Vượt thách thức, biến động
Trong 9 tháng đầu năm, tình hình quốc tế, biển Đông tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; cạnh tranh địa chiến lược giữa các nước lớn gia tăng gay gắt; lạm phát ở các nước tuy đã hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ... Ở trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế.
Cùng với những tác động chung đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam còn đối mặt nhiều khó khăn khác, đặc biệt liên quan đến vấn đề về thị trường và các cơ chế, chính sách cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Trong đó, huy động khí, huy động điện khí rất thấp và liên tục giảm trong các tháng gần đây tác động đến khai thác, sản xuất; nhập khẩu xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm trong nước trong khi nhu cầu chưa cải thiện, làm tồn kho tăng; vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế mua khí thiên nhiên hóa lỏng (Liquefied Natural Gas - LNG), cơ chế cấp LNG cho khách hàng điện hết sức khó khăn; bình quân giá thành phẩm xăng dầu 9 tháng đầu năm giảm 18-22% so với cùng kỳ 2022…
Trong bối cảnh đó, Tập đoàn đã bám sát diễn biến thị trường để thực hiện hiệu quả các giải pháp quản trị, điều hành liên thông từ khai thác đến vận chuyển, chế biến; từ tồn kho đến sản xuất và tổ chức kinh doanh.
Nhờ vậy, kết quả sản xuất và các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn đều vượt cao so với kế hoạch được giao. Trong đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn là 655 nghìn tỉ đồng; nộp ngân sách ước đạt 105,7 nghìn tỉ đồng, vượt 35% kế hoạch năm 2023 (đã hoàn thành kế hoạch cả năm 78,3 nghìn tỉ đồng trước 5 tháng); lợi nhuận trước thuế hợp nhất tập đoàn ước đạt 42,5 nghìn tỉ đồng, vượt 22% kế hoạch năm.
Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, công tác an sinh xã hội tiếp tục được Petrovietnam quan tâm, chú trọng, đặc biệt có nhiều nội dung đột xuất được thực hiện kịp thời mang nhiều ý nghĩa hỗ trợ cộng đồng, xã hội. Tổng thực hiện công tác tiết kiệm chống lãng phí ước đạt 1.521 tỉ đồng.
Biến áp lực thành động lực tăng trưởng
Tại cuộc họp giao ban CEO thường kỳ tháng 10, Tổng giám đốc Petrovietnam - ông Lê Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo tập đoàn và các đơn vị thành viên đã tập trung phân tích tình hình vĩ mô, thị trường, nhận định các khó khăn, vướng mắc nảy sinh, đề ra các giải pháp, tháo gỡ nút thắt để giữ vững thành quả đạt được; bám sát mục tiêu, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trong những tháng cuối năm để đạt hiệu quả cao nhất.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng nhiều lần chia sẻ, đặt mục tiêu tăng trưởng không phải vì thành tích, mà đó là cách để tạo áp lực đổi mới, hoàn thiện cấu trúc, mô hình quản trị, phát huy tối đa nguồn lực, mang lại giá trị gia tăng cao hơn cũng như tạo động lực phát triển và tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng.
Đó cũng là trách nhiệm của các nhà quản trị tại Petrovietnam đối với Đảng, Nhà nước và đối với người lao động trong tập đoàn; đồng thời chính là hành động thiết thực để tái tạo văn hóa của Petrovietnam với giá trị đầu tiên là "Khát vọng".
Nhận định tình hình thị trường những tháng còn lại đang có dấu hiệu cho thấy càng khó khăn nhiều hơn, đặc biệt các vấn đề liên quan đến tỉ giá, giá dầu, kết luận cuộc họp, tổng giám đốc đề nghị tập đoàn và các đơn vị rà soát mục tiêu, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm để tổ chức triển khai hoàn thành cao nhất, bám sát kịch bản điều hành kinh tế của Chính phủ, trong đó đặc biệt là chính sách tiền tệ, tài khóa và vấn đề liên quan đến thị trường.
Cùng với đó, tổng giám đốc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ và xử lý các vấn đề tồn đọng; đảm bảo triển khai theo đúng kế hoạch đề ra trong công tác chuyển đổi số, xây dựng hệ thống ERP, cơ sở dữ liệu lớn, đẩy mạnh triển khai công tác văn hóa doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Petrovietnam đề nghị lãnh đạo các đơn vị tập trung cao cho công tác quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực cao nhất thực hiện thắng lợi mục tiêu quý IV, cũng như cả năm 2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận