Dây chuyền sản xuất tivi của Asanzo bên trong nhà máy tại Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN
Sáng 28-10, Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh những nghi vấn sai phạm của Công ty CP Tập đoàn Asanzo và các công ty có liên quan.
Đại diện cho Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết qua cuộc họp này sẽ tổng hợp ý kiến để báo cáo Thủ tướng trước ngày 30-10. Tuổi Trẻ cũng ghi nhận ngay ý kiến của chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam về những vấn đề được nêu ra.
"Tôi không trực tiếp xuất khẩu, tôi bán cho họ, việc họ xuất đi hay không thì phải hỏi bên VCCI, nếu họ xuất mà họ xin ưu đãi, xin C/O thì chắc chắn họ vi phạm, khả năng không đạt... Tôi chưa bao giờ quảng cáo dây chuyền hiện đại. Giả sử tôi chẳng có quy trình lắp ráp luôn, tôi mua linh kiện nước ngoài về, tôi ngồi dưới đất tôi ráp lên thành sản phẩm, tôi vẫn sáng tạo, tôi vẫn được ghi made in VN chứ...
Ông Phạm Văn Tam
Những vi phạm gì?
Báo cáo sơ bộ của Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành - phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết doanh nghiệp (DN) có nhiều vi phạm, trong đó nổi bật:
Thứ nhất: lừa dối người tiêu dùng. Theo ông Mai Xuân Thành, quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như Công ty CP Tập đoàn Asanzo quảng cáo. Đơn cử như lắp ráp tivi, DN này chỉ có 12 dãy bàn trên diện tích 45m2. Công ty này có 1 phòng kiểm tra bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc. Việc lắp ráp thủ công bằng cách bắt vít, không lắp cấu hình chính.
"Dãy bàn vừa lắp tivi và vừa lắp điều hòa nhiệt độ. Sản phẩm lắp xong thì đóng vào bao bì mang nhãn hiệu Asanzo, mã số mã vạch, xuất xứ VN sau đó xuất bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa" - ông Thành nói.
Về quy trình lắp điều hòa, cũng theo ông Thành, trước tháng 5-2018 (sau thời điểm này Asanzo không trực tiếp lắp ráp điều hòa) quy trình lắp chỉ 30 phút/chiếc. Các sản phẩm khác như ấm siêu tốc cũng có quy trình tương tự như quy trình lắp tivi và điều hòa nhiệt độ, các hoạt động chủ yếu là lắp ráp các bộ phận có sẵn để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh như dán tem, đóng hộp...
Đối chiếu với video quảng cáo trên một số phương tiện thông tin đại chúng có hình ảnh dây chuyền, lắp ráp bằng máy móc, thiết bị hiện đại với thực tế tại cơ sở sản xuất của Asanzo cho thấy hoạt động lắp ráp không đúng như quảng cáo. Nên nói có công nghệ Nhật Bản là không đúng thực tế. Với việc sử dụng slogan "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", đến thời điểm này, theo ông Thành, Bộ
KH-CN cho hay không nhận được và cũng không xử lý hồ sơ về việc chuyển giao công nghệ của Asanzo.
Thứ hai: vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Với hàng xuất khẩu, cơ quan hải quan xác định Asanzo đã xuất khẩu 661 tivi các loại và bộ phận đi kèm. Công đoạn hình thành nên sản phẩm của Asanzo không cần công nghệ kỹ thuật cao mà chỉ là lắp ráp thủ công, giá trị gia tăng không cao, tỉ lệ nguyên vật liệu chính chiếm tới 98-99% giá trị.
"Như vậy tivi xuất khẩu chỉ lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ VN và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu. Còn đối với hàng trong nước, Asanzo không sản xuất mà nhập linh kiện mua từ các công ty trong nước để lắp thành sản phẩm. Linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc và nước khác, sau đó ghi xuất xứ VN" - ông Mai Xuân Thành nói.
Thứ ba: trốn thuế. Cục Thuế TP.HCM vừa ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của Công ty CP Tập đoàn Asanzo đến Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03) - Công an TP.HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự. Cục Thuế TP.HCM cũng ra quyết định truy thu, phạt, tính tiền chậm nộp với Asanzo với tổng số tiền hơn 47,6 tỉ đồng.
"Lừa dối người tiêu dùng là lừa dối gì, người tiêu dùng có ai bị hại, ai bị thiệt hại, ai là người tố cáo thiệt hại? Cần phải chỉ ra từng mục vi phạm theo điều luật nào...
Ông Phạm Văn Tam
Đồ họa: TẤN ĐẠT
"Không phải xuất xứ VN"?
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đề nghị đại diện các bộ, ngành trao đổi về các vi phạm của Asanzo.
Về nội dung Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Cẩn: Bộ Công thương có đồng tình với ý kiến này không? Lô hàng xuất khẩu hơn 661 tivi và kết quả xác minh là lắp ráp đơn giản rồi xuất khẩu thì phía Bộ Công thương có thấy có vấn đề không?
Ông Nguyễn Tiến Đạt (phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương): Qua xác minh thực tế từ dây chuyền công nghệ, quy trình lắp ráp... thì nhất trí với báo cáo nói trên của Tổng cục Hải quan. Với những kết quả kiểm tra, Asanzo vi phạm quy định gia công chế biến đơn giản và hàng hóa không có xuất xứ VN. Có thể coi hàng mà Asanzo xuất đi nước ngoài không phải xuất xứ VN.
Ông Nguyễn Văn Cẩn: Giá trị nhập khẩu cấu thành nên tivi là 98%, chỉ có 2% giá trị trong nước. DN khai linh kiện, thậm chí bao bì cũng in ở nước ngoài, tất cả đều xuất xứ nước ngoài mà chỉ lắp ráp rồi mang nhãn hiệu Asanzo. Vậy, với chức năng quản lý nhà nước về xuất xứ hàng hóa thì Bộ Công thương cho biết quan điểm như thế nào? Còn Bộ Tài chính cho rằng DN vi phạm giả mạo xuất xứ với lô hàng xuất khẩu và giả mạo xuất xứ đối với các lô hàng bán trong nước. Theo điều ước quốc tế là không được phân biệt đối xử giữa thị trường trong nước và nước ngoài.
“Quan điểm của chúng tôi là Asanzo có những dấu hiệu giả mạo xuất xứ. Hàng ghi made in Vietnam mà chả có gì cả. Hàng VN chất lượng cao nhưng có sản xuất gì đâu mà ghi chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Cẩn
Ông Trần Duy Đông (vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương): Hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ Công thương đang xây dựng thông tư về ghi nhãn hàng hóa "made in Vietnam".
Ông Nguyễn Văn Cẩn: Như vậy, cùng một loại hàng mà cụ thể là tivi, giá trị sản xuất trong nước chỉ 2%, khi xuất khẩu thì vi phạm quy định, không được chấp nhận là hàng có xuất xứ VN, nhưng mang tiêu thụ nội địa thì chưa có quy định.
Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ về việc này, song trước hết đề nghị Bộ Công thương sớm ban hành thông tư hướng dẫn quy định về ghi nhãn hàng hóa. Không thể để cả xã hội và người dân thấy quá vô lý. Cùng một loại hàng thì người tiêu dùng VN lại khác biệt với người tiêu dùng các nước khác sao?
Quan điểm của chúng tôi là DN có những dấu hiệu giả mạo xuất xứ. Hàng ghi made in Vietnam mà chả có gì cả. Hàng VN chất lượng cao nhưng có sản xuất gì đâu mà ghi chất lượng cao. Tất cả nhãn mác đều vi phạm sở hữu công nghiệp, cũng giả rồi. Tất cả các nội dung khác đều là giả rồi.
Như vậy đề nghị đại diện Bộ Công thương tham dự ở cuộc họp này sớm báo cáo lãnh đạo bộ... Chúng tôi bình luận thì nó hơi vô lý đấy.
Ông Mai Xuân Thành (phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan):
Chưa từng thanh toán cho Sharp - Roxy Hong Kong
Việc sử dụng "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo của Asanzo không đúng với thực tế.
Cụ thể, Asanzo cho biết có ký hợp đồng ngày 24-1-2017 với Sharp - Roxy Hong Kong để được cung cấp phần mềm và chuyển giao công nghệ. Nhưng từ khi ký kết, Công ty Asanzo chưa thanh toán lần nào cho đối tác.
Và đại diện Sharp VN cũng khẳng định Sharp - Roxy Hong Kong không có thật và hợp đồng là giả mạo vì từ cuối năm 2016 liên doanh Sharp - Roxy Hong Kong không còn tồn tại.
Còn chữ ký và con dấu thì từ năm 2017, con dấu không còn hiệu lực, chữ ký thì chúng tôi không xác định được người ký.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận