TTCT - Trong một tờ báo mà chủ báo, chủ bút và tổng biên tập là ba người khác nhau, chuyện gì xảy ra khi giữa họ có xung đột? Chủ báo Jeff Bezos và cựu tổng biên tập Sally Buzbee của tờ Washington Post. Ảnh: SalonỞ báo The Washington Post, chủ báo là tỉ phú Jeff Bezos, người bỏ 250 triệu đô la mua lại tờ này năm 2013. Dưới ông là chủ bút kiêm tổng giám đốc điều hành, Will Lewis, còn điều hành công việc hằng ngày của tòa soạn báo là tổng biên tập Sally Buzbee. Nội bộ tờ báo này giờ rối như canh hẹ khi Lewis đang dính vào một xì căng đan xảy ra đã lâu, trong khi đột ngột từ chức, làm xôn xao làng báo Mỹ.Cách đây hơn 10 năm, News Corp - đế chế truyền thông của Rupert Murdoch - rơi vào khủng hoảng ở Anh do người ta phát hiện phóng viên nhiều tờ báo của tập đoàn này đã hack điện thoại của nhiều người nổi tiếng lấy cắp thông tin. Để giải quyết khủng hoảng, News Corp thuê Will Lewis xử lý, theo lời ông là hợp tác với cơ quan điều tra, làm rõ mọi sai phạm nhưng theo lời các nạn nhân bị hack là giúp News Corp che giấu bớt các tình tiết phạm tội.Chuyện xảy ra đã lâu nhưng mới tháng trước khi Lewis chuẩn bị tái cơ cấu The Washington Post sau khi được Jeff Bezos mời làm chủ bút thì một quan tòa ở London ra phán quyết nói nạn nhân vụ hack điện thoại có quyền kiện tiếp với những cáo buộc mới. Mặc dù Lewis không phải là bị đơn, vụ kiện khẳng định nỗ lực dọn dẹp của ông này nằm trong chiến dịch xóa dấu vết để bảo vệ News Corp.Thế là xảy ra xung đột giữa chủ bút và tổng biên tập The Washington Post: Sally Buzbee muốn tờ báo đưa tin về vụ hack điện thoại, kể cả nêu tên Lewis như một người liên quan; Lewis thì phản đối việc tờ báo đưa tin về vụ này với lý do đây là chuyện nhỏ. Khi Buzbee nói báo vẫn sẽ đăng, Lewis đáp trả rằng quyết định của bà là một sai lầm trong phán đoán và bỏ đi. Chưa hết, một phóng viên của NPR công khai chuyện năm ngoái Lewis tiếp cận anh này hứa hẹn cho phỏng vấn độc quyền đổi lại là lời hứa không viết về vụ hack điện thoại nữa - một cách làm được giới báo chí Mỹ cho là không đàng hoàng.Tuy nhiên, theo tờ New York Times, xung đột quanh chuyện đăng hay không đăng tin vụ hack điện thoại chưa phải là lý do chính để Buzbee từ chức.Trước đó, Lewis đã bàn với bà kế hoạch sắp xếp lại tờ báo, trong đó then chốt là lập thêm một "tòa soạn thứ ba" bên trong tờ báo, một ý tưởng được sếp Jeff Bezos bật đèn xanh.Ý tưởng cụ thể là chia nhân sự tòa báo thành ba bộ phận: một tòa soạn chính lo tin bài; một bộ phận chuyên viết bài ý kiến, bình luận - là hình hài tòa soạn hiện có; nay thêm "tòa soạn thứ ba" hoàn toàn mới chuyên đưa tin mạng xã hội, kể chuyện bằng video cũng như tập trung vào thể loại báo chí dịch vụ, tức báo chí phục vụ độc giả qua các mục tư vấn sức khỏe, lối sống, ẩm thực. Tờ New York Times cũng đi theo hướng này, nhất là lãnh vực tư vấn mua sắm và trò chơi giải trí.Đây là sáng kiến nhằm vực dậy tờ báo, giúp Bezos thực hiện tham vọng nâng độc giả lên 100 triệu người từ con số 2,5 triệu hiện nay. Bảy năm đầu tiên sau khi Bezos mua lại The Washington Post, số lượng độc giả tăng mạnh nhờ tờ báo liên tục đưa tin về Donald Trump, kể từ khi ông này ra tranh cử tổng thống rồi trải qua nhiệm kỳ đầu tiên đầy sóng gió. Nhân sự tòa soạn tăng gấp đôi. Thế nhưng sau khi Trump ra đi sau cuộc bầu cử 2020, độc giả giảm nhanh, còn một nửa so với trước. Năm 2023, tờ báo lỗ 77 triệu đô la.Lewis, Buzbee và Washington Post. Ảnh: AOLLewis tỏ ý muốn bà Buzbee phụ trách "tòa soạn thứ ba" này. Buzbee làm tổng biên tập The Washington Post trong ba năm vừa qua, một giai đoạn vừa chứng kiến tờ báo giành nhiều giải Pulitzer nhưng cũng là lúc lượng độc giả giảm sút mạnh, nhiều cây bút tài năng ra đi. Tờ báo đóng cửa ấn phẩm tạp chí Chủ nhật, làm nhiều cây bút viết bài đinh thất nghiệp.Phụ trách một phần ba lực lượng, xem như bà Buzbee bị giáng chức. Đó mới là lý do bà từ chức. Dù vậy, việc bà ra đi khiến nhân sự ở tờ báo phản đối Lewis, nhắc lại chuyện ông này can thiệp để báo không đăng xì căng đan hack điện thoại ngày trước. Dư luận dậy sóng làm nhiều người đặt câu hỏi liệu Lewis có tồn tại được lâu tại tờ báo này.Mặc dù Jeff Bezos ít khi nhúng tay vào công việc điều hành The Washington Post, ông là nhân vật có tính quyết định như chọn người làm chủ bút, phê duyệt ngân sách hằng năm và định hướng phát triển cho tờ báo. Trước mắt chủ báo vẫn ủng hộ chủ bút.Lewis cũng đã có thư giải thích với nhân viên trong báo về các sự kiện diễn ra trong hai tuần vừa qua với lời lẽ xoa dịu, rồi gặp từng nhóm nhỏ để nói thêm về kế hoạch cải tổ tờ báo. Thư của Lewis thừa nhận "sự thật đã bị đánh mất" bởi "các vết sẹo trong quá khứ và việc trao qua đổi lại trong tuần này".Nhân viên The Washington Post cũng nhận được bảng khảo sát hỏi phản hồi của họ trước kế hoạch tòa soạn mới của Lewis, kể cả câu hỏi cụ thể liệu họ có tán thành việc lập ra "tòa soạn thứ ba" và họ nghĩ như thế nào về việc sử dụng AI trong nghề báo - những câu hỏi không riêng The Washington Post mà nhiều tờ báo khác cũng đang phải đối diện. Nhà báo Anh xâm nhập làng báo MỹTrước khi được Bezos kéo về để vực dậy The Washington Post, nhà báo người Anh Lewis là tổng giám đốc điều hành Dow Jones, nơi xuất bản tờ Wall Street Journal. Ông mới bắt đầu nhiệm vụ vào đầu năm nay.Ngoài Will Lewis còn nhiều nhà báo gốc Anh khác đang nắm giữ các chức vụ chủ chốt tại nhiều tờ báo Mỹ. Emma Tucker làm tổng biên tập tờ Wall Street Journal từ năm 2023, cùng năm Mark Thompson (trước đây làm cho BBC) trở thành chủ tịch CNN. Họ theo chân nhiều cây bút người Anh khác đã trụ chân tại đất Mỹ từ lâu: sếp Bloomberg News (John Micklethwait), New York Post (Keith Poole) và Hãng tin AP (Daisy Veerasingham) đều là người Anh."Chúng tôi là các cúp vàng các tỉ phú Mỹ sưu tập" - Joanna Coles, người vừa được cử làm tổng giám đốc điều hành tờ báo online The Daily Beast hồi tháng 4. Sau nhậm chức, bà không ngần ngại tuyển dụng hai đồng hương người Anh về làm tổng biên tập và làm trưởng văn phòng Washington.Phong cách làm báo của dân Anh khác dân Mỹ. Dân Anh làm báo dữ dội hơn, xông xáo hơn, không ngại phong cách lá cải, không ngại tai tiếng và các thủ thuật săn tin. Chẳng hạn việc trả tiền cho nguồn tin để lấy tin độc quyền là chuyện bình thường ở Anh nhưng bị chê trách ở Mỹ. Tags: Báo chíWashington PostChủ bútChủ báoNghề báo
Ra thế giới với Việt Nam trong tim TUỔI TRẺ ONLINE 28/01/2025 20 năm trước, 'công dân toàn cầu' còn là một khái niệm mới được giới trẻ Việt Nam tìm hiểu và lấy làm ước mơ, khát vọng phấn đấu để đi xa tiến xa. Nhưng hiện nay, với thế hệ gen Z, công dân toàn cầu đã là một điều tất yếu của cuộc đời.
Làng Nủ hồi sinh sau lũ quét, nụ cười đã tìm về, dịu lại những gương mặt khổ đau 28/01/2025 Sau hơn một tháng dọn vào khu tái định cư, cuộc sống của những hộ dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đang dần ổn định. Họ đang chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên trong ngôi làng mới.
Tin tức thế giới 28-1: Nvidia mất gần 600 tỉ USD; Colombia điều máy bay nhận người bị Mỹ trục xuất DUY LINH 28/01/2025 Loạt dự án nhân đạo tại Ukraine điêu đứng khi Mỹ dừng viện trợ; Ấn Độ và Trung Quốc nối lại đường bay sau 5 năm cắt đứt.
Hà Nội dừng trình diễn drone mang theo pháo hỏa thuật trong đêm giao thừa PHẠM TUẤN 28/01/2025 Phần trình diễn ánh sáng bằng drone trong chương trình nghệ thuật "Rực rỡ Thăng Long" bị dừng để đảm bảo sự thành công của chương trình.