30/11/2019 17:57 GMT+7

Tổng giám đốc KDL Phú Hữu đã tổ chức lừa đảo như thế nào?

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - Theo Công an tỉnh Hậu Giang, ông Võ Thanh Long - tổng giám đốc KDL Phú Hữu - đã huy động vốn bằng các hợp đồng mua bán, trong đó có nhiều điều khoản gây bất lợi cho người tham gia.

Tổng giám đốc KDL Phú Hữu đã tổ chức lừa đảo như thế nào? - Ảnh 1.

Ông Võ Thanh Long (đứng) - người vừa bị khởi tố, bắt giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: CHÍ HẠNH

Chiều 30-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo Công an tỉnh Hậu Giang cho biết hình thức huy động vốn của các công ty do ông Long điều hành rất tinh vi: bằng các hợp đồng mua bán, trong đó có nhiều điều khoản gây bất lợi cho người tham gia. 


Huy động vốn bằng "hợp đồng mua bán"

Gần đây, hàng trăm người dân đã tìm đến khu du lịch (KDL) Phú Hữu ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đòi tiền, tố cáo lừa đảo vì nơi này có trụ sở Công ty CP quốc tế Ước Mơ Việt, đồng thời cũng là trụ sở Công ty CP BĐS Cao Thắng. Cả 3 doanh nghiệp trên đều do Võ Thanh Long làm tổng giám đốc.

Tại đây, nhiều người tố ông Long dùng "giấy lộn" và dự án bất động sản "ma" huy động vốn của người dân. 

Cũng trong sáng cùng ngày (30-11), Viện KSND tỉnh Hậu Giang đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Võ Thanh Long (36 tuổi, tổng giám đốc KDL Phú Hữu) để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Một nạn nhân là bà Phạm Hồng B. (52 tuổi, ngụ quận Ô Môn, TP Cần Thơ) kể với Tuổi Trẻ Online rằng vào tháng 5-2016, đích thân ông Trần Vạn Lợi, phó tổng giám đốc công ty, đến tận nhà bà nài nỉ, ký cam kết mời gọi đóng tiền vào Công ty Ước Mơ Việt.

"Họ nói sau 5 tháng sẽ lấy lại vốn bỏ ra và lời thêm 20%. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm không những không có lãi mà còn chưa lấy được tiền vốn" - bà B. than thở.

Một phụ nữ ngụ TP.HCM khóc nức nở vì không đòi được tiền từ Võ Thanh Long - Video: CHÍ HẠNH

Tương tự, ông Trần Phước H. (55 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) cũng kể lúc đầu nhân viên của ông Long nói cứ mạnh dạn đầu tư vì sẽ thành công 100%. Nhưng nhiều năm liền chưa lấy lại được một đồng nào.

Rất nhiều người khẳng định họ không hề giao dịch hàng hóa gì với ông Long. Thay vào đó, họ được nhân viên công ty này đưa ôtô đến tận nhà chở đi ăn nhậu, xong ký hợp đồng mua bán với giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

"Tôi đóng vào Ước Mơ Việt 50 triệu đồng thông qua bản hợp đồng gì đó, mỗi tháng họ trả tôi 1 - 2 triệu đồng tiền lời. Sau 1 năm sẽ lấy lại tiền gốc. Trả được vài lần thì họ ngưng, xuống đòi tiền mấy lần mà chưa được" - một nông dân ở huyện Lai Vung, Đồng Tháp kể.

Bán "giấy vụn" thu tiền tỉ

Một nhóm 6 người đến từ các tỉnh miền Trung gồm Nguyễn Quang N., Lê Ngọc S., Lê Tùng L., Lê Ánh S. và bà Tô Thị N. cho biết đã đóng cho Công ty Ước Mơ Việt số tiền hơn 5 tỉ đồng thông qua các hợp đồng mua bán.

Đổi lại, họ được công ty này giao cho những cuốn phiếu dịch vụ bảo trì thiết bị điện, điện tử và điện lạnh.

Tổng giám đốc KDL Phú Hữu đã tổ chức lừa đảo như thế nào? - Ảnh 4.

Sự tinh vi của Võ Thanh Long là dùng các hợp đồng để ký kết, rồi lừa đảo tiền tỉ của người dân - Ảnh: CHÍ HẠNH

Ông Lê Tùng L. cho biết vào tháng 7-2016, ông bỏ ra hơn 600 triệu đồng mua 250 cuốn phiếu, tương đương 2.500 vé để được làm đại lý cấp "Sao Vàng". Những vé này ông L. sẽ bán cho người dân để bảo trì thiết bị, tức khi hư sẽ có nhân viên của Ước Mơ Việt đến sửa chữa.

Ước Mơ Việt còn cam kết sẽ chi hỗ trợ tiền quảng bá dịch vụ mỗi tháng 2 triệu đồng, xuyên suốt trong 5 năm liền. Ngoài ra, nếu hoàn thành một đơn hàng trong 1 năm thì ông L. còn được thưởng 100 triệu đồng.

"Dù nhóm tôi bỏ ra hơn 5 tỉ đồng mua bán, nhưng phía Ước Mơ Việt không xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Mọi cam kết cũng chỉ được thực hiện trong 1 năm đầu, sau đó họ bỗng dưng tự phá vỡ cam kết, không chuyển tiền hỗ trợ cũng như không cử nhân viên đến bảo trì cho khách hàng. Gọi điện thì ông Long khóa máy" - ông L. kể lại.

Tương tự cách thức của ông L., ông Nguyễn Quang N. cũng bỏ ra 1 tỉ đồng mua phiếu của Ước Mơ Việt. Nhưng thay vì chi trả tiền hỗ trợ hằng tháng thì công ty này đứng ra mua ôtô trả góp trị giá hơn 900 triệu đồng cho ông N..

"Họ ký cam kết trích tiền hỗ trợ trả góp hết chiếc xe, nhưng tháng 8-2017 ngân hàng lại truy thu nợ tôi. Lúc này tôi mới biết Ước Mơ Việt đã ngưng đóng tiền, bây giờ không đòi lại được 1 tỉ mà còn phải ôm thêm nợ hơn 400 triệu đồng" - ông N. cho biết.

Tổng giám đốc KDL Phú Hữu đã tổ chức lừa đảo như thế nào? - Ảnh 5.

Đông đảo người dân đến KDL Phú Hữu đòi tiền - Ảnh: CHÍ HẠNH

Bị tố cáo nhưng vẫn tỏ vẻ từ bi

Dù bị hàng trăm người dân đến vây trụ sở đòi nợ, nhưng Võ Thanh Long vẫn tung những lời như vẻ ban ơn. Vị tổng giám đốc cho rằng thời gian qua phía công ty đã "mở lòng" hợp tác cùng mọi người để đi đến thành công. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận mình đã có quãng thời gian dài làm không đúng như hợp đồng đã ký.

Ông Long cũng viện lý do Ước Mơ Việt đã ngưng hoạt động và chuyển cổ phần sang Công ty BĐS Cao Thắng. Tài chính của Công ty Cao Thắng không mấy khả quan nên không có tiền tiếp tục chi trả cho đại lý như hợp đồng đã ký kết.

Vị tổng giám đốc còn "nổ" đã "mở hết lòng từ bi" với các đại lý. "KDL sinh thái Phú Hữu này có người trả tôi 180 tỉ mà tôi chưa chịu bán, cũng có ngân hàng sẵn sàng giải ngân cho vay 50 - 80 tỉ.

Nhưng ngặt nỗi là khi ôm hồ sơ đi vay thì nhân viên thẩm định thấy tên công ty đều từ chối cho vay. Từ đó mới không có tiền trả cho quý vị" - ông Long giãi bày khi bị người dân đòi nợ.

Võ Thanh Long đưa ra 2 phương án với người dân góp vốn: đối với những đại lý có hợp đồng 1 năm thì công ty sẽ hoàn trả lại tiền gốc đã đóng, còn đối với đại lý lâu năm thì công ty sẽ khấu trừ các khoản đã nhận, rồi chuyển trả bằng cách đại lý sẽ nhận 50% tiền mặt và 50% cổ phần tại Công ty Cao Thắng. Tuy nhiên, việc trả lại tiền sẽ được thực hiện sau nhiều tháng, chứ không có ngay.

"Tôi sẽ làm thủ tục xóa sổ Công ty Ước Mơ Việt và thành lập công ty khác để làm ăn. Với tên công ty mới, tôi sẽ đi vay ngân hàng trả nợ cho các đại lý. Còn nếu tố cáo thì tôi sẵn sàng hầu tòa, mọi phán quyết của cơ quan chức năng là cuối cùng" - ông Long từng tuyên bố.

Công an khẳng định Alibaba Công an khẳng định Alibaba 'núp bóng' kinh doanh đất đai lừa đảo kiểu đa cấp

TTO - Điều tra xác định Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất lừa đảo theo phương thức đa cấp.


CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên