song điều hay là chúng tôi đã đạt đến sự nhất trí cơ bản về một số phương hướng chung. Như ông Tillerson vừa nói rằng cả hai chúng tôi đều cam kết thực hiện mục tiêu một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, và chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện nghiêm túc và toàn bộ các nghị quyết của Hội đồng bảo an. Cả hai chúng tôi hi vọng tìm được cách để khởi động lại các cuộc đàm phán và không ai sẵn sàng từ bỏ hi vọng hòa bình”. Có thể tổng kết chuyến đi này của ông Tillerson qua 30 phút gặp gỡ giữa ông và ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hôm chủ nhật 19-3, như tóm tắt của quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner: “Chủ tịch Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Tillerson nhất trí về các cơ hội hợp tác lớn lao hơn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, song cũng thừa nhận rằng hiện có và sẽ có trong tương lai những dị biệt giữa hai nước”. Những dị biệt hiện tại và sẽ có trong tương lai là gì? Nhất định không chỉ vấn đề bán đảo Triều Tiên mà còn cả vấn đề Biển Đông, mà ông Tillerson đã đề cập đến trong cuộc họp báo trước đó với ông Vương Nghị tuy không gọi đích danh: “Tôi đã thảo luận về tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ để giải quyết các tranh chấp hàng hải và tự do hàng hải và hàng không”. Tất cả những động thái và phát biểu của ông Tillerson, cũng như dòng tin nhắn Twitter của ông Trump rằng Trung Quốc đã chẳng làm gì mấy để kiềm chế Triều Tiên, hé mở phần nào vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương dưới thời tân Tổng thống Trump. Tuyên bố “chấm dứt chiến lược xoay trục sang châu Á” của quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton hôm 14-3 chỉ là một vấn đề từ ngữ. Các từ ngữ “xoay trục”, “tái cân bằng” là của “chế độ cũ”, liên quan tới bà Hillary Clinton, đại kình địch của ông Trump không chỉ trong cuộc bầu cử, nên đương nhiên “chế độ mới” phải tìm ra những cách gọi mới và có thể cả cách tiếp cận mới. Sách lược có thể vẫn còn đang định hình, “chưa đi vào chi tiết”, như lời bà Thornton, song nhất định là sẽ xuất phát từ những gì ông Tillerson đã đến, đã nghe và đã thấy ở Tokyo, Seoul, Bắc Kinh và những nơi khác nữa.■ Tags: Trung QuốcTriều TiênNgoại trưởng MỹTrung MỹNhật - MỹNgoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Chỉ còn 18% viên chức Đại học Quốc gia TP.HCM nhận lương từ ngân sách TRẦN HUỲNH 23/12/2024 Đại học Quốc gia TP.HCM tinh giản biên chế gần 10 năm qua với số viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước hiện còn 1.154 người (khoảng 18%).
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.