Công nhân thi công trạm biến áp 500kV thuộc dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phú cho biết 4 tháng tới là giai đoạn quyết định để công trình đóng điện trước mốc 25-12.
"Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các đơn vị bám sát công trường, vướng ở đâu tháo gỡ ngay ở đó", ông Phú khẳng định.
Đền bù nếu chậm tiến độ
* Dự án BOT Vân Phong có vai trò như thế nào với an ninh năng lượng quốc gia hiện nay?
- Với công suất 1.200 MW, có thể nói dự án BOT Vân Phong là dự án quan trọng đối với ngành điện nói riêng và quốc gia nói chung. Đây là dự án Chính phủ Việt Nam ký với nhà đầu tư BOT của Nhật Bản. Do đó khi Nhà máy điện BOT Vân Phong đi vào hoạt động, việc giải tỏa công suất cho nhà máy này rất quan trọng.
Việc đảm bảo tiến độ các hạng mục giải tỏa công suất của nhà máy vừa là vấn đề chính trị, thể diện của chúng ta với nhà đầu tư nước ngoài, vừa là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế vì nó đảm bảo cung cấp một phần nguồn điện cho quốc gia trong giai đoạn từ năm 2023 trở về sau.
* Nếu như các hạng mục thi công giải tỏa công suất Nhà máy điện BOT Vân Phong không được thực hiện đúng tiến độ, thì việc đền bù cho đối tác là có thể xảy ra?
- Theo hợp đồng Chính phủ Việt Nam ký với nhà đầu tư BOT (Nhật Bản), khi nhà máy điện đi vào phát điện nhưng chúng ta không hoàn tất các dự án đấu nối để giải tỏa công suất Nhà máy điện BOT Vân Phong thì ngành điện buộc phải chi trả số tiền đền bù cho nhà đầu tư BOT.
Cụ thể một tổ máy đưa vào vận hành chậm 1 ngày thì phải trả số tiền tương đương 1 triệu USD. Khi cả hai tổ máy đưa vào vận hành mà vẫn chưa có hệ thống lưới đấu nối để giải tỏa công suất thì số tiền đền bù là 2 triệu USD/ngày.
Thậm chí khi đó nhà đầu tư BOT có thể trả lại dự án và phía Việt Nam phải cam kết mua lại dự án này.
Việc giải tỏa công suất cho Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 phải được hoàn thành đúng tiến độ để tránh nguy cơ phải đền bù hợp đồng cho đối tác - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhiều nguy cơ nếu chưa xong mặt bằng
* Ban Chỉ đạo quốc gia vừa phát công điện khẩn số 29 gởi các địa phương có dự án đi qua, liệu có phải dự án đã chậm tiến độ?
- Hiện tại dự án vẫn đang bám sát tiến độ đề ra. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, việc giải phóng mặt bằng cho toàn dự án vẫn chưa kết thúc, có nguy cơ ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án. Vì thế Ban Chỉ đạo quốc gia buộc phải có văn bản gởi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận nhằm đốc thúc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng.
Nếu chưa giải phóng xong mặt bằng có nhiều nguy cơ phát sinh nổi cộm, bởi chỉ một hộ gia đình hoặc một khoảng néo không đóng được điện thì có thể ảnh hưởng đến toàn bộ dự án.
Ông Phạm Lê Phú - Ảnh: ĐĂNG NAM
* Thưa ông, dự án đã đi qua một thời gian khá dài, ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa các địa phương nơi dự án đi qua.
- Đối với cụm dự án giải tỏa công suất này, Chính phủ, Bộ Công thương, EVN và đặc biệt 2 tỉnh có dự án đi qua Khánh Hòa và Ninh Thuận rất quan tâm và ủng hộ trong công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng.
Nhờ vậy đến thời điểm này chúng tôi bám rất sát tiến độ của dự án đã đề ra. Chúng tôi tin tưởng rằng cụm dự án này sẽ hoàn thành đóng điện trước mốc 25-12-2022.
Lên phương án thi công tối ưu
* Được biết cụm dự án giải tỏa có nhiều đoạn băng qua đường dây thuộc các dự án năng lượng tái tạo do tư nhân đầu tư, điều này liệu có ảnh hưởng đến tiến độ cắt điện để kéo dây?
- Với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư tư nhân hiểu được tầm quan trọng của dự án này và hỗ trợ để chúng tôi triển khai thi công. Các dự án năng lượng tái tạo có thể sẽ phải chịu thiệt do phải dừng phát điện trong vài ngày để các đơn vị kéo dây băng qua dự án.
Chúng tôi cam kết sẽ có phương án thi công ngắn nhất, ít ảnh hưởng nhất trên toàn cụm dự án.
Lãnh đạo EVNNPT liên tục làm việc với các đơn vị liên quan để đảm bảo tiến độ khi công dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 bước vào giai đoạn quyết định - Ảnh: ĐĂNG NAM
* Liên quan một số gói thầu nhập khẩu như trạm biến áp, sứ cách điện, liệu tình hình dịch bệnh và xung đột trên thế giới có thể ảnh hưởng đến tiến độ hay không?
- Đây đúng là vấn đề mà chúng tôi khá lo ngại. Như chúng ta biết, hiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách "Zero-COVID", trong khi có khá nhiều vật tư, thiết bị của các hãng lớn trên thế giới lại sản xuất tại Trung Quốc, nên chúng tôi khá nghi ngại về việc đảm bảo tiến độ.
Ngoài ra, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến một số vật tư thiết bị có nhà cung cấp ở đây.
Hiện chúng tôi đã yêu cầu các nhà thầu xem xét để đảm bảo tiến độ. Nếu không phải ngay lập tức có biện pháp chuyển nhà cung cấp từ nước khác. Đến thời điểm này, qua làm việc với các nhà thầu, họ vẫn cam kết đảm bảo tiến độ và chưa có nhà thầu nào vi phạm về hợp đồng tiến độ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận