Đây là thông tin bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - nêu ra tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 16-5.
Bỏ độc quyền để cạnh tranh công bằng
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Công ty SJC đề xuất gì khi sửa nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, bà Lê Thúy Hằng cho biết nghị định 24 ra đời năm 2012 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và chọn Công ty SJC là thương hiệu quốc gia vì mục tiêu khi đó là chống vàng hóa.
"Độc quyền của SJC không mang lợi cho Công ty SJC hay một cá nhân, tập thể nào. Ngược lại, Công ty SJC luôn bị mang tiếng độc quyền để trục lợi. Do vậy từ thực tế vừa qua cho thấy cần cởi bỏ sự độc quyền này.
Đồng thời cho phép tất cả các thương hiệu có đủ điều kiện đều có thể sản xuất vàng miếng để cạnh tranh công bằng. Thị trường, người dân sẽ quyết định lựa chọn thương hiệu mong muốn để mua vàng", bà Hằng nói.
Một kiến nghị đáng chú ý của bà Hằng đó là mong muốn Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng. Bởi hiện nay doanh nghiệp vàng không có nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang.
"Chủ trương Chính phủ sắp tới thanh tra, kiểm tra thị trường vàng rất đúng để thị trường vàng phát triển công bằng, minh bạch. Mua bán vàng phải có hóa đơn. Nhưng nhiều năm nay các doanh nghiệp không được cấp phép nhập vàng theo đường chính ngạch. Vì vậy cần cho phép doanh nghiệp nhập vàng để có nguồn nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang. Câu chuyện vàng lâu hiện nay rất nhức nhối", bà Hằng nói.
Công ty SJC không được lợi khi giá vàng tăng
Cũng tại buổi họp báo, bà Lê Thúy Hằng cho biết từ khi trở thành thương hiệu quốc gia, chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2012 đến nay Công ty SJC không được sản xuất và cũng không được nhập khẩu vàng. Công ty SJC chỉ được gia công các miếng vàng SJC móp méo dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM.
"Bản thân vàng móp méo là các miếng vàng do Công ty SJC sản xuất trước đây. Thời gian qua vàng đã tăng giá rất nhiều. Nhưng dù giá vàng miếng SJC có chênh với giá thế giới 15, 20, 30 triệu hoặc thậm chí là cao hơn thì tôi cũng khẳng định luôn là Công ty SJC và Ngân hàng Nhà nước không có lợi ích gì ở đây, vì như đã khẳng định ở trên, từ năm 2012 Công ty SJC không được nhập nguyên liệu và không được dập vàng miếng SJC", bà Hằng nói.
Cũng theo bà Hằng, qua 12 năm áp dụng nghị định 24, rõ ràng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thành công trong việc chống vàng hóa, ổn định nền kinh tế vĩ mô.
"Tuy nhiên, hơn 12 năm qua, công ty không dập được vàng miếng SJC thì dẫn đến cầu vượt cung. Khi vượt cung quá lớn thì các anh các chị thấy sẽ dẫn đến chênh lệch lớn. Trong khi trước năm 2012 thì chưa bao giờ có việc giá vàng miếng SJC chênh với giá vàng thế giới lớn như vậy", bà Hằng lý giải và đề xuất cần phải sửa đổi nghị định 24 cho phù hợp với tình hình thực tế.
Phải giới hạn bán mỗi người 1 lượng/ngày vì không có nguồn cung
Vậy biện pháp nào để bình ổn thị trường vàng? Theo bà Hằng, vai trò của cơ quan chức năng và vai trò của báo chí hết sức quan trọng. Vì giá tăng không phải chỉ phụ thuộc vào giá trong nước mà nó phụ thuộc vào giá thế giới. Mà giá vàng thế giới tăng còn do nhiều yếu tố như chiến tranh, lạm phát…
Trong nước, người dân có quyền lựa chọn kênh đầu tư có lợi trong bối cảnh bất động sản đóng băng, chứng khoán lên xuống thất thường. Nhưng khi họ chọn bỏ vốn vào vàng thì nguồn cung không có.
"Công ty SJC cũng bị dư luận, báo chí phản ảnh. Nhưng tôi xin nhắc lại SJC sau 12 năm mà về thương hiệu quốc gia chúng tôi hoàn toàn không có một lợi ích gì hết. Trước khi là thương hiệu độc quyền, dù vốn sở hữu chỉ có gần 400 tỉ đồng nhưng lợi nhuận của Công ty SJC mỗi năm từ 300 đến 400 tỉ.
Nhưng sau nghị định, lợi nhuận tụt giảm, TP.HCM giao chỉ tiêu lợi nhuận mỗi năm 60 - 70 tỉ nhưng cũng rất khó khăn để đạt được và đời sống của người lao động sụt giảm. Lý do là hiện nay chúng tôi không được làm vàng miếng mà làm nữ trang chúng tôi không cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác", bà Hằng nói.
Về nguồn cung, bà Hằng nói thẳng là trong bối cảnh nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước không cấp phép nhập vàng hay dập thêm vàng miếng. Nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu của người dân quá lớn, như vậy SJC phải mua cân đối trên thị trường.
Trên thị trường nhiều doanh nghiệp niêm yết giá nhưng không có bán, tới hỏi không có. Nhưng Công ty SJC không thể nào nói là không có, nên SJC giới hạn bán cho mỗi người 1 lượng vàng/ngày.
Số vàng trúng thầu vừa qua, sau mỗi đợt, SJC phải bán ngay lập tức bởi ngành vàng mua là phải bán ngay cho người dân, nhằm tạo nguồn cung cho thị trường và cũng là để tránh thu lỗ. Công ty SJC cũng sẽ tiếp tục tham gia các phiên đấu thầu vàng tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước.
Xem xét lại các quy định của nghị định 24
Tại họp báo, ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM - cho rằng thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã thực thi những chỉ đạo của Chính phủ, và một số giải pháp nhằm tác động đến cung cầu thị trường, ổn định thị trường vàng. Trong đó có tổ chức các phiên đấu thầu nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường, giúp ổn định tâm lý người dân.
Trong thời gian tới cơ quan quản lý sẽ đánh giá đầy đủ, toàn diện thị trường vàng, các cơ chế chính sách, nhất là quy định của nghị định 24. Trên cơ sở đó có những điều chỉnh để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước đưa ra ba nhóm giải pháp là tiến hành đấu thầu vàng miếng để tác động nguồn cung; nâng cao hiệu quả quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra.
Đồng thời thực hiện tốt chế độ chứng từ kế toán đúng quy định về hóa đơn và triển khai đồng bộ xuất hóa đơn điện tử đảm bảo giao dịch công khai minh bạch. Cuối cùng thực hiện tốt công tác truyền thông, loại bỏ những tâm lý tiêu cực với thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận