Ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) - đã cho biết như trên tại đại hội cổ đông thường niên năm 2023 được tổ chức hôm nay, 28-4.
Theo ông Tùng, sau khi xảy ra sự việc tại Tập đoàn FLC và Đại Nam, OCB đã thu hồi nợ. Việc thu hồi nợ chia làm hai bước: Bước một là thu hồi toàn bộ tài sản của các công ty này đã thế chấp tại OCB đưa vào dạng gán nợ, nghĩa là nhận tài sản thế chấp thay cho nghĩa vụ trả nợ.
Đây là hình thức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Cả hai danh mục tài sản này đều đã có người mua và ngân hàng đang cho bên thứ ba thời gian để thu xếp tiền.
Về tòa nhà 265 Cầu Giấy, OCB mua của Tập đoàn FLC theo dạng đầu tư tài sản. Tuy nhiên chưa hoàn tất thủ tục sang tên. Do vậy sau đó OCB quyết định dừng hợp đồng và FLC đã hoàn trả tiền cho OCB bao gồm cả tiền phạt.
Năm 2022, OCB đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên hơn 1.067 tỉ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này chỉ đạt 4.389 tỉ đồng, giảm 20% so với năm trước, thấp hơn mục tiêu đã đề ra là 7.110 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu tại OCB cũng tăng lên mức 2,23%.
Tại đại hội, cổ đông cũng chất vấn về câu chuyện lợi nhuận, vì sao ngân hàng chưa chia cổ tức dù đã được đại hội cổ đông năm 2022 thông qua.
Ông Tùng thừa nhận năm 2022 là năm đầu tiên trong vòng 10 năm qua ngân hàng không hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đã đặt ra.
Nguyên nhân là kế hoạch kinh doanh được đặt ra trong bối cảnh thị trường rất lạc quan, kinh tế hồi phục, COVID-19 đi qua, các dự báo đều tích cực. Nhưng, thực tế diễn biến lại không thuận lợi như vậy do các sự kiện bất ngờ xảy ra trên thị trường.
Dù lợi nhuận từ các hoạt động lõi vẫn tăng tốt như: tín dụng tăng 21%; dịch vụ tăng trưởng 29%, nhưng hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ bị đóng băng, không đem lại lợi nhuận, hoạt động liên ngân hàng cũng không có lời. Do các khoản thu ngoài lãi giảm dẫn đến lợi nhuận không đạt như kế hoạch.
Về nợ xấu, cuối 2021 tỉ lệ nợ xấu tại OCB là 0,97% theo chuẩn mực lúc bấy giờ (chỉ công bố khoản nợ xấu của khách hàng tại ngân hàng). Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu công bố cả các khoản nợ xấu kéo theo CIC. Do vậy tỉ lệ nợ xấu đã tăng lên. Đây là yêu cầu mới để đảm bảo tính an toàn hệ thống.
Về cổ tức, ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch hội đồng quản trị OCB, cho hay ngay sau đại hội cổ đông năm 2022, ngân hàng đã tiến hành các bước phân phối lợi nhuận cho cổ đông. OCB cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn. Tuy nhiên do một số thiếu sót trong hồ sơ, nên để đảm bảo quyền lợi cổ đông ngân hàng sẽ tính gộp luôn vào tỉ lệ sẽ chi trả trong năm nay.
Năm nay, OCB dự kiến vốn điều lệ tăng thêm hơn 6.800 tỉ đồng, nâng tổng vốn điều lệ sau khi tăng lên 20.500 tỉ đồng. Việc tăng vốn điều lệ đến từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỉ lệ 50%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận