Ngày 9-3, đoàn công tác Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do bà Samantha Power dẫn đầu đã có buổi đến thăm, gặp gỡ và trò chuyện về biến đổi khí hậu cùng hàng trăm sinh viên Trường đại học Cần Thơ. Đi cùng còn có Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Marc Knapper.
Chuyến đi của bà Sammantha Power lần này là nhằm củng cố quan hệ đối tác, gặp gỡ sinh viên, nông dân, doanh nghiệp và các quan chức Chính phủ để thảo luận về quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trong đó ưu tiên ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư vào giáo dục đại học và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm.
Lãnh đạo Trường đại học Cần Thơ cho biết một số hợp tác đáng chú ý giữa nhà trường và đối tác Hoa Kỳ như mạng lưới nghiên cứu châu thổ và quan sát toàn cầu tại Viện Mekong, hay Viện DRAGON-Mekong, Hangout của Mỹ, không gian "Maker Innovation Space".
Biến đổi khí hậu vẫn đang tác động mạnh mẽ đến Đồng bằng sông Cửu Long, nơi có 17,2 triệu dân sinh sống.
Một số sinh viên Trường đại học Cần Thơ đã chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động về hoàn cảnh bản thân cùng bà Samantha Power, xoay quanh chuyện sinh kế người dân, chống chọi với biến đổi khí hậu, ô nhiễm rác thải nhựa, ô nhiễm môi trường, giáo dục…
Đặc biệt là câu chuyện gia đình phải ly hương lên các thành phố lớn lao động kiếm tiền.
Lấy chuyện ô nhiễm rác thải nhựa làm điển hình, bà Samantha Power cho rằng vấn đề này đều có nguyên nhân. Do đó, thay đổi quy định, chính sách cũng là một phần rất quan trọng để có giải pháp giảm nhựa.
"Muốn giảm thải, chúng ta phải thay đổi hành vi và cần có lộ trình để thực hiện lối sống không nhựa. Có người thích sử dụng đồ nhựa một lần rồi vứt, họ không nghĩ sẽ gây hại môi trường.
Nhiều bang ở Mỹ không được phép dùng túi nhựa. Tại các siêu thị, phải trả 5 xu tiền thuế cho một túi nhựa. Số tiền nhỏ thôi, nhưng để mọi người ý thức được rằng phải mang theo túi của mình để đựng nếu không muốn bị đánh thuế", bà chia sẻ.
Bà Samantha Power đánh giá cao trí tuệ, sự năng động của các sinh viên Việt Nam, đặc biệt là nhận thức trong việc phải đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.
"Tôi thấy được sự quyết tâm của các bạn trong việc chung tay chống lại biến đổi khí hậu, làm ảnh hưởng đến quốc gia của các bạn.
Đồng bằng sông Cửu Long được coi là khu vực quan trọng, rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Ví dụ như mực nước biển dâng, nhiễm mặn... và rất nhiều những vấn đề khác ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Do đó, USAID đang hợp tác rất chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và các đối tác khác để chúng tôi có thể hỗ trợ Việt Nam khắc phục tác động từ biến đổi khí hậu", bà chia sẻ thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận