Phần lớn nợ thuế bảo vệ môi trường
Chiều 19-1, tại họp báo thường kỳ quý 4-2023 của Bộ Tài chính, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính Mai Sơn đã có trao đổi thông tin với báo chí về tình trạng doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế.
Đồng thời, thông tin về kết quả rà soát nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp xăng dầu sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý thị trường xăng dầu vừa được ban hành.
Ông Sơn khẳng định gần 10 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn có nợ thuế, trong đó phần lớn là thuế bảo vệ môi trường.
Về quy trình kê khai, nộp thuế, ông Sơn cho hay theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp được phép tự tính, tự nộp theo quy định, cơ quan thuế kiểm tra, giám sát, đôn đốc kê khai, nộp.
"Sau khi doanh nghiệp thực hiện tự khai, tự nộp, cơ quan thuế sẽ rà soát, trường hợp doanh nghiệp kê khai thiếu, vi phạm về nợ thuế, cơ quan thuế địa phương sẽ tiến hành các biện pháp.
Chẳng hạn như đôn đốc, cưỡng chế tài khoản, sau đó cưỡng chế hóa đơn, cấm xuất cảnh người đại diện theo pháp luật", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn cho hay với số nợ thuế của doanh nghiệp nói chung, Tổng cục Thuế kiểm soát chặt chẽ, cục thuế địa phương chịu trách nhiệm liên quan, quy định trong Luật Quản lý thuế.
Thông tin thêm về kết luận của Thanh tra Chính phủ về trường hợp của Hải Hà Petro nợ thuế "khủng" hàng nghìn tỉ đồng, nhiều lần bị cưỡng chế thuế và trách nhiệm của cơ quan thuế, ông Sơn cũng đã có trao đổi về cách xử lý một số doanh nghiệp xăng dầu nợ thuế.
Trong đó nổi bật là Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro), Cục Thuế Thái Bình đôn đốc, thực hiện quy trình cưỡng chế nợ thuế.
Khoản nợ thuế từ ngày 91 phát sinh nợ trở đi, cơ quan thuế sẽ cưỡng chế tài khoản, từ ngày 121 phát sinh nợ thuế sẽ bị cưỡng chế hóa đơn, có áp dụng biện pháp khác như đề xuất cấm xuất cảnh người đại diện pháp luật, xác định, kê biên tài sản.
Để ngăn tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, năm 2024, theo ông Sơn, sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính và cơ sở kinh doanh.
Ông cũng thừa nhận tình trạng đa số doanh nghiệp đưa tài sản đảm bảo vay vốn đã gây ra khó khăn trong thu hồi nợ thuế.
Tại họp báo, nói thêm về trách nhiệm của cơ quan thuế và quy trình quản lý thuế hiện nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh việc quản lý thuế theo nguyên tắc doanh nghiệp tự khai, tự nộp, cơ quan thuế giám sát.
Còn việc dòng tiền, nếu doanh nghiệp vi phạm sau khi rà soát, cơ quan chức năng sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Phạm Văn Bình cũng thông tin thêm trong quá trình thực hiện chức năng, Bộ Tài chính đã 5 lần xử phạt Hải Hà và đã có quyết định cưỡng chế liên quan.
Điểm danh các doanh nghiệp nợ thuế nhiều
Kết luận Thanh tra Chính phủ hồi đầu tháng 1-2024 cho thấy nhiều doanh nghiệp đầu mối nợ hàng ngàn tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường, hơn 6.320 tỉ đồng đến cuối tháng 10-2022.
Chẳng hạn như Công ty Xuyên Việt Oil có số thuế nợ hơn 1.529 tỉ đồng, chiếm gần 20% số thuế bị nợ tại Cục Thuế TP.HCM, trong đó riêng số thuế bảo vệ môi trường lên tới gần 1.250 tỉ đồng.
Cục Thuế tỉnh Thái Bình cũng "bêu tên" Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà nợ thuế lớn nhất, lên tới 1.780 tỉ đồng và chủ yếu là nợ thuế bảo vệ môi trường. Sau nhiều lần đòi nợ, Cục Thuế Thái Bình gửi đề xuất cấm xuất cảnh lãnh đạo công ty này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận